Người 'cướp cơm' hà bá trên sông Hồng
Ông Nguyễn Văn Hùng, hay được gọi với cái tên Hùng Mai, 61 tuổi, người đàn ông dáng người gầy, làn da sạm đi vì nắng gió cùng những nếp nhăn hằn đầy trên khuôn mặt khắc khổ. Dù vậy, nụ cười ấm áp và sự chân thành của ông mang đến thiện cảm lập tức cho mọi người.
Ông Nguyễn Văn Hùng hay còn gọi là Hùng Mai, người 20 năm đi 'vớt xác' chết trên sông Hồng.
Đến sống ở xóm Phao từ những năm 2000, trước đó từng có nhiều năm người đàn ông này tới sinh sống dưới chân cầu Chương Dương (Hà Nội). Gần 20 năm qua người trong xóm không ai nhớ nổi số xác chết trôi dạt đến đây được ông Hùng cứu vớt.
Trong trí nhớ của họ chỉ biết rằng mỗi khi có người xấu số tử nạn nơi cửa miệng hà bá trên sông Hồng là cái tên Hùng Mai có mặt.
Chẳng ai nhớ nổi số xác chết ông đã vớt, nhưng hễ có có người xấu số nào trôi dạt đến đây, người ta đều nghĩ đến cái tên Hùng Mai.
Tới xóm Phao chẳng khó gì để tìm người đàn ông chuyên đi 'nhặt xác' dưới sông, ngay dưới gầm cầu Long Biên hỏi mấy cô bán nước ông Hùng Mai, từ già cho tới trẻ ai ai cũng biết.
Căn nhà hai vợ chồng ông nằm xen giữa những chiếc nhà phao của hơn 20 hộ dân khác dưới con nước bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội).
Gọi là nhà nhưng thực chất nó trông giống một cái lều rộng chưa đầy 20 mét vuông được ghép tạm bợ bằng những tấm ván gỗ, những miếng phên bằng tre, bốn bên được che bằng những tấm bìa quảng cáo cũ để che nắng, che mưa.
Bà Mai, vợ của ông Hùng trong căn nhà ghép tạm bợ bằng những tấm ván gỗ.
Từ trong nhà nhìn ra khúc sông đôi mắt ông nheo lại, ông kể: 'Tôi không phải người gốc ở đây, nửa chữ cũng không biết, vì xích mích với gia đình rồi bỏ đi đến dưới chân cầu Chương Dương ở. Những ngày sống dưới đó làm gì có nhiều xác chết đuối như bây giờ.
Mỗi người được vớt lên là mỗi một hoàn cảnh, số phận khác nhau. Nhiều người giận nhau cũng ra sông tự tử, rồi người do áp lực kinh tế, học hành, thậm chí là cả chuyện yêu đương. Có những người trẻ lắm chẳng biết lí do gì mà lại nhảy xuống sông tự tử'.
Suốt những năm tháng đi vớt xác người ông gặp rất nhiều câu chuyện ám ảnh và rùng rợn, nhưng ám ảnh nhất đối với ông và mọi người trong xóm là câu chuyện về xác của hai cô gái trẻ được ông tìm thấy.
Đã hơn 20 năm gắn bó với nghiệp vớt xác, ông Hùng kể lại những câu chuyện về cái nghề lạ kì của mình.
'Ở xóm này đã từng vớt được xác của hai cô gái trẻ, hai thi thể này được tìm thấy cách nhau hẳn 2 năm, nhưng lại có nhiều sự trùng hợp lạ. Năm 2004, người ta tìm thấy thi thể của một cô gái còn rất trẻ. Tới năm 2006 cũng vớt được xác của một cô gái trẻ khác. Khi xác hai người được tìm thấy thì hai cánh tay đều đang bị trói chặt vào thanh tre to dài, thả trôi xác trên dòng nước. Hai cô gái này hoàn toàn không có họ hàng hay liên quan gì tới nhau', giọng ông trầm lại.
Hỏi ông tại sao lại chọn cái nghề nguy hiểm và vất vả này ông xua tay bảo: 'Đây cũng chẳng phải cái nghề gì, bình thường đoạn sông này hay thấy có xác người trôi đến, mình nhìn thấy không đành thì mình vớt lên, từ bao giờ người ta gọi đó là nghề. Làm nghề thì phải có lương, chứ như công việc này làm gì có ai trả lương'.
