Trung Quốc
Sự rực rỡ của những chiếc đèn lồng, những chiếc bánh trung thu thơm ngon và ánh trăng rằm sẽ đánh dấu ngày lễ lớn thứ hai trong năm của người Trung Quốc: Tết Trung thu. Ở Trung Quốc, việc ăn mừng vụ thu hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không có lễ hội nào mà lại có nhiều sự tích và các câu chuyện truyền thuyết được kể như đối với Tết Trung thu của Trung Quốc.
Người dân Trung Quốc trang hoàng rất rực rỡ bằng đèn lòng và các loại đồ trang trí khác trong dịp Tết Trung thu. Ảnh: Dickson Lee
Người Trung Quốc hưởng Tết Trung thu bằng hoa, trà và tất nhiên không thể thiếu bánh nướng. Ảnh: GI
Một loại bánh nướng của Trung Quốc. Ảnh: GI
Trẻ em Trung Quốc chơi đèn lồng trong dịp Tết Trung thu. Ảnh: GI
Khi hình dung về Tết Trung thu, hầu hết mọi người đều nghĩ đến bánh trung thu. Tuy nhiên, Tết Trung thu tại Trung Quốc còn gắn liền với những chiếc đèn lồng, các lễ hội, các đồ ăn thức uống đặc biệt và các hoạt động trang hoàng rực rỡ.
Trong Tết Trung thu, các đại gia đình ở Trung Quốc quây quần bên nhau và dùng bữa với những thực phẩm tốt lành như bưởi, khoai môn, củ kiệu nước và hạt sen, cũng như những thực phẩm theo mùa như bí đỏ, hạt dẻ, vịt và cua.
Để chuẩn bị cho lễ hội, trẻ em có thể làm đèn lồng ở trường hoặc ở nhà, mặc dù ngày nay những chiếc đèn làm sẵn có bán rộng rãi trong các cửa hàng. Các gia đình mang đèn lồng để trưng bày khi họ tổ chức lễ hội đèn lồng.
Việt Nam
Truyền thuyết Tết Trung thu, hay Tết thiếu nhi, ở Việt Nam kể câu chuyện về Chú Cuội, người có một cây thuốc quý có phép 'cải tử hoàn sinh', song chỉ được tưới bằng nước sạch.
Một hôm vợ Cuội đã đổ nước bẩn vào cây, khiến nó không ngừng to lên. Cuội cố gắng chặt nó, nhưng thay vào đó, bị mắc kẹt và bay lên trời. Cuối cùng, Chú Cuội bay lên Cung trăng.
Phố Hàng Mã, Hà Nội rực rỡ đèn lồng trong dịp Tết Trung thu. Ảnh: FB
Có truyền thuyết nói rằng trẻ em cùng nhau giăng đèn lồng trong đêm Trung thu là để thắp sáng cho Chú Cuội tìm đường về trái đất. Người Việt thường hay nói với nhau rằng nếu bạn nhìn kỹ, bạn có thể thấy bóng của Chú Cuội trên mặt trăng đang ngồi dưới gốc cây.
Đối với người Việt, Tết Trung thu cũng là khoảng thời gian sum vầy bên những người thân sau một thời gian làm việc vất vả. Các gia đình đón tết bằng cách bày biện hoa quả, bánh nước, bánh dẻo... lên bàn thờ tổ tiên, trước khi 'phá cỗ' vào đúng đêm rằm Trung thu.
Vào đêm Trung thu, các hoạt động múa sư tử (múa lân) diễu hành vui nhộn trên các đường phố, thôn xóm; mang đến cho mọi người niềm vui, nhất là trẻ nhỏ. Ngoài người múa đầu Ông Sư, hoạt động múa lân còn có những người đeo mặt nạ Ông Địa, vị thần của Đất, tượng trưng cho sự thịnh vượng và nhắc nhở người dân biết ơn mùa màng, công sức lao động.
Thái Lan
Người Thái Lan kể một câu chuyện truyền thuyết rằng vào đêm lễ hội, Bát tiên - nhân vật huyền thoại trong văn hóa Trung Quốc - đã bay đến Cung trăng để tặng quả đào và lời chúc mừng sinh nhật tới Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì vậy tại Thái Lan, các gia đình cầu trăng và tặng nhau những chiếc bánh hình trái đào trong Tết Trung thu.
