Hai mẹ con không chốn nương thân
Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt của những ngày cuối tháng 2, chúng tôi có dịp ghé thăm căn nhà – nơi trú ngụ của hai mẹ con chị Đinh Thị Thủy. Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là một căn chòi rộng chừng 20m2, được dựng bằng mấy tấm tôn cũ. Căn chòi được dựng ngay sát chuồng bò, giữa cái nắng hè mùi hôi bốc lên khiến không ai dám lại gần.
Từ trong căn chòi tôn, chị Thủy bước ra với gương mặt tiều tụy, hốc hác. Trên mặt chị vẫn còn các dấu tích bởi những trận đòn của người chồng. Cũng vì vậy ký ức không vui ấy mà chị phải ly hôn và dẫn người con gái về sống nhờ nhà bà ngoại.
Căn chòi tạm của 2 mẹ con chị Thủy
Trải lòng với PV, chị Thủy kể lại: “Trong nhiều năm sống với chồng ở thị trấn Sa Thầy, hai vợ chồng có với nhau 2 người con. Tuy nhiên vì mâu thuẫn với chồng nên tôi đã ly hôn. Cũng vì không có nơi nương tựa nên tôi đành đưa con về nhà bà ngoại”.
Vì không muốn làm phiền bà ngoại nên chị đã mượn mảnh đất trống của bà dựng căn chòi tạm làm nơi trú ngụ. Theo người mẹ trẻ là cháu Lê Ngọc Bích Thảo (hiện là học sinh lớp 8A Trường PTDT Bán trú THCS Hai Bà Trưng). Người chồng thì đưa người con trai ở với nhà nội.
Thấy mẹ vất vả, ngoài giờ học bé Thảo đi mót mủ cao su để có thêm tiền đóng học phí
Sau khi ly hôn, chị Thủy gánh trên vai khoản nợ hơn 150 triệu đồng, vì vậy chị phải lăn lộn khắp nơi với đủ nghề để trang trải nợ nần, nuôi con gái ăn học và tích góp kiếm chỗ nương thân cho 2 mẹ con. Từ nghề làm cỏ, bón phân đến bốc vác chị Thủy cũng không nề hà, ai thuê gì chị làm nấy.
Thấy mẹ cơ cực, Thảo cũng chẳng dám xin tiền nộp học phí… Để có tiền, cô học trò nghèo lại đi mót mủ cao su sau mỗi giờ học. Số tiền thu được, Thảo dành để trang trải việc học hành và mua thêm bó rau chuẩn bị bữa cơm cho hai mẹ con trong căn chòi tồi tàn.
Dù cuộc sống khó khăn song chị Thủy luôn động viên con cố gắng học hành
“Hai mẹ con ra đi với bàn tay trắng, cùng với số nợ lên cả trăm triệu đồng. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đi khắp nơi tìm kiếm việc làm. Con gái ngoài giờ đến lớp cũng lủi thủi trong vườn cao su để mót mủ. Thấy mẹ khổ, cháu cũng xin nghỉ học nhưng tôi không cho. Hiện tại, tôi chỉ ước có một căn nhà để hai mẹ con có chỗ trú mưa, trú nắng", chị Thủy gạt nước mắt nói.
Ước mơ làm cô giáo của cô học trò nghèo
Khi nghe tiếng trống trường điểm giờ ra về, Thảo lại ôm cặp sách chạy nhanh về nhà. Lấp đầy chiếc bụng đói với nắm cơm nguội từ sáng, Thảo lại khoác lên mình chiếc áo cũ của mẹ rồi lội ra cánh rừng cao su đầu làng.
Ước mơ của cô học trò nghèo là được trở thành cô giáo
Giữa cái nắng chói chang, một mình cô học trò nghèo len lỏi dưới tán rừng cao su để nhặt những giọt mủ còn sót lại đêm qua. Mùi hôi của mủ cao su bốc lên khiến người khác phải tránh xa nhưng Thảo lại hào hứng tích góp.
“Vì còn phải đến trường nên em thường đi nhặt được một buổi. Nếu trúng lúc mủ nhiều, lấy được đầy cái xô này thì em bán được khoảng 50.000 – 70.000 đồng. Thấy mẹ vất vả, cuộc sống gia đình còn thiếu thốn, khó khăn nên em muốn được san sẻ việc cùng mẹ để có thêm thu nhập, tự lo cho bản thân. Em mong mình có điều kiện để tiếp tục đi học. Lúc đó, em sẽ nỗ lực học tập tốt để trở thành một cô giáo dạy học cho các em vùng khó nơi đây”, Thảo bộc bạch.
Niềm ao ước duy nhất của chị Thủy là có một căn nhà để hai mẹ con có nơi trú mưa, trú nắng
Trao đổi với PV, thầy Võ Hoàng Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Hai Bà Trưng cho biết: “Từ khi em Thảo chuyển về đây học ít giao tiếp, có lẽ vì buồn chuyện gia đình. Giáo viên, bạn bè cũng luôn chia sẻ, động viên để em hòa nhập, tập trung vào việc học tập. Từ khi biết hoàn cảnh em khó khăn và phải đi nhặt mủ cao su giúp mẹ, nhà trường càng khâm phục em hơn”.
“Chính vì vậy, nhà trường, giáo viên luôn kêu gọi những mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ để em có chi phí học tập. Do hoàn cảnh khó khăn và em phải đi làm thêm nên việc học em ít nhiều có phần bị ảnh hưởng. Tôi mong nhà hảo tâm có thể chia sẻ để giúp gia đình chị Thủy, cháu Thảo có nơi ở ổn định. Qua đó, Thảo cũng yên tâm, phấn đấu trong học tập để đạt được ước mơ”.
Ông A Thuy – Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho hay: “Sau khi nắm được hoàn cảnh của mẹ con chị Thủy, chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp cùng đoàn thể đến giúp đỡ gia đình. Chị Thủy thường đi làm từ sáng sớm đến đêm tối nên mình cháu Thảo ở nhà tự lập. Ông bà ngoại sống sát bên đã già yếu nên cũng không giúp đỡ nhiều. Chính quyền địa phương đang cố gắng kêu gọi hỗ trợ để san sẻ gánh nặng nhằm giúp gia đình ổn định cuộc sống”.