Mới đây, trên một diễn đàn lớn, tài khoản Facebook N.T.H đã đăng bài kêu cứu sau khi biết mình là nạn nhân của lừa đảo qua mạng. Chị nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ đòi lại số tiền chị vay mượn để làm công việc cộng tác viên mua hàng online.
Chị chia sẻ: 'Em đi vay tiền để làm cộng tác viên online trên mạng cho Sendo. Nay em không thể lấy được tiền về vì họ ép em phải mua 2 điện thoại Iphone 23tr/1c nếu không họ sẽ không trả cho em tiền gốc em đặt là 18tr470k.
Giờ em không biết phải làm gì để trả nợ, hoàn cảnh em vất vả lắm. Em đi làm nhà nước lương tháng được gần 2 triệu, vì công ty chỉ chạy 85% lương. Em ốm đau quanh năm nên cả tháng đi làm được 13 công, đủ đóng bảo hiểm .Có ai biết cách nào lấy được tiền gốc về giúp em với. Họ bảo chị không mua thêm thì tiền của chị 36 tháng mới hoàn trả. Xin mọi người giúp em với.'
Bài đăng cầu cứu của chị H trên diễn đàn (ảnh chụp màn hình)
Bài đăng ngay lập tức nhận được sự chú ý của dân mạng. Rất nhiều người đã để lại bình luận cảm thông với hoàn cảnh của chị H, nhiều người khẳng định chị đã bị lừa và chắc chắn sẽ rất khó để đòi lại tiền. Không ít người dùng lời lẽ nặng nề cho rằng chị tham lam, mù quáng kiếm tiền nên dễ bị đối tượng nắm được điểm yếu.
Chúng tôi đã liên hệ với chị N.T.H để biết rõ hơn câu chuyện mà chị chia sẻ.
Lâm vào đường cùng, bị lừa liên tiếp
Chị H cho biết, hiện tại chị đang rối bời và chán nản, tự trách bản thân đã quá ngu muội, mù quáng tin theo những hứa hẹn của những người qua mạng để rồi mất hết tiền bạc mà chị chật vật vay mượn từ bạn bè.
Do hoàn cảnh khó khăn, lại mang trong mình căn bệnh ung thư nên kinh tế của chị vô cùng eo hẹp. Chị không lập gia đình, sống cùng bố mẹ và cậu em trai sinh năm 1979 mắc chứng tự kỷ. Năm 2017 chị phát hiện K đại tràng giai đọan muộn thể đột biến. May nhờ bạn bè giúp đỡ chị có tiền phẫu thuật và điều trị bệnh ổn định. Đến năm 2021, chị tái bệnh, lần này tế bào ung thư đã di căn vào gan, hạch, phổi.
Qua nhiều bệnh viện bác sĩ đều lắc đầu, chị được bạn bè giúp đỡ nhập viện Ung bướu Hà Nội để điều trị. 'Nhà mình khó khăn, mình may mắn có bạn bè giúp đỡ, hỗ trợ mới vượt qua được. Cuối năm 2021 mình xin ra viện hẳn và quay trở lại làm việc. Trước mình là nhân viên điều hành trạm xe buýt, nhưng nay bị bệnh sức khoẻ yếu mình chuyển xuống làm nhân viên vệ sinh. Nhưng việc của mình thì lại 2 người chung một lương, nên làm đủ tháng thì mình cũng chỉ được gần 2 triệu thôi, tháng 4 vừa rồi làm thêm ngày lễ mình được gần 3 triệu.' - chị H tâm sự.
Tiền lương không đủ, cả gia đình chị chỉ trông vào lương hưu của bố, nên chị muốn tìm thêm công việc để có thêm thu nhập. Vì sức khoẻ yếu, cũng không có chuyên môn gì nên chị H lên mạng tìm kiếm hy vọng có công việc phù hợp. Khi thấy thông tin Sen đỏ tuyển dụng CTV mua hàng online, chị nghĩ đây là đơn vị uy tín nên đã để lại thông tin cá nhân mà không kiểm chứng đường link kia có đúng là của Sen đỏ hay không.
Ngay lập tức có người liên hệ và mời gọi chị H tham gia làm CTV mua hàng online với công việc vô cùng đơn giản, số vốn ít, nhưng hoa hồng hấp dẫn. Để lấy lòng tin của chị H, đối tượng không chỉ gửi hình ảnh giấy phép kinh doanh của công ty, CCCD cá nhân của mình cho chị H.
