Các nhà khoa học cho biết, nấm “thây ma” là một trong 4 loại nấm có khả năng kiểm soát trí não của kiến, biến vật chủ thành những “xác chết” biết di chuyển trước khi chính thức kết thúc cuộc đời của chúng.
Nấm 'thây ma' có khả năng điều khiển trí não của vật chủ sau khi đã xâm nhập vào cơ thể của vật chủ - Nguồn ảnh: STEEMIT/TTO
1. Nấm “thây ma” là gì?
Nấm “thây ma” là tên gọi chung của loài nấm thuộc chi CordCordy. Có khoảng 600 loài nấm trong chi Cordyceps, mỗi loài nấm sẽ lây nhiễm trên một loài côn trùng khác nhau, gồm: ấu trùng, kiến, bướm, chuồn chuồn, châu chấu, gián, ong hay bọ cánh cứng.
Các nhà khoa học cho biết, trong 600 loài nấm “thây ma”, chỉ có 35 loài có thể kiểm soát được bộ não của vật chủ. Chẳng hạn như nấm Ophiocordyceps mononis, lây nhiễm cho kiến.
Bào tử nấm “thây ma” nhiễm và nảy mầm bên trong cơ thể côn trùng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể vật chủ, loài nấm này sử dụng một hóa chất kỳ lạ để kiểm soát hành vi của vật chủ. Các tế bào nấm sẽ được phát triển một cách nhanh chóng xung quanh não, chiếm quyền kiểm soát hệ thần kinh côn trùng để điều khiển cơ bắp của vật chủ.
Nấm sẽ ra lệnh buộc vật chủ di chuyển ra khỏi tổ, treo mình trên chiếc lá một cách nguy hiểm và chờ chết. Lúc này, những sợi nấm sẽ đâm xuyên qua cơ thể vật chủ và nhô ra ngoài, bắt đầu phun bào tử để săn con mồi khác.
Theo nhà di truyền học Ivan Will, chuyên gia về nấm tại Đại học Central Florida (Mỹ), nấm “thây ma” đã giải phóng một loại hóa chất để thay đổi AND vật chủ, nhưng hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác loại hóa chất đó là gì và cách nó thực hiện như thế nào.
Nhưng đó là một quá trình lâu dài. Rõ ràng loài nấm này đã có mặt trên trái đất từ lâu và tiến hóa dần theo thời gian, ít nhất là từ 45 triệu năm trước.
2. Nấm ‘thây ma” có gây nguy hiểm cho con người không?
Các nhà khoa học nhận định, việc con người có thể bị nhiễm nấm “thây ma” hay không vẫn chưa thể xác định rõ ràng. Theo João Araújo, một chuyên gia về nấm ký sinh tại Vườn bách thảo New York cho biết, cần một quá trình tiến hóa rất lâu cho việc nấm “thây ma” di chuyển sang bất kỳ loài động vật máu nóng nào. Chẳng hạn, nếu nấm muốn lây nhiễm sang động vật có vú thì cần ít nhất hàng triệu năm nữa để biến đổi gene.
Mỗi loài nấm “thây ma” tiến hóa để phù hợp với một loài côn trùng cụ thể, các loài nấm độc nhất cũng sẽ ít ảnh hưởng đến sinh vật không phải loài mà chúng tiến hóa để lây nhiễm. Ví dụ như nấm “thây ma” tiến hóa để lây nhiễm cho loài kiến thì chúng không thể lây nhiễm cho một loài côn trùng khác.
Việc nhảy từ loài côn trùng này sang loài côn trùng khác đã khó, thì việc nhảy từ loài động vật sang người càng khó hơn. Tuy nhiên “khó không có nghĩa là không có nguy cơ”, bởi mọi loài sinh vật trên thế giới đều đang tiến hóa mỗi ngày. Nếu một ngày đạt đến “lượng' đủ nào đó, việc chúng biến đổi về “chất” và nhảy loài là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngay cả khi nấm “thây ma” không gây nguy hiểm thì vẫn còn có rất nhiều loại nấm khác đe dọa đến con người. Nhiệt độ là một yếu tố có khả năng quyết định đến việc lây nhiễm.
Trên thế giới có hàng triệu loài nấm và vài trăm loài được biết là nguy hiểm đối với con người. Chính cơ thể ấm áp của chúng ta đã bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm nấm. Thân nhiệt bình thường của con người ở mức 37 độ C và nó được cho là quá nóng để hầu hết các loại nấm có thể sinh sôi và phát triển.
Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người bị nấm da bởi vì chúng có thể chui vào giữa các nếp gấp của da. Nơi đó ẩm ướt, tối tăm và mát hơn nhiệt độ chung của cơ thể nên nấm hoàn toàn có thể “cư trú” và nảy nở.
Nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên và điều này có thể sẽ giúp cho các loài nấm đã tiến hóa có thể thích nghi với nhiệt độ nóng hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để chúng có thể tồn tại bên trong cơ thể con người.
Hiện có một loại nấm có khả năng lây nhiễm cho người được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2011-2012, có tên gọi là Candida auris. Loại nấm này khi đã xâm nhập vào cơ thể người sẽ cho ra các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng do vi khuẩn. Những người có hệ thống miễn dịch kém sẽ gặp phải hàng loạt vấn đề về sức khỏe, thậm chí là tử vong.