Nhiều bạn trẻ có mặt tại buổi gặp gỡ, giao lưu những người nuôi rắn diễn ra tại TP.HCM
Có mặt tại buổi gặp gỡ, giao lưu những bạn trẻ nuôi rắn sáng 31/7, Lê Minh (sinh viên) mang theo 20 con trăn lớn nhỏ để gọn gàng trong hộp. Minh nói đây là loài trăn bóng (hay trăn hoàng gia, tên tiếng anh Ball Python).
'Mình bắt đầu nuôi trăn bóng từ 4 năm trước, con đầu tiên mình mua có giá 23 triệu đồng, nặng dưới 100gr, đến nay đã nặng 1,2kg. Hơn 1 năm trước, mình bắt đầu tìm hiểu và cho các con trăn mình có sinh sản với nhau, đến hiện tại bộ sưu tập thú cưng của mình có 30 con, trong đó có nhiều con gen lặn khó phối.
Mỗi con là mỗi tính cách khác nhau, vì vậy khi nuôi phải hiểu ý từng con. Con này thích ăn gì, ăn vào giờ nào thì mình phải nắm. Mỗi tháng, mình ước tính mất khoảng 3 triệu đồng tiền mua thức ăn cho 30 con trăn' - Lê Minh chia sẻ.
Cậu bạn này cho hay, việc nuôi trăn và cho trăn sinh sản ngoài việc giúp cậu học hỏi thêm nhiều kiến thức sinh học, thỏa mãn đam mê thì còn mang đến nguồn thu nhập khi giao dịch mua bán thành công một 'bé trăn' nào đó. Minh chia sẻ đã bán được vài con trăn nhỏ với giá cả chục triệu đồng.
Lê Minh và thú cưng có giá 23 triệu đồng
Lê Minh đã cho các thú cưng của mình sinh sản, đến nay đã có khoảng 20 con trăn con nhiều họa tiết và màu sắc khác nhau
Có gian hàng trưng bày một số loại trăn, rắn tại buổi offline, Gia Hiếu cho biết không thể nhớ được chính xác số lượng thú cưng trăn, rắn mà mình đang buôi. Gia Hiếu thừa nhận đây là 'thú chơi sưu tầm gây nghiện cho mình' trong 7 năm qua.
'Ban đầu mình chơi loài rắn bình thường, sau đó tìm đến những loài độc lạ có giá trị vừa vừa và tiếp theo là những bé cao hơn' - Hiếu kể. Hiện tại, bộ sưu tập của Hiếu có giá trị cả trăm triệu đồng.
Bạn Gia Hiếu không thể nhớ chính xác số lượng trăn, rắn mình đang nuôi vì... quá nhiều
Lặn lội từ Ninh Thuận vào dự buổi giao lưu, bạn Mai Tấn Đăng (18 tuổi) mang theo thú cưng là một con rắn Boa Constrictor Imperator đã nuôi hơn 7 tháng. Đăng cho biết, con rắn này có giá ban đầu là 6 triệu đồng, ngoài ra, Đăng còn nuôi thêm một con cùng loài nhưng khác màu, khác hoa văn.
'Trước khi bắt đầu chơi, mình đã tìm hiểu và chỉ hướng đến những loài đã được thuần hóa, không có độc tố. Từ ngày nuôi rắn, mình nghỉ hẳn việc chơi game chỉ để ngồi quan sát các hành vi, tập tính của chúng.
Thời gian đầu, do không biết nên mình cho rắn ăn vịt lộn sống khiến nó bị giun sán, mình mất khoảng 200 ngàn đồng để mua thuốc và 2 tháng kiên trì chữa bệnh cho rắn. Ở nhà, rắn được nuôi trong lồng kín khá an toàn' - Đăng kể.
Tấn Đăng
Vuốt ve con trăn đất Ivory loại nhỏ có giá hơn 1 triệu đồng đang bò quanh cổ, Trinh (ngụ huyện Hóc Môn) gọi âu yếm thú cưng của mình là 'em', xưng chị. Trinh cho biết mình là dân chơi mới, thấy bò sát có sức hấp dẫn vì vẻ ngoài độc đáo và màu sắc lạ mắt nên hứng thú và tập tành nuôi.
'Trong nhà có người lớn nên lúc đầu mọi người cũng sợ, sau đó nuôi quen rồi thì mọi người cũng yên tâm. Những con trăn này được nuôi ở một khu riêng trong nhà để dễ kiểm soát. Trong thời gian tới mình dự tính sẽ nuôi thêm vài em nữa, nhưng phải tìm hiểu kỹ rồi mới quyết định mua' - Trinh chia sẻ.
Trinh và thú cưng mới nuôi hơn 1 tháng
Bạn Phạm Minh Hiếu - chủ kênh Youtube Sứ giả rừng xanh, người tìm hiểu về rắn hơn 10 năm chia sẻ rằng: 'Đa phần những loài rắn không độc, được các bạn nuôi nhốt thường là những loài được sinh sản nhân tạo, đã quen với môi trường con người tạo ra nên nếu thả về tự nhiên chưa chắc đã sống được.
Mình nghĩ chơi rắn phải đi kèm với trách nhiệm, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh'.
Hiện nay, trào lưu nuôi các loài bò sát nói chung và nuôi trăn, rắn nói riêng làm thú cưng khá phổ biến. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng việc nuôi trăn, rắn tiềm ẩn một số nguy hại với người nuôi.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc trại rắn Đồng Tâm từng chia sẻ rằng rắn là loài ăn thịt sống thường mắc các bệnh về kí sinh trùng như giun, sán, ve, các bệnh nấm da, nấm miệng rất dễ lây sang người khi tiếp xúc với rắn hàng ngày. Thức ăn của rắn là thạch sùng, chuột… những động vật trung gian gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch cho con người.