Tiệm giặt là độc nhất Hà Nội
'Xin chào! Em/cháu là người Điếc. Vui lòng cho em/cháu xin họ tên và số điện thoại', dòng chữ trên bàn Lê Thu Ngân vừa chỉ. Chờ khách đọc xong, cô lấy một mẫu phiếu in sẵn để họ điền thông tin kèm theo các yêu cầu giặt là.
Cô nhân viên 19 tuổi sau đó nhận lại mẫu phiếu khách vừa điền để nhập thông tin vào máy tính. Vừa làm, cô vừa chỉ tay vào dòng chữ trên bàn: 'Quý khách vui lòng chờ lấy hoá đơn'.
Xong, Ngân nhanh thoăn thoắt ra phân loại đồ để tính tiền. Cô viết số tiền cần thanh toán ra giấy rồi đưa khách xem. Thấy khách tỏ vẻ đồng ý, cô tiếp tục chỉ vào mặt bàn, nơi có tờ giấy ghi: 'Quý khách muốn trả tiền trước hay sau?'. Tùy vào lựa chọn của khách, Ngân in hóa đơn rồi cúi chào, dùng ngôn ngữ ký hiệu cảm ơn khách hàng.
Tại tiệm giặt là bên bờ sông Sét (Hoàng Mai, Hà Nội), ngoài tiếng quạt, tiếng cọ rửa và sột soạt của túi nilon, các nhân viên ở đây đều im lặng và chỉ giao tiếp với nhau bằng ký hiệu.
Họ là những người điếc, từ các tỉnh thành khác nhau lên Hà Nội học việc. Đa phần đều điếc bẩm sinh. Số khác bị điếc từ khi rất nhỏ nên không được tiếp nhận các tín hiệu âm thanh, cũng không thể bắt chước và rèn luyện. Do vậy, họ không thể nói chuyện và khó tìm được việc làm phù hợp.
Nhân viên tiệm giặt dùng cử chỉ điệu bộ niềm nở để giao tiếp với khách.
Nguyễn Thảo Tình, 22 tuổi, quê Quảng Ninh, đang học việc ở tiệm giặt này được hơn một tháng. Trước đó, cô chưa có việc làm, hầu hết toàn thời gian đều ở nhà giúp bố mẹ làm việc vặt, chăm cháu, nấu cơm.
Một ngày thấy trên Facebook có thông báo tuyển dụng nghề giặt là dành cho người điếc, Tình chủ động gửi thông tin, phỏng vấn bằng cách gọi video. Sau khi được thông qua, tình rời quê đến Hà Nội học nghề.
'Tôi rất vui vì có cơ hội được làm nghề phù hợp với mình. Trước đây, tôi biết đến nghề gội đầu, làm móng nhưng không duy trì được vì ở quê ít khách', Tình ra dấu hiệu và được phiên dịch lại.
Sau một tháng học việc tại cơ sở đào tạo, Tình đã dần quen với công việc dù chưa thực sự thành thạo và đôi khi còn chút rào cản trong giao tiếp.
Tình (bên phải) cùng đồng nghiệp đang làm việc tại tiệm giặt là.
Đồng nghiệp của Tình cũng gặp không ít trường hợp phải khó xử vì hạn chế giao tiếp. Anh Nguyễn Xuân Trường, 24 tuổi, quê Nam Định, nhiều lần không hiểu yêu cầu của khách hàng.
'Mỗi khách hàng có những yêu cầu khác nhau, tôi không hiểu nên làm sai. Có lần tôi không biết làm thế nào khi khách là người già, họ không để lại số điện thoại hoặc không viết được. Chúng tôi đành chụp ảnh họ và ghi vào sổ.
Hay có những lần đi giao hàng cho khách, dù đã hẹn trước nhưng khi đến nơi tôi nhắn tin không thấy họ trả lời. Tôi cũng không thể nhờ ai giúp, đành chờ đợi nên hơi tốn thời gian', Trường dùng ký hiệu biểu đạt.
Chị Lương Thị Kiều Thúy, 31 tuổi, chủ tiệm giặt là, cho rằng việc khó khăn trong giao tiếp là tất yếu và luôn xác định gặp phải tình huống khó. 'Dù có công cụ hỗ trợ nhưng đây là khó khăn chung của các bạn điếc. Nhiều em bị hạn chế khả năng đọc hiểu tiếng Việt và biểu đạt ngôn từ vì họ đã dùng quen ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi phải làm quen và hướng dẫn nhân viên xử lý các trường hợp phát sinh', chị Thúy nói.
Hai nhân viên tiệm giặt giúp khách cố định chăn vào xe để mang về.
Mạo hiểm lập mô hình đặc biệt dành cho người điếc
Ở tiệm này, chị Thúy là người duy nhất có khả năng nói chuyện, dù hai tai vẫn phải đeo máy trợ thính và phải đoán khẩu hình miệng của người đối diện. Thế nhưng, không phải lúc nào chị cũng ở tiệm giặt để tiếp khách mà phải quản lý cả cơ sở 2 (nơi đào tạo nghề) và lên kế hoạch nhân rộng mô hình 'Tiệm giặt của người Điếc'.
Sau gần 2 năm đưa mô hình này ra thị trường và thu lại kết quả tốt, chị muốn mở thêm nhiều chi nhánh để có cơ hội việc làm cho người có cùng cảnh ngộ và phát triển cộng đồng tại địa phương.
