Trên các tuyến cao tốc có một làn đường riêng ở ngoài cùng bên phải được kẻ vạch gọi là làn đường khẩn cấp. Làn đường này dành cho các xe ô tô đang lưu thông nếu gặp sự cố bất ngờ có thể dừng đỗ để xử lý hoặc xe cứu thương, cứu hỏa, cứu hộ nhanh chóng lưu thông, tiếp cận hiện trường khi xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, lâu nay, tình trạng một số người dân và tài xế tùy tiện chiếm dụng làn đường này vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với không chỉ các trường hợp vi phạm mà với cả các phương tiện khác đang lưu thông trên đường cao tốc.
Không khó để bắt gặp trên các tuyến cao tốc hình ảnh làn đường khẩn cấp dùng để vượt ẩu khi tắc đường hay thậm chí ngay cả khi đường vắng vẫn có những tài xế vô ý thức chạy xe vào làn này. Một cán bộ CSGT cho biết đã không ít lần chứng kiến các vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc vi phạm quy định sử dụng làn đường khẩn cấp.
Cũng rất nguy hiểm khi làn đường khẩn cấp còn bị trưng dụng để đua xe đạp, làm chỗ ngồi ăn lẩu hay tập Yoga.
Hình ảnh nhóm người dừng xe trên cao tốc để ăn lẩu bị camera ghi lại. Ảnh: Cục CSGT.
Cô gái thản nhiên tập yoga trên cao tốc.
TNGT cũng có thể xảy ra với cả những trường hợp xe ô tô gặp sự cố. Tài xế dừng xe vào làn đường khẩn cấp để sửa xe nhưng lại không đặt biển báo hiệu phía sau xe để cảnh báo cho các phương tiện khác đang lưu thông với tốc độ cao trên đường cao tốc. Đặc biệt là các xe ưu tiên được đi vào làn đường khẩn cấp trong trường hợp cần thiết.
Các chuyên gia giao thông cũng đưa ra khuyến cáo, cao tốc là một loại hình giao thông đặc thù, văn minh và hiện đại, đòi hỏi mỗi người dân khi lưu thông trên cao tốc phải có thái độ ứng xử phù hợp. Việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định khi lưu thông trên cao tốc là điều kiện bắt buộc để tránh được những tai nạn đáng tiếc.
Việc tiếp cận hiện trường hay xử lý sự cố cấp cứu, hỏa hoạn, tai nạn tính bằng từng phút, từng giây. Nhưng với kiểu tham gia giao thông 'điền vào chỗ trống' của một số lái xe như vậy, e rằng mọi nỗ lực đều muộn màng. Đó là chưa tính đến việc đi vào làn dừng xe khẩn cấp trên cao tốc có thể gây tai nạn giao thông bởi các xe ưu tiên đang đi với tốc độ cao mà phải tránh các xe tạt ra tạt vào liên tục, khuất tầm nhìn.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Để làn đường khẩn cấp được sử dụng đúng quy định, đúng mục đích, lực lượng CSGT đang tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trên tuyến vành đai 3, Hà Nội, cùng với các chốt kiểm soát cố định, những ngày gần đây, còn thường xuyên có cả các đội tuần tra kiểm soát lưu động bằng mô tô chuyên dụng. Nhờ đó, nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý kịp thời. Nhiều lái xe khi xem lại clip của lực lượng chức năng ghi lại tình huống vi phạm của mình đã tỏ ra khá bất ngờ.
Làn đường khẩn cấp trên Vành đai 3 bị chiếm dụng. Ảnh: Báo Đại đoàn kết
'Biết là sai, chỉ mong các anh thông cảm vì Vành đai 3 thường xuyên tắc đường. Em chỉ tranh thủ đi vào làn khẩn cấp rồi lượn ra ngay để thoát cho nhanh' hay 'có những tình huống xe chạy trước nó sát quá, mình phải lách ra để tránh xảy ra va chạm' là những cách họ biện minh cho hành vi vi phạm.
Lực lượng CSGT cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm quy định đi vào làn khẩn cấp, kể cả các trường hợp vi phạm khi không có mặt lực lượng chức năng hoặc né tránh các chốt kiểm soát để tránh bị nộp phạt bằng cách chạy xe vào các lối ra trên đường cao tốc cũng sẽ được xử lý triệt để.
Hiện nay các tuyến cao tốc đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Việc xử lý những hành vi tùy tiện chiếm dụng làn đường khẩn cấp đã nhanh chóng và kịp thời hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù có giám sát chặt chẽ hay chế tài có mạnh đến mấy, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của mỗi người dân vẫn luôn đóng vai trò quan trọng.
Từ đầu năm đến nay đã có gần 1.300 trường hợp lái xe vào làn khẩn cấp trên các tuyến cao tốc bị xử phạt. Lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, nhắc nhở nhiều trường hợp tài xế khi dừng đỗ xe vào làn đường khẩn cấp phải đặt biển cảnh báo phía sau xe cho các phương tiện lưu thông cùng chiều trên đường cao tốc.