Loại ớt ngọt ăn trực tiếp như trái cây
Nghe đến ớt nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị cay nồng xé lưỡi dùng làm gia vị hoặc nếu là ớt chuông thì có mùi hăng dùng để xào nấu chứ ít ai có thể ăn cả cân mỗi lần giống như ăn trái cây.
Nhưng gần đây, trên các chợ online, loại ớt Sweet Palermo (hay còn gọi là ớt sừng ngọt, ớt trái cây) bỗng nhiên được nhiều người săn mua. Bởi, theo quảng cáo, loại ớt này không hăng như ớt chuông, ăn giòn tan và có vị ngọt ngon như trái cây. Do đó, không cần chế biến cầu kỳ, có thể ăn trực tiếp như ăn các loại trái cây thường ngày.
Ớt ngọt có thể ăn trực tiếp như các loại trái cây khác (Ảnh: Nông thôn Việt).
Song, giá loại ớt này khá đắt đỏ. Đơn cử, loại ớt Sweet Palermo size mini giá từ 130.000-150.000 đồng/kg, đắt gấp đôi ớt chuông. Còn ớt Sweet Palermo size to giá từ 180.000-250.000 đồng/kg, tuỳ màu.
Ớt Sweet Palermo được trồng nhiều ở Lâm Đồng. Loại ớt ngọt này có 4 màu, trong đó ớt màu socola giá đắt đỏ nhất. Trong đó, ớt màu socola lên tới 250.000 đồng/kg vẫn khó mua do nguồn cung khan hiếm.
Loại ớt này cũng có thể đem nướng, xào, làm salad,... Song, hội chị em nội trợ thường mua về ăn trực tiếp như ăn trái cây. Thậm chí, có gia đình mua ớt về làm trái cây tráng miệng sau mỗi bữa cơm.
Ớt trung đoàn hàng hiếm giá gần 300.000 đồng/kg
Ớt trung đoàn là đặc sản của bà con dân tộc ở Mường Tè (Lai Châu). Loại ớt này lúc nào cũng đắt khách. Giá cao nhưng thương lái phải trực sẵn từng ngày mới nhập được hàng xuống dưới xuôi bán.
Ớt trung đoàn rất cay (Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)
Chị Thời ở Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu chia sẻ trên Pháp luật và Bạn đọc: Sở dĩ có cái tên ớt trung đoàn là bởi loài ớt này rất cay. Người dân trong thôn mình vẫn đùa rằng cả một trung đoàn từ 1.500-3.000 quân mới ăn hết được 1 quả ớt này bởi độ cay của nó. Ngoài ra, loại ớt này còn có mùi thơm đặc biệt khiến những ai được thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Chị Thời cho biết, quê chị có truyền thống trồng ớt trung đoàn. Nhưng số lượng ớt trồng rất ít, mỗi nhà chỉ có vài cây để phục vụ nhu cầu của gia đình. Một vài năm gần đây, thương lái dưới xuôi hỏi mua ớt trung đoàn nhiều, bán lại được giá nên nhà chị cũng như các hộ trong vùng mới bắt đầu canh tác, trồng ớt với diện tích lớn hơn.
Nhưng sản lượng của ớt trung đoàn khá thấp, năm nào được mùa thì sản lượng đạt khoảng 55-60 kg/sào, năm nào khí hậu xấu thì chỉ được 20-30 kg/sào. Giá ớt trung đoàn thường dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
Loại ớt thơm mùi thảo mộc, 1 triệu đồng/kg vẫn đắt khách
Ớt gió (ớt thóc) là mặt hàng được nhiều người sành ăn đặt mua bởi độ cay vừa phải, lại có mùi thảo mộc khác biệt so với nhiều loại ớt thông thường.
Đây là loại ớt được trồng nhiều ở Hà Giang, vụ thu hoạch chỉ kéo dài khoảng 4 tháng, thời điểm rộ từ tháng 6 đến tháng 8.
Ớt thóc thơm mùi thảo mộc (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam).
Trước đây, ớt gió là cây mọc tự nhiên trong rừng. Vài năm trở lại đây, trên vùng Hà Giang, nhiều hộ trồng làm cây hàng hóa nhưng sản lượng chưa nhiều.
Điểm đặc biệt khiến loại ớt này đắt đỏ là chúng được trồng và chỉ cho năng suất tốt ở cao nguyên Đồng Văn. Mỗi quả ớt gió chỉ bé bằng đầu đũa, thơm hơn hẳn các loại ớt khác. Loại ớt này khá cay nhưng khi ăn vào không bị rộp miệng như loại thông thường.
Thường thì ớt khi chín quả ăn sẽ ngon, độ cay cũng nhiều hơn. Nhưng ớt gió lại có đặc điểm khác biệt, phải thu hái lúc quả ớt còn xanh mới giữ được độ cay dịu, giòn và thơm ngọt.
Tùy từng thời điểm, giá ớt gió lên xuống khác nhau, dao động từ 380.000-500.000 đồng/kg, thậm chí loại ớt đã chế biến đóng hộp giá lên đến 1 triệu đồng/kg vào những tháng cuối năm do hết mùa, nguồn hàng khan hiếm.
Ngoài ớt tươi để ăn trực tiếp, người dân ở đây còn chế biến thành các sản phẩm như: ớt gió xóc muối, ớt ngâm dấm, ớt trưng nước mắm,... vẫn giữ được hương vị thơm ngon như ban đầu, bảo quản để được lâu đáp ứng nhu cầu thường xuyên của khách hàng.
Loại ớt đắt nhất thế giới được trồng tại Việt Nam
Ớt Aji Charapita được mệnh danh là gia vị đắt nhất thế giới và ít được trồng đại trà nên càng trở nên quý, hiếm. Báo Dân Việt cho biết, loại ớt này được nhiều nhà hàng cao cấp và giới nhà giàu ở một vài nơi trên thế giới săn đón.
Tại một số quốc gia, loại ớt này được bán cho các nhà hàng cao cấp với giá 25.000 USD/kg (khoảng hơn 590 triệu đồng). Thậm chí, có thời điểm giá bán ớt Aji Charapita lên tới 35.000 USD/kg (tương đương hơn 820 triệu đồng).
Loại ớt đắt nhất thế giới được trồng ở nước ta (Ảnh: Dân Việt)
Giống ớt có nguồn gốc từ phía Bắc Peru này có kích thước chỉ to ngang hạt đậu. Loại ớt này có thể dùng để ăn sống hoặc được giã nhỏ thành dạng bột để làm gia vị cho món ăn. Khi ăn sống, ớt Aji Charapita có vị hoa quả tươi ngon giúp món salad hoặc các loại sốt có hương vị mới lạ hơn hẳn.
Ở Việt Nam, một số người đã nhập khẩu giống ớt Aji Charapita từ châu Âu về trồng thành công tại khu vườn của mình.
Ông Cường ở Đăk Nông nhập khẩu giống ớt này từ châu Âu về trồng thành công tại khu vườn của mình. Ông đã bán được những quả ớt đầu tiên giá 10 triệu đồng/kg với loại tươi, còn hàng khô sẽ có giá 50 triệu đồng/kg.