Công sở là một môi trường bao gồm nhiều mối quan hệ. Nếu chúng ta không biết điều phối bản thân dễ bị rơi vào những tình huống khó xử.
Có rất nhiều lí do để một người trẻ bị đuổi việc. Do năng lực yếu kém. Do không thích nghi được với môi trường. Do không hoà hợp với đồng nghiệp. Mới ra trường còn hạn chế về tư duy và năng lực nên không tránh khỏi những lúc họ bị lâm vào thế khó. Tuy nhiên, nếu bạn bị đuổi việc vì nói xấu công ty hay nói xấu sếp thì đó lại là một câu chuyện khác.
Mới đây, một bạn trẻ đã chia sẻ câu chuyện của mình trong một group lớn đông thành viên và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Nguyên văn dòng tâm sự, cô gái có nickname D.X viết: 'Mọi người giúp em với ạ!
Chuyện là em và một người bạn trong công ty nói xấu sếp qua Zalo ạ. Hôm kia em đi làm về quên tắt máy tính nên sếp về muộn ở lại tắt máy tính hộ. Máy không đặt pass, do mới setup lại nên sếp đọc được hết tất cả những tin nhắn không hay đấy rồi. Sếp em còn xuất file word, lấy mail của em gửi qua mail sếp và xóa đi nhưng mail vẫn ở thùng rác nên sáng mai lên công ty em đọc được. Hoặc sếp cố tình để cho em nhìn thấy.
Sáng mai lên sếp chỉ nhắn tin là hôm qua em về quên tắt máy tính, lần sau chú ý. Hôm qua anh tắt giùm em.
Đến giờ em rất rối, sếp em vẫn im lặng nhưng báo nhân sự tuyển người ở vị trí của em và bạn kia rồi. Giờ em nên làm gì vậy, các chị tư vấn giúp em với ạ'.
Bài đăng của cô gái khiến dân tình xôn xao bàn tán, bình luận.
Ngay sau khi dòng trạng thái của cô nhân viên này được đăng tải đã có rất nhiều bình luận được đưa ra. Người thì lên tiếng chê trách cô nàng vì 'nhiều chuyện' nên 'vạ miệng' cũng là lẽ đương nhiên. Người thì hùa vào trêu chọc, nhưng có người cũng hiến cách đối phó giúp cô nàng tránh cảnh bị sa thải trong nay mai.
Thành viên Hà Tùng bình luận: 'Chốn công sở phức tạp là vậy mà tại sao vẫn không tỉnh ngộ nhỉ? Dù có nói gì cũng không nên nói xấu sếp cùng đồng nghiệp. Đây là vô tình đọc được nhưng còn có những vụ đồng nghiệp bán đứng nhau dù từng thân rất thân thì sao? Thôi, chấp nhận sự thật và coi như 1 bài học xương máu đi'.
'Đáng đời cho những kẻ nhiều chuyện đấy. Anh sếp đấy là còn hiền chứ mình là mình chửi cho 1 trận rồi cho nghỉ luôn đấy. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng nói xấu chính người trả lương cho mình là thái độ không tôn trọng họ. Mà những nhân viên như vậy nên cho nghỉ sớm là đúng, vì sẽ không bao giờ làm nên 1 tập thể đoàn kết, vững mạnh', nickname Huy Trần Việt nhận định.
Còn tài khỏa Bi Bé Bông thì hài hước: 'Chúc mừng bạn đã quay vào ô mất lượt, hy vọng mình sẽ được tuyển vào vị trí của bạn bây giờ. Chúc may mắn lần sau nha'.
'Đấy, vậy nên các cụ mới có câu 'sảy chân thì đỡ được chứ sảy miệng thì không đỡ được' à nha. Buôn chuyện cho sướng mồm rồi lĩnh hậu quả chưa?', Hà Nguyễn gay gắt.
Cô nàng lo sợ khi mọi chuyện 'nói xấu sau lưng sếp' đã bị phát hiện hoàn toàn. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, có một số người đưa ra lời khuyên với cô gái trẻ: 'Thôi. chuyện gì cũng lỡ rồi, theo mình bạn nên xin sếp 1 buổi nói chuyện riêng, trình bày lý do ngắn gọn thôi nhưng nhấn mạnh vào lời xin lỗi và lời hứa. Nếu sếp bạn rộng lượng cho bạn cơ hội ở lại làm việc thì làm thật tốt để tạ lỗi với người ta'.
'Sếp không nói gì và âm thầm tuyển người mới như thế thì bạn biết câu trả lời là gì rồi mà. Vậy nên trước khi bị cho nghỉ thì mình nghỉ bạn nên tự xin nghỉ trước đi để giữ lấy tự trọng và thể diện. Nếu công việc ấy không quá quan trọng với bạn thì nên làm như thế đi', tài khoản Quỳnh Trang đưa ra ý kiến.
Bạn Thương Vũ thì đứng ở vị trí 50/50: 'Mình nghĩ nếu bạn còn muốn làm công việc này thì nên cùng bạn kia hẹn gặp anh sếp này và xin lỗi người ta đàng hoàng. Hứa sửa sai và rút kinh nghiệm, còn việc tha thứ hay không là ở họ. Còn nếu như không quá tha thiết thì xin nghỉ trước khi bị đuổi. Chỉ có 2 cách như vậy thôi'.
Cuối cùng, không biết cô gái trẻ còn bồng bột này sẽ lựa chọn cách nào trong hàng trăm bình luận gợi ý của cư dân mạng. Tuy nhiên, sau vụ việc này chắc chắn sẽ có rất nhiều người rút ra kinh nghiệm nên cẩn trọng từng lời ăn, tiếng nói trong nơi làm việc, đặc biệt là những phát ngôn liên quan đến leader, để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.