Đầu tháng 11, một người đàn ông ở độ tuổi 20 đã bị bắt vì tội ăn cắp thực phẩm trị giá 100.000 won (74 USD) trong vòng 4 ngày từ một cửa hàng ở Bucheon, tỉnh Gyeonggi. Khi bị bắt, người này nói rằng anh ta đói.
Tòa án vẫn chưa quyết định về trường hợp của người này, nhưng nghèo đói là một vấn đề rất thực tế đối với những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc - một vấn đề trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 và kéo theo sự bất ổn trong thị trường việc làm.
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 chọn từ bỏ 3 điều được coi là quan trọng trong cuộc đời mỗi con người: hẹn hò, kết hôn và sinh con. (Ảnh: AP)
Trẻ và nghèo
Tính đến tháng 8, cứ 10 người nhận hỗ trợ cơ bản của chính phủ thì có 1 người ở độ tuổi 20 hoặc 30.
Tổng số đó là khoảng 245.000 người, cao nhất được ghi nhận và hơn gấp đôi so với con số một thập kỷ trước.
Viện Seoul do thành phố điều hành trong báo cáo được công bố cùng tháng chỉ ra rằng Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia khó sống hơn đối với những người trẻ tuổi trong 2 thập kỷ qua.
Trong năm 2000, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 18-39 là 7,5%. Đến năm 2020, tỷ lệ này đã thay đổi thành tăng trưởng kinh tế 2,1% và tỷ lệ thất nghiệp 10,1%.
Các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố khác như khả năng di chuyển giữa các tầng lớp xã hội” và “tỷ lệ những người ở độ tuổi 20 cảm thấy họ có sức khỏe tốt và nhận thấy rằng tất cả đều đã giảm từ 10 đến 20 năm trước.
Các chuyên gia viết trong nghiên cứu dựa trên dữ liệu được tổng hợp từ Ngân hàng Hàn Quốc, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho hay: “Có một mối lo ngại rằng dân số trẻ trở thành ‘thế hệ bị phong tỏa’”.
“Vì nguồn thu nhập chính của thanh niên trong độ tuổi trưởng thành là lao động, cùng với việc giảm việc làm và mất cơ hội kiếm thu nhập có thể cản trở sự hòa nhập vào thị trường lao động”, các chuyên gia cho biết thêm.
Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra rằng cách nhìn truyền thống về thu nhập để xác định tình trạng nghèo khó có “điểm mù” khi đánh giá tình trạng nghèo của thanh niên. Do những người trẻ tuổi thường không nắm giữ tài sản thực và tài chính đáng kể.
Ngay cả khi thu nhập của họ cao hơn ngưỡng nghèo - dưới 50% thu nhập trung bình - họ vẫn có thể mắc nợ nặng nề và trở thành người nghèo về giá trị tài sản ròng.
Một cuộc khảo sát do Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy gần 43% người trong độ tuổi 19-34 cảm thấy nghèo về mặt chủ quan. Trong số đó có 43% cảm thấy nghèo, 34,3% nói rằng họ khó có thể thoát nghèo trong tương lai.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 4.114 người Hàn Quốc trong độ tuổi 19-34 trên cả nước. Giới chuyên gia phát hiện ra rằng khoảng 41% số người được hỏi kiếm được ít hơn 20 triệu won (khoảng 15.000 USD)/năm. Trong khi, khoảng 32% có thu nhập hàng năm từ 20-40 triệu won.
Trước áp lực của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ Hàn Quốc đang chọn cách sống độc thân, không con cái, dẫn đến nhiều hệ quả đối với nền kinh tế hàng đầu châu Á. (Ảnh: Yonhap)
Nhiều bộ mặt đói nghèo
Nghiên cứu của Viện Seoul cho thấy những người trẻ tuổi gặp khó khăn về tài chính có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Vào năm 2021, các chuyên gia thấy rằng so với năm 2017, trầm cảm đã tăng 127,1% ở độ tuổi 20 và 67,3% ở độ tuổi 30. Khoảng 45,7% bệnh nhân trầm cảm ở độ tuổi 20 và 30.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một vấn đề khác là nghèo đói ở giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành cũng có khả năng ảnh hưởng đến các giai đoạn sau của cuộc đời.
“Sự thiếu hụt gặp phải ở tuổi trưởng thành có khả năng ảnh hưởng đến các bước tiến tới việc thành lập gia đình của một người - chẳng hạn như sự độc lập từ cha mẹ và cũng có tác động tiêu cực đến việc tích lũy tài sản”, các chuyên gia giải thích.
“Điều này được minh chứng bởi số lượng người dường như trì hoãn kết hôn do giới hạn tài chính”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Cuộc khảo sát 2 năm một lần của Statistic Korea được thực hiện bởi 36.000 người từ 13 tuổi trở lên được công bố vào đầu tháng này cho thấy 35,4% nam giới chưa kết hôn cho rằng thiếu tiền là lý do chính khiến họ không kết hôn. Trong khi chỉ 22% phụ nữ chưa kết hôn đưa ra lý do tương tự và ở mức 23,3% số người được hỏi cho rằng họ “không cảm thấy cần chuyện ấy”.
Những người trẻ tuổi không chỉ do dự hơn trong việc kết hôn, họ còn do dự trong việc sinh con vì thiếu tiền.
Trang web tìm kiếm việc làm Job Korea năm 2019 đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 877 người chưa kết hôn ở độ tuổi 20 và 30, cho thấy 46,2% trong số họ không có kế hoạch sinh con ngay cả sau khi kết hôn. Lý do được đưa ra thường xuyên nhất, ở mức 48,8%, là họ “không có sự đảm bảo về tài chính”.
Sự miễn cưỡng lập gia đình này thể hiện ở tỷ lệ sinh giảm, vốn đã trở thành một vấn đề ở Hàn Quốc. Vào tháng 10, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc thông báo rằng tỷ lệ sinh trong tháng 8 là con số thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu giữ kỷ lục vào năm 1981. Tổng tỷ suất sinh được dự đoán là 0,77 trong năm nay, giảm so với 0,81 của năm ngoái. Tổ chức này cũng dự đoán rằng 44,4% gia đình ở thành phố Daejeon sẽ không có con vào năm 2050.
Các số liệu chỉ ra một vòng luẩn quẩn khi những người trẻ tuổi gặp khó khăn về tài chính, khiến họ ngần ngại lập gia đình, dẫn đến tỷ lệ sinh và dân số giảm - điều này thường kìm hãm tăng trưởng kinh tế.