Ồn như 'ong vỡ tổ' từ đêm đến sáng
Sau 9h tối là khoảng thời gian nghỉ ngơi của nhiều người. Tuy nhiên, trên phố Tạ Hiện các hàng ăn, quán bar vẫn tiếp tục mở cửa đón khách. Những 'tụ điểm' này hoạt động kéo dài đến 3 - 4h sáng, thậm chí mở cửa đến 7h sáng - khoảng thời gian người dân đi làm trở lại.
Theo chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Hạnh (90 tuổi, bán trà đá vỉa hè trên phố Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội): 'Bà ở đây từ bé, trước nó đã đã đông đúc, ồn ào rồi. Nhưng giờ, hàng quán mở ra nhiều, khách du lịch nhiều hơn, thanh niên tụ tập, ăn chơi thì Tạ Hiện càng ồn, càng lộn xộn. Nhất là mấy quán nhậu, đêm nào 2 - 3h sáng vẫn hô hào rất to, tiếng nhạc rất ồn.' Sức khỏe già yếu, phải buôn bán kiếm sống qua ngày nhưng không đêm nào cụ có được một giấc ngủ ngon.
Cùng chung sự bức xúc với cụ Hạnh, anh Nguyễn Văn Thắng (28 tuổi, Tạ Hiện, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: 'Cả ngày đi làm về mệt nhưng về đến đầu ngõ đã tắc. Quán nhậu mở tràn cả ra đường, người với xe chen nhau một đoạn nhỏ. Về nhà ồn quá lại không ngủ được. Ngày nào cũng thế nên đi làm lúc nào cũng lờ đờ, uể oải'.
Hàng quán chen lấn mọi ngóc ngách trên phố Tạ Hiện
Theo quy định của Nhà nước, tất cả các quán bar đều phải trang bị hệ thống cách âm đầy đủ. Nhưng theo phản ánh của người dân, những quán bar dành cho khách nước ngoài, có trang bị hệ thống cách âm chưa tốt, âm thanh lớn thoát ra ngoài, tiếng nhạc xập xình suốt đêm, gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Nhiều thanh niên tụ tập ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà dân để nói chuyện, uống rượu, mất trật tự, ảnh hưởng trực tiếp để giấc ngủ của người dân… Thậm chí, tại đây còn xuất hiện tình trạng sử dụng các chất kích thích như rượu bia, bóng cười… những hình ảnh này không còn xa lạ đối với người dân trong khu vực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trật tự và an ninh khu vực.
Anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: 'Vì nhà ở ngay sát những quán bar thường xuyên có thanh niên sử dụng chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu, thuốc lá điện tử,... nên sau 9h tối, gia đình mình không dám cho con nhỏ ra đường. Sợ cháu thấy những cảnh không hay lại về nhà học theo thói hư tật xấu'.
Sức khỏe suy giảm
Nhiều hàng quán để qua mắt lực lượng chức năng đã mở 'chui', chuyển từ vỉa hè vào trong nhà, tiếp tục kinh doanh đến sáng. Nói là chuyển vào trong nhà nhưng những tiếng ồn từ những cơ sở này thì không có dấu hiệu thuyên giảm. Chính sự 'lì đòn', bất hợp tác của những đối tượng này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.
Anh Thắng mặc dù đã cố gắng 'đối phó' với tiếng ồn bằng cách lắp đặt thêm cửa cách âm nhưng âm thanh bên ngoài vẫn rất ồn. Tiếng vợ chồng, con cái nói chuyện với nhau trong nhà phải cố lắm mới át được tiếng ồn bên ngoài. Anh chia sẻ: 'Mỗi khi vợ chồng nói chuyện với nhau thậm chí phải gào cả lên. Khi con mình hay hai vợ chồng cần tập trung làm việc, học tập cũng rất khó khăn, nhất là những lúc con vào mùa thi'.
Thậm chí, tình trạng mất ngủ triền miên khiến sức khỏe người dân xung quanh bị ảnh hưởng lớn. Nhiều người đi làm trong tình trạng không đủ tỉnh táo, người mệt mỏi, lờ đờ, uể oải: 'Nó ồn suốt ngày suốt đêm đấy, thần kinh bị ức chế, đau đầu không chịu được, có ngủ được đâu, sáng dậy thì uể oải, có người còn suy nhược cơ thể rồi đấy…', anh Thắng cho biết thêm.
Để tránh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên phố Tạ Hiện, nhiều hộ gia đình trong khu vực có tài chính tốt sớm đã 'tìm lối thoát' cho bản thân bằng cách chuyển sang nơi ở khác. Những người ở lại thường là do tận dụng mặt bằng vốn có để kinh doanh hoặc do phải phụng sự nhà tổ nên không muốn rời đi.
Anh Thắng chia sẻ thêm: 'Hiện gia đình mình đang có hai con nhỏ, tài chính tập trung nuôi con ăn học, không đủ để di chuyển sang nơi ở mới. Thêm nữa là nhà cửa, đất đai đều do tổ tiên để lại, phải phụng dưỡng hương khói ông bà nên đành cố gắng 'bám trụ' lại nơi này.'
Không chỉ có anh chị mà còn nhiều gia đình hơn nữa, vì lý do tài chính cũng chấp nhận sống 'tạm' ở chốn ồn ào, xô bồ này. Khi những cánh cửa cách âm đóng lại cũng là lúc người dân cố gắng tìm lấy một giấc ngủ an yên qua ngày.