Nụ cười thương hoài của Hiếu Thảo
8 tuổi, không có tay cũng chẳng có chân, Trần Thị Hiếu Thảo (ngụ ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) vẫn đều đặn cắp sách đi học mỗi ngày nhờ sự giúp đỡ của ông bà ngoại.
Bị khuyết tật từ nhỏ nhưng Hiếu Thảo vẫn luôn lạc quan sống bên ông bà ngoại già yếu.
Nụ cười hồn nhiên của cô bé 8 tuổi.
Kể từ lúc bố mất vì tai nạn giao thông, mẹ bỏ đi tìm hạnh phúc mới, Hiếu Thảo lớn lên trong tình yêu thương của ông bà ngoại già.
'Con tên là Trần Thị Hiếu Thảo, năm nay con 8 tuổi, con học lớp 3, con sống với ông bà ngoại', cô bé chim cánh cụt nhanh nhảu đưa đôi tay cụt ngủn của mình chào hỏi khi chúng tôi bước vào nhà.
Tấm nệm cũ được ông bà ngoại mua về giúp Hiếu Thảo tập đi mỗi ngày.
Hiếu Thảo có thể tự chăm sóc bản thân mình bằng đôi tay cụt ngủn.
Ngồi trên chiếc nệm cũ, Hiếu Thảo loay hoay rót ly nước rồi cố nhấc người, thoăn thoắt tiến đến gần chúng tôi, khuôn mặt ánh lên nụ cười hạnh phúc. Hiếu Thảo hồn nhiên nói: 'Từ nhỏ, con đã không có tay có chân, bố con bị tai nạn giao thông chết rồi, mẹ con đi làm Bình Dương không về, mẹ có chồng mới, có em nữa. Một năm mới về thăm con một lần'.
Có lẽ, trong tâm thức của một cô bé 8 tuổi, em chưa thể nào cảm nhận hết nỗi đau đớn, khó khăn mà em đã và đang phải chịu đựng. Tiếng cười giòn tan của cô bé vang lên như xóa đi mọi nỗi buồn tủi mà suốt 8 năm em có mặt trên đời.
Nhí nhảnh trổ tài tập võ trước sân nhà.
Cô bé tí hon lúc nào cũng vui vẻ, lễ phép với tất cả mọi người.
'Để con múa võ cho mọi người xem, con không sợ bị ăn hiếp đâu, con biết võ nè', Hiếu Thảo nhí nhảnh múa đôi tay thủ thế, đá chân lên rớt cả dép rồi cười ngặt nghẽo. Nhìn hình ảnh của đứa cháu ngoại bé tẹo như chú chim cánh cụt, bà Lý Thị Cho (64 tuổi) không khỏi xót xa.
'Con bé lúc nào cũng cười đùa cả, nó không muốn cho ông bà buồn. Mà không buồn sao được, cứ đêm đến đi ngủ, nghĩ đến con bé là tôi lại khóc. Không biết làm cách nào để giúp con bé cả', bà Cho nghẹn ngào.
Khoảnh khắc Hiếu Thảo tự ăn cơm khiến không ít người xúc động.
8 tuổi, Hiếu Thảo chỉ ước một ngày có thể tự bước đi bằng chính đôi chân của mình.
Dù cả năm mới được gặp mẹ một lần, nhưng Hiếu Thảo không bao giờ giận mẹ, em chỉ muốn giá như mẹ có thể về thăm em nhiều hơn rồi hãy đi làm. 'Con bé thương mẹ lắm, với nó mẹ là người rất quan trọng. Nó hay hỏi tôi sao mẹ nó sinh em bé lại không bị cụt tay cụt chân như nó. Tôi chỉ biết khóc chứ trả lời nó làm sao', bà Cho rớt nước mắt.
Vượt qua nỗi đau đớn của cơ thể không lành lặn, Hiếu Thảo tự mình làm tất cả từ việc ăn uống, học tập đến phụ giúp ông bà ngoại lặt rau, quét nhà. Cứ mỗi lần giúp được ông bà, Hiếu Thảo lại cười hạnh phúc.
