Những vụ việc buôn bán người đang khiến người dân đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc vô cùng lo lắng. Kể từ tháng Một năm nay, chính quyền đặc khu đã nhận được đơn xin giải cứu của ít nhất 43 nạn nhân bị bắt cóc và ép đi làm việc trái phép ở các nước Đông Nam Á.
Trong số này, 23 người đã được giải thoát an toàn về đoàn tụ với gia đình, nhưng vẫn có 12 người đang bị giam giữ trái ý muốn ở Campuchia và 3 người ở Myanmar.
Theo TIME, thông tin trên một lần nữa làm dấy lên cuộc bàn luận về vấn đề đã tồn tại hàng thập niên qua nhưng chưa có cách giải quyết.
Người trẻ có tri thức trở thành 'con mồi' tiềm năng của các tổ chức lừa đảo việc làm trên mạng. (Ảnh minh họa)
Theo số liệu năm 2017, 40 triệu người đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người mà trong số này có 25 triệu người sinh sống ở khu vực Đông Á.
Các chuyên gia nhận định qua thời gian, những đối tượng buôn bán người cũng thay đổi phương thức hoạt động khi nhắm tới những 'con mồi' cổ cồn trắng hay người có trí thức nhưng đang bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bà Patricia Ho tại Đại học Hong Kong cho hay các băng nhóm buôn người ban đầu nhắm vào nạn nhân là người Malaysia, nhưng gần đây mở rộng sang cả cư dân Đài Loan và Hong Kong.
Hồi tháng Tám, cảnh sát Đài Loan ước tính hàng nghìn cư dân trên đảo này đã 'biến mất' sau khi đi tới Campuchia, trung tâm hoạt động của các băng nhóm lừa đảo ở châu Á.
Dù phần lớn nạn nhân của bọn buôn người là nhóm thu nhập thấp, nhưng theo ông Ho, tác động khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhóm trung lưu mất cảnh giác.
'Những nạn nhân bị lừa làm việc ở nước ngoài dưới hình thức làm những công việc hợp pháp. Chuyện này khiến ngày càng có nhiều người có học thức bị sập bẫy và trở thành nạn nhân', ông Ho cho hay.
Ông Jan Santiago, Phó Giám đốc Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu tại Mỹ, nhận định các băng nhóm tội phạm ở khu vực Đông Nam Á đang hướng tới tìm kiếm thêm sinh viên mới ra trường. Mục tiêu của bọn tội phạm là những người am hiểu về công nghệ và biết nhiều ngoại ngữ, cũng như hiểu biết về tiền điện tử.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Campuchia là ông Vitit Muntarbhorn trong tuyên bố hôm 26/8 từng nhấn mạnh, các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng và tới làm việc tại Campuchia đang phải trải qua 'cuộc sống địa ngục' khi thường xuyên bị tra tấn và thậm chí là bỏ mạng.
Mờ mắt vì tiền
Như tại Hong Kong, hôm 22/8, tổ chức phi chính phủ mang tên Ngăn chặn Buôn bán Người (STOP) đã tiết lộ chi tiết câu chuyện được 2 cư dân Hong Kong (30 tuổi) kể lại về quá trình họ bị bọn buôn người lừa.
Một người có tên Dee đã ngồi trên chuyến bay tới thành phố Mae Sot ở miền tây Thái Lan, sau anh này nhìn thấy thông tin quảng cáo trên Facebook tìm người làm nhân viên quảng cáo với mức lương tháng là 6.400 USD. Khi vừa đặt chân tới Mae Sot, anh Dee đã bị nhóm người mang theo súng và dao hăm dọa, ép đưa lên xe ô tô. Từ đây, anh Dee tiếp tục hành trình bão táp vượt biên trái phép vào Myanmar, nơi anh chỉ có thể đưa ra một sự lựa chọn là trả khoản tiền chuộc thân 10.000 USD, hoặc phải làm việc 12 tiếng/ngày gọi điện đi lừa những người khác.
'Tôi đã cố hết sức tìm cách bỏ trốn. Tôi không thể làm việc cho bọn chúng, bởi lừa đảo là hành vi phạm pháp', anh Dee nói.
Những thông tin quảng cáo việc làm ở nước ngoài thường xuất hiện trên các trang mạng kèm theo mức lương tháng hấp dẫn khiến những người ít kinh nghiệm rất dễ 'mắc bẫy'.
Một khi người tìm việc sập bẫy và di chuyển tới nơi được chỉ dẫn, những kẻ lừa đảo sẽ bắt giữ và tịch thu điện thoại cùng giấy tờ tùy thân. Các nạn nhân sau đó bị ép phải đi lừa người khác, nếu không họ sẽ bị đánh đập hoặc tra tấn vì không đạt được chỉ tiêu đặt ra, hoặc không phục tùng mệnh lệnh.
Để ngăn chặn số vụ lừa đảo và buôn bán người gia tăng, chính quyền Hong Kong đã cho triển khai nhiều biện pháp như cảnh báo hành khách tại sân bay về các thủ đoạn lừa đảo, và thành lập nhóm chuyên trách hỗ trợ các nạn nhân bị lừa.
Chia sẻ với báo chí, ông Tony Ho, quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát Hong Kong, cho hay lực lượng chức năng đã phối hợp với Interpol và các cơ quan hành pháp ở nước ngoài, nhưng rất khó để xác định được danh tính nghi phạm, và thu thập bằng chứng khởi tố.
Ngoài ra, một số người từng là nạn nhân của bọn buôn người đã bị ép lừa đảo các công dân ở nước nhà, nên chính họ cũng do dự hỗ trợ cảnh sát điều tra vì lo sợ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Còn hiện tại, buôn bán người đang là ngành kinh doanh lớn đủ mánh lưới lừa đảo với doanh thu lên tới 150 tỉ USD. Phần nhiều số tiền này được trao đổi qua tiền điện tử. Do đó, những đối tượng buôn người dễ dàng né tránh sự trừng phạt của pháp luật, và tổ chức các vụ lừa đảo quy mô lớn có tính phức tạp.