'Nhiều lần em nhớ con quá, nói chở con về thăm, mà anh ấy làm thinh...' - chị Trần Thị Nhiên (30 tuổi, quê Bến Tre) vừa nói vừa khóc nức nở.
Bà Tư (68 tuổi, mẹ chị Nhiên) đẩy con trên chiếc xe lăn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (BV PHCN, quận 8, TP.HCM) cũng sụt sùi theo.
Câu chuyện của chị Nhiên chỉ toàn nước mắt.
Liệt 2 chân khi giao sầu riêng cho nhà chồng
Tình cảnh 'người đầu bạc chăm kẻ đầu xanh' diễn ra với mẹ con chị Nhiên hơn 3 năm nay, kể từ một tai nạn đau lòng năm 2017.
Lau vội những giọt nước mắt lăn dài, chị Nhiên kể mình kết hôn hơn 10 năm, sau đó về nhà chồng tại tỉnh Bình Phước sinh sống.
Sau khi có với nhau 2 mặt con, chị Nhiên vừa nuôi con, vừa phụ việc tại vườn sầu riêng của gia đình chồng.
Một ngày tháng 6/2017 khi chị Nhiên đang chạy xe máy chở hai giỏ sầu riêng đi giao, vì quá mệt nên người phụ nữ ngủ gục trên xe.
Sau tai nạn, cuộc đời chị Nhiên đã rẽ sang hướng khác.
'Còn khoảng 15 phút là em về đến nhà mà mệt quá nên ngủ lúc nào không hay. Chiếc xe hơn 1 tạ sầu riêng bị sụp hố, té xuống như tảng đá đè lên người em' - chị Nhiên kể lại.
Chấn thương quá nặng khiến chị Nhiên phải chuyển lên BV tuyến trên ở TP.HCM.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chấn thương cột sống dập tủy, phải phẫu thuật gấp. Sau 3 lần mổ cột sống, vết thương của chị Nhiên bị biến chứng, nhiễm trùng, khiến 2 chân bị liệt hoàn toàn.
Lúc đó con trai lớn của chị Nhiên mới học lớp 1, còn đứa nhỏ chỉ mới 3 tuổi mấy.
Nhắc đến chuyện của con gái là người mẹ lại bật khóc.
Sau khi mổ xong, cha mẹ chồng nói với bà Tư đem chị Nhiên về quê để tập vật lý trị liệu cùng lời hứa sẽ chu cấp tiền. Riêng 2 đứa con trai vẫn để lại cho gia đình bên nội nuôi dưỡng.
'Tôi thiệt tình nên cũng chấp nhận đưa con về quê chăm sóc. Nhưng hơn 1 tháng sau vì nằm có 1 chỗ nên con gái tôi bị loét nặng 2 bên mông phải đưa lên BV Chợ Rẫy điều trị.
Bên phía ông bà sui cũng có lên thăm, đóng tiền mổ. Khi xuất viện về nhà, họ có xuống thăm được 2 lần nữa rồi bỏ luôn đến nay...' - bà Tư tiếp lời con gái.
Tình cảnh 'người đầu bạc chăm kẻ đầu xanh'.
'Lỡ sau này ba tụi nó có vợ mới, sợ người ta không thương con mình...'
Kể từ ngày về quê, mọi chuyện sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh của chị Nhiên đều do một tay vợ chồng bà Tư lo liệu. 5 anh em trong nhà ai cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều. Cứ cách vài tháng, phía nhà chồng cũng gửi một ít tiền xuống.
Nhưng suốt 3 năm, số lần bên nội dẫn 2 đứa trẻ xuống thăm mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo thời gian, những đứa con dần quên cảm giác có người mang nặng đẻ đau ở bên. Chị Nhiên cay đắng kể, nhiều lúc nhớ con quá cố gọi điện hỏi thăm.
Nhiều lúc nhớ con, chị Nhiên cố gọi nhưng ít khi chồng bắt máy.
Nhưng lúc thì chồng không bắt máy, lúc nghe giọng 2 đứa con thì tim như bị cứa thêm khi Tuấn Nguyên, Tuấn Phát hồn nhiên trả lời 'không nhớ mẹ'.