'Con muốn đi học để được làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người'
Năm nay, Hiếu Thảo đã học lớp 3. Hình ảnh của cô bé chim cánh cụt, mỗi ngày lẽo đẽo trên chiếc xe, được ông ngoại chở đến trường rồi nhảy cò nhắc vào lớp học đã trở nên quen thuộc với người dân ở xã An Thạnh 2. Chiếc ba lô nặng trĩu sách vở là hành trang mỗi ngày mà Hiếu Thảo mang đến lớp với mong muốn được học thật nhiều kiến thức để trở thành bác sĩ.
Chiếc ba lô theo Hiếu Thảo mỗi ngày trên đường đến lớp.
Nụ cười hạnh phúc của Hiếu Thảo khi em được ông bà ngoại cho đi học chữ.
Chính vì sự chăm chỉ, ham học hỏi của Hiếu Thảo mà suốt 3 năm qua, em luôn đạt được thứ hạng cao trong lớp. Chỉ những tấm giấy khen treo trong nhà, Hiếu Thảo thích thú khoe: 'Con học giỏi được tới 3 cái giấy khen, con thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, chữa bệnh cho ngoại con'.
Với Hiếu Thảo, được đi học, đến trường gặp gỡ bạn bè, thầy cô là niềm hạnh phúc lớn nhất của em. Em cho biết ở lớp có rất nhiều bạn thích chơi với em, chỉ có một vài bạn chọc Hiếu Thảo khiến em buồn, mặc cảm.
Cô bé bước đi rất mạnh mẽ, thoăn thoắt trên đôi chân cụt của mình.
Hiếu Thảo hát tặng ông bà ngoại, vừa hát vừa vỗ tay thích thú.
'Có bạn kia chọc con, nói con không có tay có chân mà vẫn đi học. Bạn khiến con mặc cảm nên con mách thầy la bạn. Con ước ông bà ngoại có tiền để nuôi con ăn học rồi cho con đi lắp chân giả nữa', Hiếu Thảo hồn nhiên nói.
Để thực hiện ước mơ làm bác sĩ của mình, sau mỗi giờ học trên lớp, Hiếu Thảo ở nhà chăm chỉ học bài, tập làm toán, viết chữ. Nhìn cách em khum đôi tay cầm bút, nắn nót viết từng chữ trên cuốn tập mới khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Cô bé còn quét nhà giúp ngoại nữa.
Với ước mơ được làm bác sĩ, Thảo luôn nỗ lực học tập mỗi ngày.
Những nét chữ thẳng hàng được viết lên bởi đôi bàn tay cụt của một cô bé 8 tuổi thật đáng quý. Tuy cơ thể em không lành lặn nhưng bao người nhưng ý chí, nghị lực của em đã vượt qua tất cả để em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình.
'Con muốn sau này lớn lên kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ ông bà ngoại vì ông bà nuôi con ăn học từ nhỏ đến giờ. Con thương ngoại lắm, con sẽ cố gắng học thật giỏi', sự quyết tâm của cô bé chim cánh cụt thể hiện rõ trong từng lời nói và hành động của em.
Cô bé lúc nào cũng lạc quan và yêu đời.
Nét chữ của Hiếu Thảo, cô bé chim cánh cụt đầy nghị lực.
Có lẽ vì trải qua những mất mát khi bố mất sớm, mẹ cũng có một tổ ấm mới, dù bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng Trần Thị Hiếu Thảo vẫn mạnh mẽ vượt qua tất cả bằng một nghị lực, khát vọng sống phi thường.
Dù hiện tại, em chỉ là một cô bé con vừa tròn 8 tuổi nhưng cách mà em chấp nhận hoàn cảnh của bản thân để vươn lên như loài cây xương rồng sống trong sỏi đá khô cằn khiến mọi người phải suy ngẫm. Chính nụ cười rạng rỡ, hình ảnh em nhỏ bé lết từng bước bằng đôi chân cụt ngủn đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho rất nhiều người.