Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp, không chỉ được biết đến là một nhà giáo mẫu mực mà còn là một người có ảnh hưởng trong việc dạy con/ dạy học sinh trên mạng xã hội. Chị thường đưa ra những chia sẻ gần gũi qua cách dạy con trai mình cũng như qua cách tiếp xúc với học sinh cho các bậc phụ huynh khác cùng tham khảo.
Là một giáo viên, nhưng lật lại quá khứ đi học ngày trước, chị Điệp là một cô học sinh không hề ưa trường lớp lắm. Bởi bản thân chị đã trải qua những kỉ niệm không-đáng-yêu cho lắm khi học lớp 1. Trẻ em luôn chất chứa trong mình sự tò mò với thế giới, vì thế chúng cần nhận được lời giải đáp thỏa đáng từ những người lớn. Tuy nhiên, không phải người lớn nào cũng đủ kiên nhẫn và thích thú đối với những câu hỏi của trẻ nhỏ.
'Năm mình 3 tuổi thì chị gái mình bắt đầu đi học lớp 1. Mẹ mình có 'sáng kiến' là để mình đến lớp theo chị. Hồi đó trường làng nhỏ xíu, mẹ lại quen hết các cô giáo nên các cô đồng ý ngay. Thế là mình hàng ngày lẽo đẽo đi học theo chị.
Cứ tưởng đi chơi thế mà đến cuối năm cô giáo gọi mẹ ra hỏi: Chị có muốn cho cái Điệp lên lớp không?
Đến đây thì mẹ mình choáng. Mẹ bảo, ôi thôi, nó còn bé như cái kẹo, lên lớp thế nào được, chờ nó 5 tuổi thì chị cho đi học lớp 1.
Thế là mình vào lớp 1 năm 5 tuổi. Hồi đó, việc đi học sớm cũng không phải là cá biệt.
Mình đi học với tâm lý nhẩn nha vẫn như đi chơi với chị. Nhưng mình học giỏi với cả xinh, hồi bé mình rất xinh. Các cô giáo rất yêu quý và hay gọi là 'Điệp búp bê'.
Xong đến một năm học thì có một cô giáo rất không thích mình mà không hiểu vì sao. Cô càng không thích, mình càng hay làm ngược lại ý của cô.
Một hôm trong giờ Chính tả, mình hỏi: Thưa cô, sao chữ 'tay' không thể viết là 'tăy'? Vì em đánh vần ă- y ay- t- ay- tay vẫn được cơ mà. Với cả chữ 'cuốc' với 'quốc' thì tại sao vần giống nhau mà âm đầu lại phải viết khác nhau?
Thay vì giải thích, cô bảo: Không hỏi, ngồi xuống!
Mình ngồi xuống rất ấm ức. Rồi khi cô đọc 'Hai bàn tay em', mình đã viết vào vở: 'Hai bàn tăy em'. Đang viết thì mình bị cô lấy cái thước rõ to, gõ một cái rất mạnh vào tay. Mình nhớ chính xác không phải vào mu bàn tay mà vào phần xương nhô lên ở đốt ngón tay nên nó đau khủng khiếp.
Nhưng có lẽ không khủng khiếp bằng việc đó là lần đầu tiên trong đời mình bị đánh.
Mình khóc sưng cả mắt. Và mình ghét trường học từ lúc đó.
Nhưng mình không kể với bố mẹ.
Hồi đó trường làng nên bàn ghế lỏng chỏng, cái rụng cái rơi. Không hiểu sao bàn mình luôn không có ghế. Mình đến lớp là đã không có ghế ngồi. Cô không cho phép đi lấy nên phải đứng viết. Cũng có mấy bạn phải đứng cùng.
Một hôm, trong khi quá buồn bã, mình về kể với bố. Dịp đó lại đúng dịp họp phụ huynh. Về sau nghe mọi người kể lại là bố đến họp nhưng cô mời nhất định không ngồi vì lý do: Tôi muốn đứng để hiểu cảm giác của con gái xem khi đứng một giờ học như thế nào.
Kể từ đó, thấy cô dịu dàng hơn với mình và cũng không có chuyện đến học không có ghế nữa.
Nhưng mãi mãi, ấn tượng về ngôi trường không còn vẻ thân thương, hiền lành nữa. Đến nỗi sau này nhà mình chuyển nhà có lần quay lại, chị gái hỏi có muốn về thăm trường cũ không, mình nhất định lắc đầu.
Sau này mình đi dạy học, đứng trong đám trẻ con, mình luôn tự nhắc hai điều:
1. Trẻ con hiểu hết về cách đối xử của người lớn với nó: Công bằng hay không công bằng; phân biệt hay không phân biệt. Trẻ con hiểu hết, thật đó.
2. Làm đau, làm tổn thương một đứa trẻ có thể để lại những kí ức xấu xí suốt cả cuộc đời.
Nên khi đọc ở đâu đó những chuyện như thầy cô 'trù' học sinh vì em đó không đi học thêm, vì em đó 'khác'… mình thấy rất buồn. Thấy như bóng dáng mình trong em học sinh ấy.
Nhưng có một 'vĩ thanh' trong câu chuyện của mình, đó là: khi học đại học, lần đầu tiên mình gặp được một người giải thích rất khoa học, rất đầy đủ về trường hợp 'tăy', về ngữ âm, về những bất hợp lý của chữ quốc ngữ và còn nói, nếu ai biết thắc mắc những vấn đề đó là… thông minh.
Để trả ơn, mình bèn… cưới làm chồng.
Về sau này, đôi lần trong bữa ăn, mình chống đũa chép miệng: Biết thế em chả thắc mắc, tay hay tăy cũng kệ, thì có phải em đỡ khổ.
Ông ấy thì bảo: Còn anh mà biết thế anh đã chả chọn nghiên cứu ngữ âm.
Tóm lại vẫn là 'lỗi lầm' từ kí ức mà ra! Hehe.'