Nghe quảng cáo nâng mũi cấu trúc chỉ có 12 triệu đồng (trong khi các thẩm mỹ viện lớn, bệnh viện đều từ 25 triệu đồng trở lên), chị Nguyễn Thị H. trú tại Sơn La đã đặt lịch xuống Hà Nội làm nâng mũi cấu trúc, thu gọn cánh mũi để có dáng mũi sline. Kết quả sau nâng, mũi bị hếch, hỏng không được như ý.
Một tháng sau, chị H. xuống 'bắt đền' thì được nhân viên tiếp tục giới thiệu mổ sửa chữa và sau vài lần mổ sửa chữa thì mũi biến dạng hoàn toàn.
Trường hợp khác đến BV Chợ Rẫy TP.HCM khám vì lỗ mũi bị bít kín. Bệnh nhân này cũng làm mũi 3 lần tại một spa ở Long An. Kết quả nhiều lần hỏng, mổ lại và mất cả lỗ mũi. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình của bệnh viện phải phẫu thuật sửa chữa cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân đến từ Nha Trang cho biết cô đã nâng mũi và tổng sửa chữa 5 lần. Qua 5 lần phẫu thuật và sửa chữa thì mũi đã biến dạng, sẹo ở cánh mũi, lỗ mũi bít tắc thậm chí đưa tăm bông vào mũi cũng khó.
Mũi hỏng vì nâng mũi thẩm mỹ tại spa.
Không nâng mũi bằng phẫu thuật, bệnh nhân Nguyễn Hoài T. (20 tuổi, trú tại TP.HCM) vào viện cấp cứu vì sợ hỏng mũi. Theo T, cô thực hiện nâng mũi tại spa của một hotgirl. Sau đó về nhà T. bắt đầu thấy mũi đau nhức, tình trạng sưng không giảm và đỏ tấy.
Ban đầu bên spa cho rằng chỉ 2,3 ngày sau tình trạng này sẽ hết, nhưng qua 4 ngày mũi vẫn sưng, phù nề. Được biết, T chọn nâng mũi cấy chỉ theo quảng cáo cấy chỉ colagen và sử dụng collagen tự thân để làm mũi tự nhiên.
Các loại chỉ này sẽ tự tiêu sau một thời gian và mũi sẽ được bảo hành trong vài năm. Tuy nhiên khi vào viện mũi bệnh nhân nhiễm trùng nặng, có các ổ mủ ở sống mũi. Bác sĩ phải sử dụng kháng sinh nặng tránh viêm nhiễm nặng hơn và lấy chỉ cấy ở mũi cùng với dung dịch collagen đã được tiêm vào mũi của bệnh nhân.
Theo BS Đỗ Quang Hùng - nguyên trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày càng có nhiều bệnh nhân tới sửa chữa vì thẩm mỹ hỏng, biến chứng.
Có nhiều bệnh nhân là nạn nhân của các spa, thẩm mỹ viện chui. Nhiều người làm xong nhưng không biết người thực hiện nâng mũi cho mình có phải là bác sĩ hay không mà thấy quảng cáo mũi đẹp và giá rẻ nên họ nhắm mắt đưa chân để làm đẹp.
Bác sĩ Hùng cho biết hàng ngày ông và các đồng nghiệp chỉ tập chung sửa chữa biến chứng của thẩm mỹ chui, kém chất lượng. Nhiều bệnh nhân từ Hà Nội, Vinh... tới các tỉnh miền Tây đến và đều có chung một nguyên nhân 'nâng mũi ở spa'.
Thực tế hiện nay nhiều người bị phẫu thuật thẩm mỹ lôi cuốn vì những quảng cáo cuốn hút trên mạng xã hội Facebook, Tiktok... nhiều người mặc áo blouse giới thiệu mình là bác sĩ thẩm mỹ, chuyên gia này, chuyên gia khác còn thực tế họ có phải là bác sĩ hay không thì không ai biết.
Theo Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ, tại TP.HCM mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, trong đó 12.000 ca phẫu thuật đặt túi ngực và khoảng 100.000 người có độ tuổi trung bình 25 - 35 phẫu thuật thẩm mỹ các loại. Bác sĩ Hùng cho biết trong số đó nhiều người là nạn nhân của phẫu thuật làm đẹp.
Để nâng mũi hiệu quả, an toàn, hài hòa với gương mặt, bác sĩ Hùng khuyến cáo chị em nên thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép của cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi bạn làm thẩm mỹ bạn cần biết rõ danh tính bác sĩ sẽ làm cho bạn vì nhiều người mạo danh bác sĩ hoặc không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.
PGS Hùng cũng đặt trách nhiệm của các cơ quan chủ quản và địa phương ở đâu khi các cơ sở thẩm mỹ “chui” này hằng ngày vẫn tồn tại ngang nhiên, trái pháp luật và xuất hiện ngày càng nhiều trong khi không khó để nhận biết.
Các spa chỉ có chức năng chăm sóc da vẫn thực hiện các thủ thuật tiêm filler, cắt mí, nâng mũi như bình thường và hậu quả là khách hàng trở thành nạn nhân của họ. Việc sửa chữa lỗi thẩm mỹ vừa tốn kém cho khách hàng, vừa khó cho bác sĩ.