Trong xã hội này, mỗi nghề nghiệp, công việc đều có những nỗi vất vả riêng, thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu và thông cảm cho người khác. Thời đại 4.0 này, xe ôm công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngoài việc nhận chở người thì loại hình giao hàng (shipper) cũng được các tài xế xe ôm công nghệ hưởng ứng nghiệt tình, nhằm kiếm thêm thu nhập. Đối với loại hình này, dù nắng nóng hay mưa gió, bạn chỉ ngồi nhà, click chuột và 'nổ' địa chỉ thì lập tức shipper sẽ đến, mang theo món đồ mà bạn thích.
Dù tiện lợi cho khách hàng là thế, nhưng nếu gặp phải những vị 'thượng đế' ý thức kém, đặt hàng rồi lại không muốn bỏ tiền ra nhận và theo ngôn ngữ mạng đó là 'bom hàng', thì những chú, bác shipper phải 'sống dở chết dở' vì mất tiền.
Những câu chuyện 'phẫn nộ' như vậy trên mạng xã hội không còn là điều hiếm gặp nữa, và mới đây, trên mạng xã hội Facebook lại tiếp tục xuất hiện câu chuyện về một bác tài xế Grab bị 'thượng đế' ý thức kém 'bom hàng' gây bức xúc.
Cụ thể, dòng trạng thái đăng tải trong group viết: 'Tội nghiệp chú, già rồi dầm mưa dãi nắng chạy xe mà còn bị mấy đứa phá'. Đính kèm đó là bức ảnh chụp màn hình tin nhắn bác Grab nhắn cho người 'bom hàng' mình với nội dung: 'Con ơi, con chơi chi ác thế? Chú già rồi, đội nắng dầm mưa chạy giao hàng từ 9h sáng tới giờ kiếm được có trăm ngàn, còn nỡ lòng đặt hàng rồi bỏ, làm chú ôm hàng mất hết 60.000 đồng mồ hôi nước mắt.
Giờ này 9h tối rồi mà chưa có hột cơm nào trong bụng nữa. Bánh pizza thì chú không biết ăn vì chưa ăn bao giờ, bụng đói nhưng có ăn cũng không vô, đành cho người nằm ngoài lề đường. Con ơi, chuyện đã rồi, mai mốt đừng làm vậy nữa, nghiệp báo nhân quả phải mang đấy con'.
Những dòng tin nhắn bác Grab nhắn cho người 'bom hàng' mình khiến dân mạng vừa xót xa vừa thương cảm
Mặc dù đối với nhiều người 60 nghìn là số tiền chỉ đáng một, hai bát phở, nhưng với những người lao động chân tay, phơi mặt cho nắng gió ngoài đường như bác tài xế Grab thì quả thực là số tiền đáng quý. Nó có thể là bữa ăn cho cả một gia đình đang đợi ở nhà.
Câu chuyện này nhanh chóng được lan truyền trên cách trang mạng và làm bùng lên cuộc tranh luận sôi nổi. Nhiều người bày tỏ nỗi bức xúc khi một 'thượng đế' thiếu ý thức nào đó đã đặt hàng 'cho vui' rồi không nhận, khiến shipper phải lãnh hậu quả.
Một dân mạng bình luận: 'Không ai bắt các anh các chị mua, làm ơn đừng hành hạ công sức của người khác. Quá đáng kinh khủng'.
'Đọc tin nhắn mà càng thương bác tài xế hơn, chắc bác đã buồn lắm. Thật sự ức chế với những thành phần đặt hàng cho sang mồm như thế này, lúc đặt đồ thì nói chắc như đinh đóng cột, vậy mà khi hàng đến thì tìm đủ mọi lý do để không phải nhận ngay, hoặc dời lại. Hành hạ shipper nắng nôi mưa gió đi lại đến chục lần', bạn T.L bức xúc.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đưa ra lời khuyên cho bác tài xế: 'Bây giờ các dịch vụ giao đồ ăn nếu khách không nhận thì công ty sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho shipper chứ không phải để shipper tự giải quyết như thế này đâu. Chắc bác là nhận đi mua đồ cho khách, lúc giao hàng mới nhận tiền nên mới lâm phải cảnh éo le này. Chỉ biết khuyên bác đừng buồn và nên rút kinh nghiệm ạ'.
Mặc dù vậy, nhưng câu chuyện shipper bị bùng hàng cũng không phải hiếm. Đầu năm nay mạng xã hội cũng xôn xao chuyện tài xế Go Việt bị 'bom hàng' 36 ly trà sữa - trị giá tới 2 triệu đồng.
Kèm theo hình ảnh tài xế bị bỏ 'boom' 36 ly trà sữa, tài xế Nguyễn Khôn chia sẻ: 'Tôi chẳng hiểu các bạn bom hàng chúng tôi là vì mục đích gì? Là vì rảnh công nhàn việc, là vì lỡ không vừa lòng một cuốc xe nào đó hay chỉ vì thích phá chén cơm của người khác? Chúng tôi là những người mang đến những bữa ăn, những ly nước uống cho các bạn. Chúng tôi làm bằng chính sức lực của chính bản thân để trang trải cho cuộc sống này. Xin hãy tôn trọng chúng tôi, tôn trọng công việc của chúng tôi'.
Trước đó, một tài xế Grab khác bị bùng đơn gồm 12 chiếc bánh mỳ và 6 cốc trà sữa, tổng cộng số tiền là 400.000 đồng.
Những lần các tài xế bị 'bom hàng' khiến dân mạng phẫn nộ
Tuy nhiên, sau khi lấy hàng, anh không thể liên lạc với chủ đơn và chỉ đành mang số hàng vào quán nước ven đường xử lý.
Vậy mới thấy, việc khách nhận hàng rồi bắt lỗi để quỵt tiền, order cho sang mồm, hay 'mình thích thì mình không nghe máy thôi', vẫn thường xuyên diễn ra như cơm bữa. Thậm chí dù các chủ shop và tài xế còn lập cả danh sách 'khách bom hàng' chia sẻ trên mạng xã hội để cảnh báo mọi người, nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng này được.
Bởi vậy, cái quan trọng nhất vẫn là ý thức của người mua hàng. Đặt hàng thế nào đừng để mình thành kẻ thiếu văn minh, vô ý thức, thậm chí là lừa đảo, chà đạp lên mồ hôi, nước mắt của những người lao động chân chính.