'Người điếc tuy có rất nhiều rào cản về giao tiếp và đi xin việc làm nhưng chúng tôi nhận thấy họ có thế mạnh khả năng quan sát, tập trung cao độ, tay chân linh hoạt và tính thẩm mỹ. Nếu có quy trình cụ thể thì người điếc sẽ làm rất giỏi và phát triển nghề hơn nữa.
Tôi muốn mở một chuỗi tiệm giặt là do người điếc vận hành. Mục tiêu cuối cùng là giảm sự kỳ thị, nâng cao vị thế của người điếc trong xã hội', chị Thúy nói.
Chị Lương Thị Kiều Thúy, chủ tiệm giặt là người điếc.
Chủ cửa hàng cho biết, tiệm giặt này được thành lập từ năm 2020, xuất phát từ dự án 'Nghiên cứu thực trạng việc làm cho người điếc tại Hà Nội', do chị và một nhóm thực hiện. Qua sự giới thiệu của một người bạn, chị biết đến công việc giặt là. Chị sau đó trực tiếp đi làm tại 2 cơ sở dịch vụ giặt là bên ngoài và nhận ra công việc này phù hợp với những người như mình. Vừa làm, chị vừa tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để xây dựng ý tưởng kinh doanh tiệm giặt.
Ý tưởng đã có nhưng chị lại gặp khó khăn trong quá trình kêu gọi vốn. 'Là người khiếm thính, giao tiếp còn khó khăn, tai nghe thì bập bõm nên để có được sự tin tưởng của nhà đầu tư là rất khó. Nhưng dù vậy, tôi cũng phải cố gắng làm sao để ý tưởng này được thực hiện', chị kiên quyết.
Chị Thúy sau đó đã thuyết phục được nhà đầu tư hỗ trợ 101 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, thuê cửa hàng theo hình thức liên danh. Tháng 12/2020, cửa hàng giặt là của người điếc do chị sáng lập ra đời. Dù chỉ rộng hơn 10m2 nhưng lượng khách ngày càng đông, doanh thu ổn định. Đến nay, tiệm đã có 7 nhân viên người điếc ở hai cơ sở.
Mô hình này đang được nhượng quyền và mở rộng chi nhánh.
'Khách đến đây lúc đầu còn bất ngờ và bỡ ngỡ, nhưng sau khi quen cách làm việc của chúng mình, họ lại thích thú hơn. Có người còn học bảng ngôn ngữ ký hiệu được dán trên bàn để giao tiếp với nhân viên.
Thời gian đầu, đa số khách hàng đến đây là vì muốn ủng hộ người điếc. Nhưng mình luôn nhắc nhở nhân viên rằng, khách hàng chỉ quay lại vì chất lượng chứ không vì người yếu thế. Vậy nên, các nhân viên phải làm việc cẩn thận, chỉn chu nhất có thể', chị Thúy nói.
Nhiều khách hàng đến đây cũng cảm nhận được sự cẩn thận, nhiệt tình của tiệm. Dù không dùng lời nói để chào hỏi nhưng vị khách Nguyễn Quang Đạt (ở Giáp Bát) vẫn cảm nhận được sự lễ phép của nhân viên thông qua cái cúi chào và biểu cảm gương mặt.
'Tôi tìm được tiệm giặt này trên google. Biết ở đây chỉ có người Điếc nên muốn đến ủng hộ, giúp họ có thêm việc làm. Lần đầu tiên đến tiệm giặt, tôi không bất ngờ vì họ không nói chuyện được nhưng lại bất ngờ vì cách làm việc của họ.
Họ có một quy trình rõ ràng, đơn giản. Xong còn in hóa đơn, ghi cụ thể số tiền, ngày nhận, để tôi tiện theo dõi thông tin. So với tiệm giặt khác, tôi thấy họ có phần chuyên nghiệp hơn. Về chất lượng giặt đồ, tôi thấy rất hài lòng, uy tín. Đó là lý do tôi đánh giá 5 sao cho tiệm giặt này', anh Nguyễn Quang Đạt nói.
Góc dán những dòng đánh giá của khách hàng về tiệm.
Dù nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng song dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh và thu nhập của nhân viên, Thậm chí, trong thời gian giãn cách, nhiều nhân viên đã chủ động đề nghị nhận lương muộn hơn để chia sẻ gánh nặng với chị Thúy.
'Đó là giai đoạn khiến tôi sợ hãi nhất. Tôi sợ mình không đủ khả năng để chi trả các chi phí và lương cho nhân viên. Nhưng được sự đồng hành và giúp đỡ của mọi người, tôi đã vượt qua', chị Thúy nói.
Nay mọi hoạt động đã trở lại, chị Thúy tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh và đào tạo, sao cho nhiều người điếc được đi làm. Đó cũng là mong muốn của những nhân viên ở đây bởi họ có cơ hội được làm quản lý ở chi nhánh mới. Tình cũng đang trau dồi thêm các kỹ năng để được về làm việc ngay tại quê Hạ Long, khi chị Thúy mở thêm chi nhánh ở địa phương này.
Ngân, một nhân viên gắn bó với tiệm từ những ngày đầu, cũng mong muốn mô hình này được nhân rộng. 'Tôi rất muốn được giúp đỡ, động viên những người điếc khác để họ có trình độ và khả năng làm việc có ích, để bình đẳng giống như mọi người'.
Ngân giúp khách chuyển chăn vào tiệm giặt.