Đối tượng tiếp cận chị H giới thiệu đến từ Sen đỏ với những dẫn chứng 'thuyết phục' nhưng thực chất là những giấy tờ giả mạo.
Tuy nhiên, đây đều là những giấy tờ giả mạo. Sau khi chị Hà chia sẻ câu chuyện bị lừa của mình, chủ nhân thực sự của giấy tờ trên đã liên hệ với chị cho biết chính mình cũng bị lừa đánh cắp ảnh chụp CCCD và bị nhiều đối tượng sử dụng để đi lừa đảo.
Người này đã trình báo công an và cảnh báo trên Facebook về việc mình bị đánh cắp thông tin cá nhân vào mục đích xấu.
Tuy nhiên, người chủ thực sự của CCCD này đã trình báo cơ quan chức năng về việc giấy tờ của mình bị đối tượng lừa đảo dùng vào mục đích xấu
Trở lại câu chuyện của chị H, ngay khi mời được chị H chuyển tiền mua đơn hàng đầu tiên, đối tượng lập tức chuyển tiền gốc + hoa hồng rất sòng phẳng. Tất nhiên, những đơn hàng này đều có giá trị nhỏ từ 100k - 500k. Điều đáng nói, khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của công ty lại là tài khoản cá nhân mang tên Trần Minh Quang.
Khách hàng có thắc mắc tại sao không phải tài khoản của công ty, người này có gửi lại công văn được cho là Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ xác nhận tài khoản cá nhân trên là nhân viên công ty.
Sau khi chị H tin tưởng, đối tượng bắt đầu 'rớt đơn' hàng có giá trị cao hơn từ 1tr, 5 tr thậm chí là 7tr, 10tr cùng với đó là khẳng định chắc nịch: 'Chị cứ yên tâm, em không lừa chị, nếu có gì sai sót em đảm bảo trả lại tiền cho chị.' Nhưng điều kiện đưa ra là chị H phải thanh toán đơn hàng trước, mới nhận được tiền hoàn và hoa hồng.
Chị H bản thân không có tiền nhưng vì muốn lấy lại vốn, cũng như tin lời đối tượng nên vay mượn bạn bè để mua nốt đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi chị H chuyển tiền thành công, đối tượng tiếp tục đặt ra các điều khoản mới như: thời gian chuyển chậm, độ uy tín thấp, yêu cầu chị phải mua thêm đơn hàng đôi thì hệ thống mới trả lại tiền.
Đến lúc này, chị H nói trắng ra rằng mình không muốn làm nữa, chỉ muốn nhận lại số tiền, đối tượng vẫn không ngừng nhắn tin thuyết phục chị chuyển hơn 20 triệu đồng để được hoàn lại tiền. Thậm chí khi chị H đăng đàn cầu cứu dân mạng, đối tượng cũng chụp lại màn hình để chất vấn chị, khẳng định mình không lừa đảo.
Đối tượng giới thiệu việc nhẹ, tiền hoa hồng cao, số vốn ít.
Những đơn hàng đầu tiên với giá trị nhỏ đều được trả lại tiền vốn + hoa hồng
Chiêu thức tạo lòng tin từ những đơn hàng nhỏ và tiếp tục mời thực hiện nhiệm vụ mới.
Khi bắt đầu những đơn hàng giá trị lớn hơn, đối tượng bắt đầu đưa ra lý do để yêu cầu người thực hiện phải chuyển thêm tiền.
Khi chị H nghi ngờ và không muốn thực hiện nữa, đối tượng đưa ra các hình ảnh chụp giao dịch của các CTV khác với số tiền hàng trăm triệu vẫn được hoàn trả đủ để thuyết phục chị H.
Sau những lần cố hoàn thành để được nhận lại tiền, chị H đã chuyển tổng cộng hơn 18tr nhưng đối tượng tiếp tục 'rớt đơn' 23 triệu yêu cầu chị H hoàn thành thì mới nhận đủ số tiền.
Đối tượng thậm chí còn nắm được chị H đã đăng thông tin trên mạng xã hội và khẳng định mình không lừa đảo, sẵn sàng ra đối chất với cơ quan chức năng và tiếp tục thuyết phục chị H chuyển tiền hàng.