Quá thèm gặp các con, chị Nhiên cố tập luyện để mong sớm ngày đi đứng được. Nhưng vì tập sai cách nên tháng 6/2020, chị bị té gãy chân. Lúc này, nữ bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phẫu thuật.
Người mẹ già nặng nhọc đưa con lên giường bệnh.
'Lúc đó chồng em mới dẫn 2 đứa con lên thăm. Em nhớ nó quá, chỉ biết ôm con mà khóc. Cộng với 2 lần trước gặp dưới quê, 3 năm trời em chỉ gặp mặt con có 3 lần' - người mẹ nức nở.
Liên lạc với anh B. là chồng của chị Nhiên, chúng tôi được xác nhận từ ngày vợ anh gặp nạn và về nhà ngoại, 2 con trai không được anh dẫn xuống thăm mẹ thường xuyên. Anh cho biết nhà đơn chiếc, lại bận rộn phải lo nhiều việc nên không có thời gian.
Ngoài ra, người chồng cũng khẳng định vài tháng có gửi tiền hỗ trợ một lần chứ không bỏ rơi vợ.
Khoa Tủy sống, BV PHCN (quận 8, TP.HCM).
Cuối tháng 10/2020 thông qua những người đồng cảnh ngộ, mẹ con chị Nhiên lại khăn gói lên TP.HCM tìm kiếm một cơ hội hồi phục.
Bác sĩ Hoàng Thị Khánh Minh, khoa Tủy sống, BV PHCN cho biết, chân nữ bệnh nhân đã bị liệt 3 năm nay nên rất khó phục hồi.
Thấy hoàn cảnh quá tội nghiệp, BV đã vận động cho chị Nhiên 1 chiếc xe lăn.
Bác sĩ cho biết tình trạng của chị Nhiên rất nặng.
'Bệnh nhân nhập viện với di chứng chấn thương cột sống do tai nạn, đã được mổ kết hợp xương. Lẽ ra sau mổ bệnh nhân phải được chuyển về BV PHCN để tập luyện sớm.
Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn điều này không được thực hiện, nên suốt 3 năm qua gần như phụ thuộc vào gia đình. Bệnh nhân cũng cố tập luyện nhưng vì tập sai cách nên đã gãy xương.
Thực sự đây là bệnh nhân nặng. Mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân độc lập trong sinh hoạt để có thể kiếm một công việc phù hợp, không phụ thuộc vào người khác vì bệnh nhân còn quá trẻ.
Các bài tập hiện tại chỉ trong giai đoạn khởi động, đánh giá sức cơ để xem thể trạng bệnh nhân thế nào.
Thông thường sẽ mất 2-3 tháng để bệnh nhân liệt tự chủ được xe lăn, nhưng còn tuỳ vào thể trạng thực tế của họ nữa' - bác sĩ nói.
2 mẹ con khóc ngẹn cầu xin mạnh thường quân cứu giúp.
Thông tin mà bác sĩ cung cấp khiến mẹ chị Nhiên lại giọt ngắn giọt dài. Đẩy con từ chiếc xe lăn lên giường bệnh, bà Tư khóc nức nở nói chỉ mong con đi đứng được. Để lỡ sau này vợ chồng bà chết đi thì con cũng tự tìm được cái ăn, tự biết mặt quần áo.
Còn người mẹ trẻ tên Nhiên thì tâm sự trong nghẹn ngào:
'Em chỉ muốn có sức khỏe trở lại để đón 2 đứa con về lo. Bây giờ thì không sao, nhưng lỡ sau này ba tụi nó có vợ mới, sợ người ta không thương con mình...'.
Mọi đóng góp của độc giả vui lòng gửi về:
Số TK: 1700201198027
Ngân hàng Agribank chi nhánh tphcm, Phòng giao dịch Tân Thành
Chủ tài khoản: Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp
Địa chỉ: số 313 Âu Dương Lân, Phường 2, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Số điện thoại BV: 02838510299
Xin chân thành cảm ơn!