Nhiều lý do để quyết định từ bỏ ý định nghỉ việc
Muốn xin nghỉ việc từ lâu nhưng vì áp lực tài chính khiến Vũ Thu Hà (28 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lưỡng lự suốt hơn một năm nay vì nhiều lý do. Là nhân viên ở một công ty truyền thông, Thu Hà hiện có mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (bao gồm lương cứng và hoa hồng).
Cô gái 28 tuổi cho biết, nếu nghỉ việc sẽ không có chi phí trang trải cho cuộc sống, nuôi con nhỏ, tiền thuê phòng trọ... vì Hà biết, giữa tình trạng "bão sa thải" hiện nay muốn xin công việc mới đi làm ngay cũng không phải là điều dễ dàng.
Còn nếu tiếp tục đi làm, Hà luôn phải đối diện với vô số áp lực, gò bó từ công việc, mức thu nhập không tăng cũng không giảm, sếp nhiều lúc soi mói, đặt điều. Quan trọng hơn cả, hiện tại, cô gái trẻ đi làm mà không còn đam mê, động lực.
"Nếu không vì gánh nặng tài chính với đủ các khoản phải chi tiêu, mình sẽ quyết nghỉ việc ngay mà không chần chừ", Thu Hà nói.
Người trẻ đang ngày một có nhiều hơn những lý do để nghỉ việc
Còn đối với Như Thành (25 tuổi, nhân viên kỹ thuật), chính môi trường khắc nghiệt tại công sở đã lấy đi của anh rất nhiều thời gian dành cho bản thân. Đặc biệt là thời gian để giữ gìn sức khỏe và những mối quan hệ thân thiết.
"Sau mấy năm làm việc, mình cảm thấy mệt mỏi, không còn động lực để cống hiến vì công việc cứ lặp đi lặp lại. Đặc biệt, mình bị chỉ trích suốt ngày dù hoàn thành mọi công việc được giao, làm gì cũng phải nhìn nét mặt của người khác. Làm công việc này khiến mình không có thời gian cho bản thân. Mình rất muốn nghỉ việc nhưng lại sợ không biết làm gì tiếp theo", Như Thành bày tỏ.
Thường xuyên "kể khổ" nhưng vẫn chưa quyết định "đi hay là ở"
Cuộc sống chỉ loanh quanh với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, tháng nào cũng đau đầu vì đống hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền học phí cho con... trong khi sự nghiệp không hề tiến triển. Điều này đã khiến Minh Hạnh (26 tuổi, sống tại Thanh Trì, Hà Nội) cảm thấy vô cùng mệt mỏi để duy trì cuộc sống hiện tại.
Dù vậy, việc sợ rằng bản thân sẽ bị dán nhãn "nhảy việc", không tìm được công việc phù hợp hay sẽ bị thất nghiệp trước hàng loạt thông tin các công ty đang tiến hành sa thải nhân viên đã khiến Minh Hạnh phải chùn bước trước quyết định nghỉ việc.
"Trong những cuộc trò chuyện của cả nhóm bạn, mình nhận ra một điều lặp đi lặp lại đó là mình không có cách nào để giải quyết việc này nên thường kêu ca, than thở thay vì chia sẻ những vấn đề khác. Nào là công ty thiếu chuyên nghiệp, bị đồng nghiệp soi mói, đối xử bất công, công việc áp lực nhưng trả lương không xứng đáng với công sức bỏ ra...
Nhưng việc này chỉ giúp mình giải tỏa stress tức thời, còn việc vẫn còn đó, không quyết được bản thân sẽ ra đi hay ở lại". Minh Hạnh chia sẻ.
Dù mệt mỏi, áp lực hay thường xuyên kêu than, không ít người trẻ dám từ bỏ công việc đang làm
Trở thành trưởng nhóm của một team truyền thông từ khi còn khá trẻ, tưởng chừng điều này là một bước tiến lớn trong sự nghiệp thế nhưng Quang Minh (26 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) đang phải chịu những áp lực từ công việc và cấp dưới đem đến. Là sếp của những nhân viên trong độ tuổi GenZ, mặc dù bản thân cũng khá thoải mái, trẻ trung nhưng Minh và nhân viên của mình không thể hòa hợp được với nhau.
"Nhiều lần mình hướng dẫn một đằng nhưng cuối cùng nhân viên của lại làm một nẻo. Nhắc nhở, thậm chí là phạt nhiều lần nhưng các bạn vẫn tái diễn. Mình chán nản, mệt mỏi vì như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc cũng như uy tín của công ty”, Quang Minh nói.
Chàng trai 26 tuổi cũng cho biết đang ở lại công ty bởi trách nhiệm với công việc và những điều sếp mong muốn, kỳ vọng anh sẽ thực hiện. Nếu không, Quang Minh đã xin nghỉ việc từ lâu do không tìm được cộng sự đáp ứng những mong muốn của bản thân.
Đến bao giờ thì có thể nghỉ việc?
“Văn hóa hối hả” có thể trông hào nhoáng, nhưng nó đang gây áp lực rất lớn cho những người liên quan và những thay đổi kinh tế gần đây như lạm phát chỉ làm tăng thêm áp lực đó.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 12 trên 1000 người trẻ ở Việt Nam, hơn 60% trong số đó nói rằng thu nhập đang có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ. Nhiều người tin rằng làm việc nhiều hơn là câu trả lời cho sự căng thẳng đó, bởi trên thực tế, ngày nay, cứ 3 bạn trẻ thì có một người cho biết đang phải làm thêm công việc ngoài giờ để đảm bảo thu nhập.
Quyết định nghỉ việc hay không nên là một chuyện được cân nhắc kỹ càng
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng, dù mục tiêu của mỗi người là gì, chúng ta không cần phải nhượng bộ “văn hóa hối hả”. Bằng cách ưu tiên chăm sóc bản thân và hạnh phúc, chúng ta có thể đạt được bất kỳ thành công nào đối với bạn một cách bền vững.
“Đừng ngại yêu cầu giúp đỡ. Đôi khi, một bàn nhạc hay, một món ăn ngon hay trò chuyện với những người tích cực có thể là những gì bạn trẻ cần để vượt qua tình trạng kiệt sức và thay đổi cuộc sống của mình.
Nếu thật sự muốn thay đổi công việc, chúng ta phải cân nhắc thật sự kỹ càng bởi nguyên nhân có thể không đến từ công việc hay môi trường xung quanh mà đến từ chính bản thân mình. Vì vậy, hãy từ bỏ những thói quen xấu có hại cho sức khỏe, giữ cho mình một thể trạng cơ thể thật tốt trước khi quyết định bất cứ điều gì”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.