Căn nhà tạm bợ nơi vợ chồng ông ở chỉ khoảng 20m2.
Năm này qua năm khác, tháng nào cũng có người chết, thành ra nghề vớt xác trên sông Hồng lâu dần cũng đã quá quen thuộc với nhiều người. Gắn bó với xóm Phao bao nhiêu năm, cũng là từng ấy thời gian ông gắn bó với cái nghề này.
Ông Hùng cho biết việc vớt xác này cần phải có sức khỏe, giỏi bơi lội và đôi khi cũng rất nguy hiểm.
'Việc vớt xác không thể làm một mình, đặc biệt xác chết đuối thì nó to và nặng hơn. Khổ nhất là gặp xác chết lâu ngày nó bốc mùi hôi thối, khí bốc lên nồng nặc, sộc thẳng vào mũi, có đeo khẩu trang thì lại gần cũng không chịu nổi. Công việc này lúc đầu nhìn thấy đã sợ có ai dám vớt đâu, mãi sau này tiếp xúc nhiều với tử thi cũng thành quen'.
'Bén duyên' với vợ từ nhiều lần đi vớt xác… người
Cũng chính xóm Phao này là nơi ông Hùng gặp được bà Mai, người vợ của ông hiện giờ. Đôi vợ chồng già đến với nhau ở cái tuổi gần xế chiều chỉ đơn giản để gọi nhau tiếng ông, tiếng bà.
Không một đám cưới và cũng chẳng có chiếc nhẫn cưới hay lễ vật gì, phòng cưới cũng chính là ngôi nhà phao rộng chưa đầy 20m2 bập bềnh bên con nước.
Bữa cơm đạm bạc của hai vợ chồng già.
Chia sẻ với chúng tôi bà Nguyễn Thị Mai (63 tuổi) nhớ lại, những ngày đầu bà ôm con nhỏ đến xóm này ở thì hai vợ chồng chưa gặp nhau. Nhiều lần hai ông bà đi vớt xác cùng nhau rồi biết nhau nhưng cũng phải nhiều năm sau con cái động viên bà mới đến với ông Hùng.
'Nhà tôi trước ở dưới khu Bạch Mai nhưng từ ngày hai vợ chồng trục trặc tôi bế cả 4 đứa con ra ngoài này, đi đâu tha con đi đấy. Sau này ông Hùng đến xóm, ông hiền nhưng ít nói chuyện, nhiều lần thấy báo có xác người trôi đến cả xóm chạy ra xem từ đó mới hay gặp nhau', bà Mai bồi hồi nhớ lại.
Những con người vất vả hơn nửa đời, bén duyên với nhau muộn màng cũng vì nhiều lần đi vớt xác người.
Hằng ngày người đàn ông tuổi ngoài 60 vẫn kiếm sống nuôi vợ bằng công việc tự do, ai gọi thuê làm gì ông làm nấy. Bà Mai vợ ông sau hai lần bị trượt chân ngã giờ đây hai cánh tay của bà bên ngắn, bên dài, ngay cả việc chải tóc đối với bà còn khó khăn.
'Mang tiếng là ở Hà Nội nhưng khổ, bữa cơm chẳng đầy đủ, đến ngay cả điện nước cũng phải sử dụng tiết kiệm. Ngày thường có ai thuê mới có việc làm, nhưng họ trả lương thì rẻ, không có nghề nghiệp thì phải chấp nhận thôi', ông Hùng chia sẻ.
Tay của bà Mai bị thương sai 2 lần bị trượt ngã.
Nhiều năm gắn bó với sông nước, với công việc đặc biệt này ông Hùng cho biết, ông làm vì cái 'tâm', thấy xác không nỡ để nó trôi tiếp.
'Làm cái công việc này chẳng ai đòi hỏi gì công cán vì nghĩ làm phúc, làm đức thì hơn là nhận tiền. Gia đình nào khó khăn, tôi còn gửi lại hết số tiền công để họ lấy tiền hương khói cho người đã khuất', ông Hùng nói.
Giờ đây dù hai vợ chồng ông bà tuổi đã ngoài 60 không còn sức khỏe để tiếp tục làm công việc vớt xác nữa nhưng lần nào cũng vậy, hễ biết tin có xác người trôi đến họ lại không đành lòng. Họ lại lặng lẽ ra bờ sông và tiếp tục công việc...