Từ cậu bé mồ côi cha, 9 tuổi phải lên thành phố bươn chải, giờ đây, anh Nguyễn Hoài Thanh đã trở thành chủ của thương hiệu cắt tóc nổi tiếng với chuỗi 13 cửa hàng chính thức tại TP HCM và nhiều cửa hàng ở 4 tỉnh, thành khác.
Anh Nguyễn Hoài Thanh rất yêu công việc đã chọn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ước mơ tạo việc làm cho nhiều người
Chàng trai 9x Nguyễn Hoài Thanh vẽ nên Đông Tây Barbershop bằng màu cam trẻ trung, sinh động và nổi bật như đặc điểm nhận diện thú vị của thương hiệu này. Ở đây có quy trình khử khuẩn toàn bộ bộ dụng cụ cắt tóc theo tiêu chuẩn y khoa. Việc đặt tính vệ sinh, an toàn lên hàng đầu và mang lại sự an tâm, thoải mái, bảo vệ sức khỏe cho khách hàng đã giúp Đông Tây Barbershop tạo dấu ấn và phát triển mạnh mẽ.
Năm 16 tuổi, Thanh đã mong muốn mở công ty do mình điều hành, không phải vì chức danh giám đốc mà vì mơ ước tạo được việc làm cho nhiều người. Đông Tây Barbershop đã "hiện thực hóa" ước mơ của anh.
Vì động lực đặc biệt đó, Thanh không chỉ lo kinh doanh mà còn đặt mục tiêu đào tạo nhiều bạn trẻ thật bài bản, vững chuyên môn, chú trọng nâng cao đời sống cho nhân viên, tạo điều kiện cho họ phát triển các thế mạnh bản thân. Mỗi cá nhân có cơ hội "tỏa sáng" bằng nhiều cách khác nhau. Ai giỏi tiếng Anh được làm tại các chi nhánh có nhiều khách nước ngoài. Ai tư duy logic và khả năng trình bày tốt có cơ hội giảng dạy để tăng thu nhập. Ai thích kinh doanh thì có thể đầu tư vốn, mở tiệm cắt tóc trong chuỗi hệ thống để quản lý và trở thành "ông chủ của chính mình".
"Tôi khao khát làm mới nghề này, đưa nghề đi xa hơn với cách phục vụ chỉn chu, chuyên nghiệp. Tôi còn muốn nâng tầm giá trị công việc khi đối tác là những doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia và đưa ngành cắt tóc Việt Nam ra nước ngoài, mang về ngoại tệ" - Thanh bày tỏ.
Đông Tây Barbershop còn triển khai nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Trong 25% lợi nhuận của doanh nghiệp, Thanh dành 15% để làm công tác xã hội, phổ biến nhất là tổ chức các xe cắt tóc lưu động cho sinh viên với giá 2.000 đồng. Hiện tại, một xe đang ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một chiếc phục vụ ở Hà Nội và chiếc thứ ba chuyên đến những sự kiện ở các trường hoặc địa phương để cắt tóc cho học sinh, sinh viên, trẻ em nghèo.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, Thanh vừa trở thành khách mời đầu tiên trong chương trình "Khơi nguồn cảm hứng" của Đài Truyền hình TP HCM. Anh sẽ chia sẻ hành trình "nằm gai nếm mật" trước khi gặt hái thành công, chia sẻ kinh nghiệm cho người trẻ khởi nghiệp.
Thanh cho biết trong tương lai, anh sẽ tiến đến thị trường nước ngoài và sau đó là franchise (nhượng quyền thương mại). Đáng chú ý, mới đây, anh đã khai trương một nhà hàng trên đất Mỹ với rất nhiều món ăn thuần Việt hấp dẫn như bánh mì, cơm tấm…
Những nét chữ viết tay mềm mại của Ánh Phạm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Múa chữ" kiếm ra tiền
Là chủ một doanh nghiệp, dù công việc bận rộn nhưng Ánh Phạm (ngụ TP HCM) vẫn dành thời gian để thỏa đam mê cùng nghề tay trái. Với khả năng viết chữ đẹp, cô gái trẻ này thường được người quen nhờ viết thiệp cưới. Từ đó, cô nảy sinh ý tưởng làm dịch vụ viết thiệp cưới cho các cặp đôi có nhu cầu.
"Mục đích chính của tôi không phải là thu nhập mà góp một phần tuy nhỏ nhưng ý nghĩa đến các bạn dâu rể trong ngày cưới. Mỗi tấm thiệp được viết nắn nót, trau chuốt giúp người nhận cảm thấy được trân trọng, là một khoản rất đáng được đầu tư khi tổ chức tiệc cưới" - cô thổ lộ.
Ánh Phạm vui vì khách rất hài lòng và hào hứng. Nhiều người dành lời khen, cho rằng nét chữ viết tay của cô đẹp như chữ được in máy. Điều đó khích lệ Ánh Phạm, dù rất bận rộn nhưng cô vẫn dành thời gian nghỉ ngơi buổi tối để viết thiệp cho khách.
Mỗi tấm thiệp Ánh Phạm viết cho khách hàng có giá dao động 3.000-5.000 đồng, tùy chất liệu. Theo Ánh Phạm, mức giá này không quá cao, vì cô đã có kinh tế vững vàng nên không chú trọng về giá cả. Phần thu nhập này Ánh Phạm chủ yếu dùng để mua các loại bút, mực. Cô cho rằng nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn có khả năng kiếm được thu nhập cao hơn nhờ nghề viết thiệp cưới này.
Đến nay, Ánh Phạm đã viết thiệp cưới cho hàng chục khách hàng, trung bình mỗi trường hợp 100 - 300 chiếc. Mỗi khi đặt bút xuống tấm thiệp cưới trang trọng, cô luôn đặt hết tâm huyết của mình vào từng nét bút. Ánh Phạm cho biết: "Mỗi lần viết, tôi đều có chút lo lắng, hồi hộp. Tôi biết cô dâu, chú rể rất tâm huyết với tấm thiệp nên mới phải thuê viết, do vậy phải thật tập trung để tránh sai sót".
Thời đại công nghệ giúp Ánh Phạm dễ dàng học hỏi, nâng cao kỹ năng và tìm hiểu về lĩnh vực này. Mỗi khi viết, cô đều thử trước các loại mực cho phù hợp, tập viết nhiều kiểu chữ, chụp hình và quay clip rất cẩn thận.
"Làm công việc này có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vừa rồi, tôi viết thiệp cưới cho một em gái đồng hương. Tôi viết tặng và không lấy phí. Sau đó, em gái này đã viết thư cảm ơn tôi và tặng quà quê. Tôi thật sự xúc động và càng trân trọng công việc của mình" - Ánh Phạm bộc bạch.