Nở rộ chiêu lừa làm cộng tác viên mua hàng online kiếm hoa hồng
Chị H tâm sự: 'Mình gạt bỏ mọi sự xấu hổ, quyết định đăng câu chuyện của bản thân vì đã ở bước đường cùng mong muốn tìm cách lấy lại tiền, cũng là muốn cảnh báo mọi người để không ai bị như mình. Mặc dù nhận về không ít chỉ trích, nhưng mình thấy sau câu chuyện của mình nhiều người cũng đã chia sẻ câu chuyện của họ. Có bạn cũng vào nhắn động viên mình vì bạn ấy còn mất số tiền lớn hơn mà không biết cách nào để đòi lại được.'
Thời gian gần đây, hình thức mời gọi tuyển cộng tác viên mua bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang xuất hiện ngày một nhiều, nạn nhân sập bẫy không ít. Các nạn nhân không chỉ mất tiền triệu, thậm chí còn mất hàng trăm triệu trước thủ đoạn tinh vi của đối tượng.
Một trường hợp khác là chị M.T.L (Hà Nội) cho biết, thời gian chị mắc COVID-19 thực hiện cách ly tại nhà, không đi làm được nên đã lên mạng xã hội đọc tin tức và biết đến công việc làm cộng tác viên chốt đơn hàng ảo.
Chị L cũng được 1 người tiếp cận tự nhận là nhân viên Công ty TNHH Shopee. Khi chị L đã nộp vào đến 30 triệu đồng, chị đã không nhận được tiền gốc và lãi. Nhiều lần liên lạc, đối tượng đưa ra lý do hệt như trường hợp của chị H kể trên là do chị L chưa hoàn thành nhiệm vụ nên tiền không thể hoàn trở lại.
'Sự việc xảy ra như vậy nhưng họ còn chưa có khóa tài khoản mạng xã hội. Họ vẫn hứa là công ty sẽ điện thoại để lên nhận lại tiền mặt. Song tôi có liên hệ phía Shoppe thì hoàn toàn không tuyển cộng tác viên' - chị L nói.
Chiêu trò của các đối tượng là sử dụng tài khoản mạng xã hội 'ảo' đăng bài chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung 'tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki…'. Những người quan tâm sau khi để lại thông tin liên hệ sẽ lập tức có người add tài khoản và nhanh chóng giới thiệu việc làm 'rất đơn giản' mà hoa hồng cao.
Mỗi lần mua hàng, các 'cộng tác viên bán hàng' sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền 'hoa hồng' từ 10 - 20% giá trị đơn hàng.
Đối tượng sẽ gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shoppe, Lazada… yêu cầu tạo đơn hàng và thanh toán, sau đó 'hệ thống' sẽ hoàn tiền, kèm theo hoa hồng.
Ban đầu là những đơn có giá trị nhỏ, đối tượng sẽ chuyển lại đầy đủ số tiền vốn cùng hoa hồng khiến 'con mồi' tin tưởng cắn câu.
Sau khi có được lòng tin của bị hại, những lần tiếp theo, với số lượng đơn hàng lớn hơn, số tiền lớn hơn, các đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi, độ tín nhiệm thấp… để yêu cầu người tham gia trả thêm tiền mới được nhận lại số tiền gốc đã thanh toán, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó.
Người bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả. Dù đến khi phát hiện mình bị lừa thì đối tượng cũng khó lòng đòi được tiền từ người môi giới kia.
Đại diện Sen đỏ nói gì?
Chúng tôi đã liên hệ với Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, thành viên của Tập đoàn FPT, đại diện đơn vị này cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này liên tục nhận được những phản ánh về các đối tượng mạo danh các sàn thương mại điện tử, trong đó có Sen đỏ để lừa đảo.
Đại diện đơn vị này nhấn mạnh: 'Chúng tôi khẳng định các hoạt động lừa đảo này không phải của Sen đỏ hay hoạt động của nhân viên đang làm tại Sen đỏ mà là hoạt động mạo danh trái pháp luật.
Các đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều cách thức tinh vi, gây nhầm lẫn như đánh cắp thông tin, hình ảnh, thông tin nhân sự của Sen đỏ, làm giả biểu mẫu hợp đồng, giấy uỷ quyền của Sen đỏ, tạo những địa chỉ website giả mạo Sen đỏ. Các hoạt động lừa đảo thường diễn ra thông qua các nền tảng mạng xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của Sen đỏ.'
Đơn vị này cũng đã đưa ra nhiều thông báo cảnh báo khách hàng, đồng thời hướng dẫn các nạn nhân về thủ tục trình báo công an và sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu cần.
Công an các tỉnh thành đã nhiều lần cảnh báo về chiêu trò này, nhưng nhiều người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để chủ động phòng ngừa tội phạm, cơ quan công an đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.