Một hoạt động biểu diễn trong Tết Trung thu ở Thái Lan. Ảnh: AFP
Nhiều truyền thống Trung thu vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay, như việc làm bánh trung thu, đặc biệt là bánh có hương vị sầu riêng. Một loại thực phẩm thường thấy khác là bưởi, vì hình dạng tròn của nó tượng trưng cho sự đoàn tụ, sum vầy. Các hoạt động vui chơi trong dịp Trung thu ở Thái Lan bao gồm lên du thuyền ngắm trăng tại Vịnh Siam.
Philippines
Gần một triệu người gốc Hoa sống ở Philippines, nơi tổ chức Tết Trung thu trong 2 ngày bằng việc trưng bày các biểu ngữ và đèn lồng, đặc biệt là ở khu phố Tàu ở thủ đô Manila. Người Trung Quốc ở Philippines thích chơi Pua Tiong Chiu, một trò chơi xúc xắc phổ biến được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Trẻ em thích thú ngắm nhìn chiếc bánh Trung thu khổng lồ ở Philippines. Ảnh: Tân Hoa xã
Trò chơi bao gồm lăn 6 viên xúc xắc cho vào một cái bát lớn. Người chiến thắng, dựa trên các kết hợp các con số, sẽ nhận được một phần thưởng là bánh trung thu. Để giành được miếng bánh trung thu lớn nhất, bạn cần cuộn ít nhất 4 'con bốn' hoặc 5 con cùng một số.
Nhật Bản
Tết Trung thu của Nhật Bản - được gọi là Tsukimi, Otsukimi hoặc Jugoya - cũng là một lễ hội trông trăng. Theo truyền thuyết Nhật Bản, có một con thỏ sống trên mặt trăng và làm bánh mochi bằng một cái vồ và cối. Một số người nói rằng nó liên quan đến cách chơi chữ vì mochizuki trong tiếng Nhật có nghĩa là “trăng tròn”.
Người Nhật thường ăn bánh Tsukimi dango hình thỏ trong dịp Trung thu. Ảnh: FB
Người Nhật thường ăn bánh Tsukimi dango hình thỏ, một loại bánh gạo ngọt giống bánh mochi, để có sức khỏe tốt và hạnh phúc. Màu trắng và độ tròn của món tráng miệng này nhằm bắt chước vẻ đẹp của mặt trăng.
Mọi người cũng ăn các sản phẩm tươi của mùa vụ, chẳng hạn như khoai lang, hạt dẻ, đậu, khoai môn và uống rượu sake. Khi không nhìn thấy mặt trăng, lễ hội được gọi là Mugetsu (không có trăng) hoặc Ugetsu (trăng mưa), nhưng các lễ kỷ niệm vẫn diễn ra - chẳng hạn như nghi thức trà, đọc thơ và biểu diễn trống.
Hàn Quốc
Chuseok, hay Hangawi, là Tết Trung thu và Lễ tạ ơn của Hàn Quốc. Đó là một kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày, trong đó mọi người cảm ơn trời cho vụ thu hoạch thành công và cầu lộc trong năm. Trong dịp này, người Hàn Quốc đi du lịch và mang quà đến nhà cha mẹ của họ để chúc họ sống lâu và khỏe mạnh.
Một mâm cỗ cúng trong dịp lễ Trung thu ở Hàn Quốc. Ảnh: Shutterstock
Vào mỗi buổi sáng của lễ hội, gia đình sẽ tiến hành nghi lễ uống trà để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đầu tiên, con trai lớn dọn bàn ăn. Sau đó, mọi người cúi chào nhiều lần theo thứ tự dựa trên giới tính và tuổi tác - điều này được thực hiện để cầu may mắn trong năm tới.
Người Hàn Quốc ăn songpyeon, một loại bánh gạo với nhân hạt vừng, đậu hoặc hạt dẻ ngọt và được gấp lại thành hình trăng lưỡi liềm. Trong lễ hội, họ cũng ăn bánh kếp nhồi kim chi, bí, nấm và thịt. Các điệu múa dân gian truyền thống, các trận đấu vật và thăm viếng các khu mộ cũng được tổ chức trong ba ngày lễ hội Trung thu ở Hàn Quốc.