Các trường hợp chấm dứt đơn phương
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, trong đó quy định các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong 4 trường hợp sau:
Trường hợp 1, bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;
Trường hợp 2, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (gọi chung là doanh nghiệp bán bảo hiểm) và bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm.
Trường hợp 3, người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.
Trường hợp 4, bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm.
Người mua cần xem xét thật cẩn thận trước khi ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cũng liên quan đến những hậu quả riêng biệt với từng trường hợp.
Cụ thể, trong trường hợp 1, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm;
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bán bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra doanh nghiệp bán bảo hiểm có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
Với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bán bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Với trường hợp 2 và 3, doanh nghiệp bán bảo hiểm có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bán bảo hiểm còn có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Với trường hợp 4, bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm.
Trong trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Ngoài ra, trong trường hợp 1 và 2, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Hủy bỏ hợp đồng do bị lừa mua bảo hiểm
Bên cạnh việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, Luật kinh doanh bảo hiểm cũng quy định về các trường hợp hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều người bị nhân viên tư vấn cung cấp sai thông tin để thuyết phục mua bảo hiểm.
Cụ thể nội dung này được thể hiện tại Điều 22, quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Theo đó, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bán bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bán bảo hiểm.
Cả bên mua và bên bán bảo hiểm đều có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nếu không hợp đồng có thể bị hủy bỏ
Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bán bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp bán bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
Trường hợp doanh nghiệp bán bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bán bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).
Trao đổi với Báo Nhà báo và Công luận về tình trạng nhiều người dân rơi vào tình cảnh bị “lừa” mua bảo hiểm hoặc đi gửi tiết kiệm lại thành mua bảo hiểm, Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng văn phòng luật sư InterLa, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết trong các vụ việc này, đầu tiên phải nói đến lỗi của người mua bảo hiểm. Tại sao người mua trước khi kí một hợp đồng có giá trị cao lại không đọc lại các điều khoản, quyền lợi của chính mình để rồi khi hợp đồng đã hoàn thành mới gửi đơn thư kiện tụng.
"Tuy nhiên, người mua yếu thế do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu thì nói ít hoặc không đề cập tới. Nếu như khách hàng nắm được tất cả thông tin mà vẫn quyết định mua thì mới ổn, còn không thì rất dễ xảy ra tranh chấp
Đây cũng là lời nhắc nhở về vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng cũng như cảnh báo người mua bảo hiểm trước những thông tin mà nhân viên tư vấn cung cấp cần tỉnh táo và tuyệt đối không ký vào những giấy tờ, tài liệu mà mình chưa hiểu rõ nội dung”, luật sư Hòe cho biết.
Luật sư Trương Quốc Hòe cũng khuyến nghị người mua bảo hiểm nên xem lại hợp đồng của mình để tìm xem những điểm bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân và yêu cầu bên bán bảo hiểm có sự điều chỉnh kịp thời.