Chiều 30/1, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin, từ trước, trong và sau Tết nguyên đán, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu bia.
Đa số các trường hợp vào viện đều trong tình trạng nôn nhiều, mệt mỏi, thậm chí hôn mê. Điển hình là trường hợp bệnh nhân 36 tuổi (Lào Cai). Sau nhiều năm sinh sống, làm việc ở Bến Tre, Tết này, anh có dịp về quê và tham gia nhiều bữa nhậu.
Sau khi uống, anh nằm một chỗ, hôn mê và được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Một ngày sau, người đàn ông này được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Nam bệnh nhân ở Lào Cai bị sưng phù người, tiêu cơ vân, suy thận sau uống rượu. Ảnh: Ngọc Trang
Quá trình say rượu, do nằm một tư thế kéo dài nên cơ của người bệnh bị chèn ép, tổn thương (tiêu cơ vân) từ đó sinh ra chất gây tắc thận. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng nửa người, suy thận phải chạy thận, lọc máu.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang điều trị cho trường hợp nam thanh niên (30 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện từ ngày 27 Tết.
Sau chầu rượu liên hoan, người bệnh nôn nhiều. Ngày hôm sau, nam thanh niên xuất hiện tình trạng nói ngọng, liệt một bên. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cả hai bên. Bác sĩ cho biết, nam thanh niên này uống quá nhiều rượu, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc, bị tắc mạch.
Bệnh nhân bị nhồi máu não sau uống rượu. Ảnh: Ngọc Trang
“Trường hợp này bị nhồi máu não do uống quá nhiều rượu, không phải tai biến mạch máu não thông thường”, TS.BS Nguyên cho biết.
Chuyên gia cảnh báo, rượu tác động đến nhiều chức năng, cơ quan của cơ thể. Rượu ảnh hưởng đến não, gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, tổn hại chức năng hô hấp (gây ngừng thở, thở yếu), chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt...
Vì thế, chúng ta nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu. Người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu… không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc rượu thường rất nặng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyên nói thêm, rất nhiều trường hợp, đặc biệt là người trẻ tuổi, uống nhiều rượu nhưng không ăn, gây ra tình trạng “no giả”, nghĩa là cảm giác bụng no nhưng rỗng, không có năng lượng.
Sau khi uống rượu, mọi người thường tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Đồng thời, gia đình khi thấy người uống rượu say ngủ cũng thường không đánh thức. Điều đó khiến chỉ số đường huyết của người bệnh giảm sâu. Một số trường hợp đường huyết bằng 0 do rượu gây hạ đường máu, dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não.
Ngoài ra, trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyên cũng gặp nhiều trường hợp do uống quá nhiều rượu, cơ thể không thể tiếp tục dung nạp dẫn tới nôn nhiều, gây tình trạng tụt huyết áp, suy thận, mất nước, thậm chí ảnh hưởng dạ dày, thực quản…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thạch Thảo
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyên cảnh báo, dịp lễ hội tới đây có thể thêm rất nhiều trường hợp phải nhập viện do rượu bia. Để tránh tình trạng trên, người dân hạn chế sử dụng bia rượu. Nếu uống, cần lưu ý việc ăn đầy đủ cũng rất quan trọng. Chúng ta nên lựa chọn các món có nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo... Khi khó kiểm soát bản thân, mất thăng bằng, đi lại loạng choạng, người dân phải dừng ngay việc uống chất có cồn.
Với trường hợp say rượu, nếu ngủ quên, người thân cần chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không thể ăn uống hoặc ăn vào là nôn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.