PGS Đỗ Quang Hùng – Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ ông vừa phẫu thuật một ca sẹo khổng lồ do bấm lỗ tai.
Nữ bệnh nhân tới khám với sẹo lồi khổng lồ ở vành tai. Các bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật cắt sẹo lồi và tạo hình vành tai cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đã bấm lỗ tai từ bé. Khi lớn thấy bạn bè đeo khuyên vành tai trên nên đã đi bấm thêm, sau đó thì lỗ tai cứ đùn sẹo ra. Cô gái mặc cảm, xấu hổ chỉ biết dùng tóc che lại, thậm chí, cô ám ảnh tự ti vì vành tai “dị thường” của mình.
Tại khoa Răng Hàm Mặt- Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh các bác sĩ cũng đã gặp rất nhiều ca sẹo lồi vành tai, dái tai, gặp ở cả nam, nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhưng đa phần thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi với tỷ lệ tái phát cao.
Gần đây nhất là trường hợp của 1 bệnh nhân nam đến khám trong tình trạng dái tai 2 bên có sẹo lồi nhiều năm sau khi bấm lỗ tai. Sẹo ngày càng phát triển to, gây ngứa nhiều và mất thẩm mỹ.
Bấm lỗ tai là nguyên nhân để lại sẹo nhiều nhất.
Khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ nhận thấy: người bệnh có khối sẹo lồi dái tai bên phải kích thước 2x3cm, dái tai bên tai trái kích thước 1x2cm, màu hồng đỏ, rắn, chiếm gần như toàn bộ phần dái tai, xuyên từ đằng trước ra đằng sau tai.
Tại bệnh viện đại học Y Hà Nội các bác sĩ cũng tiếp nhận rất nhiều ca sẹo lồi do bấm lỗ tai. Điển hình là trường hợp của một nam sinh Nguyễn Quốc H. (19 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đến khám với chùm sẹo lồi, sẹo to bằng quả chanh.
H. cho biết từ năm 16 tuổi thấy bạn bè bấm lỗ tai cậu cũng đi bấm tại một cửa hàng cắt tóc. Sau bấm, H., không thấy sưng hay đau nên vẫn đeo khuyên bình thường. Được một thời gian, H thấy lỗ tai xuất hiện cục thịt, càng ngày cục thịt càng phát triển, H. đến viện khám và được xác định sẹo lồi do cơ địa yếu cần xử lý thẩm mỹ.
Tuy nhiên, sau lần 1 xử lý ở cơ sở thẩm mỹ, sẹo lồi vẫn tái phát, và lần này to bằng quả chanh. Lo lắng cơ địa sẹo lồi khó dứt nên H. mới tìm đến bệnh viện xin tư vấn biện pháp điều trị.
Theo PGS Hùng bản thân ông đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân khổ sở vì sẹo lồi vành tai từ việc bấm lỗ tai để làm đẹp. Sẹo lồi vành tai xử lý phải qua phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình.
BS Hùng chia sẻ hơn 30 năm làm trong nghề, bản thân ông luôn đau đáu làm thế nào để xử lý được sẹo lồi cho người Việt. Với ca bệnh trên, để giảm tái phát tối đa, bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình.
BS Hùng cho biết ông áp dụng quy trình cắt sẹo giữ lại da của sẹo và khâu dán lại. Khi khâu, không nên khâu kéo căng vì kéo càng căng sẹo càng to. Sau khi cắt u sẹo lồi bác sĩ lấy da dán lại vành tai và dùng kem chống sẹo nhập khẩu để điều trị.
Nếu 1 đến 2 tháng bệnh nhân vẫn còn sẹo lồi thì sẽ tiêm corticoid thêm. Người bị sẹo vành tai có thể làm một vòng để ép lại vành tai tạo áp lực tránh sẹo tái phát.
Mặc dù sẹo lồi vành tai không ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh nhưng nó lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ rất nhiều. BS Hùng cho biết đa số bệnh nhân đều than thở sẹo lồi khiến họ khó chịu, phiền toái, tự ti, đặc biệt là điều trị không dễ, dễ tái phát sẹo.
Sẹo vành tai chủ yếu do xỏ lỗ trên vành tai trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn. Khi xỏ khuyên không vô trùng sẽ dễ bị nhiễm trùng, chảy dịch và cơ địa sẹo lồi thì sẹo sẽ to như cục thịt thừa, có thể to hơn theo thời gian.
Với người có cơ địa sẹo lồi, những yếu tố làm tăng nguy cơ sẹo lồi như bấm lỗ tai, động dao kéo, nặn mụn. Trong đó bấm lỗ tai là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên sẹo lồi.
Các mô trên tai rất mềm, khi bị tác động bởi kim xỏ và bông tai thường dễ bị viêm, cùng với vi khuẩn dễ xâm nhập nơi vết thương hở dẫn đến tình trạng sưng phù. Nếu chăm sóc không cẩn thận thì da sẽ dễ hình thành sẹo.
Một số người có thể trạng nóng, dễ nổi mụn nhọt, mụn trứng cá, mụn thịt,… Trong quá trình điều trị, do chăm sóc không cẩn thận và đúng cách nên đã tổn thương đến mô da, dẫn đến da xuất hiện sẹo, thâm.
Với người cơ địa sẹo lồi, bác sĩ khuyến cáo bạn nên chọn các cơ sở uy tín để bấm lỗ tai, điều trị mụn khoa học tránh nhiễm trùng. Khi có sẹo lồi không nên xử lý ở các cơ sở như spa, các cơ sở y tế không đảm bảo yếu tố vô trùng cũng như kỹ thuật.