Bố: Cao Mạnh Tuấn, 42 tuổi Công việc trước kia: Phóng viên, biên tập viên nhiều tờ báo và đài Truyền hình Công việc hiện tại: Chăm sóc con, đưa con đi chơi, tư vấn tour dắt bé đi chơi, khám phá thiên nhiên mạo hiểm, quản trị một số website, fanpage về thế giới động vật... Con: Bé Dê, 5 tuổi và bé Bu, 9 tháng tuổi |
Bỏ công việc bận bù đầu để có thời gian bên con
Vài năm nay, công việc quan trọng bậc nhất của anh Cao Mạnh Tuấn, đó là làm bố. Sống ở Hà Nội, nhưng hiếm khi thấy anh ở đây quá lâu, vì cứ 'sểnh ra' là anh lại tha con đi chơi chỗ này chỗ khác. Phần lớn thời gian, niềm quan tâm, lo lắng, hạnh phúc, trải nghiệm… của người đàn ông 42 tuổi này, hiện giờ chỉ xoay quanh hai nhóc tì Dê và Bu.
Được khen chịu khó chăm con, trong khi không ít ông bố khác đổ hết việc đó cho vợ, ông bố không-còn-trẻ-nữa cười xòa, bảo rằng thực ra việc khó nhất trong hành trình làm cha mẹ, ấy là thực sự dành thời gian cho chúng mà không viện cớ bận rộn: Bận làm, bận cơm nước, bận kiếm sống… Anh chọn cách không cắm đầu xông pha như trước, nghỉ công việc báo chí ngốn quá nhiều thời gian để tìm những công việc tự do hơn, thu nhập thấp hơn, đổi lại là rất nhiều thời gian cho con.
Lựa chọn ấy, bắt nguồn từ một biến cố đau đớn nhất cuộc đời vợ chồng anh: Sự ra đi của bé Mèo (cô con gái đầu tiên). Bé Mèo đến khi mọi thứ đang rất hoàn hảo, anh làm báo, chị kinh doanh, cuộc sống đầy triển vọng và tương lai đầy màu sắc. Nhưng Mèo được chẩn đoán mắc chứng Down cùng một loạt bệnh nền, nặng nhất là ung thư máu. Bé Mèo mất, anh nhận ra có rất nhiều thứ trên đời không theo ý mình.
Phải mất đến 5 năm sau, anh mới tạm nén được nỗi đau để sẵn sàng đón bé Dê. Cùng với cảm giác vỡ òa hạnh phúc là sự sợ hãi, ám ảnh mà anh Tuấn bảo, có lẽ sẽ đeo đẳng suốt đời anh. Có Dê, anh chị làm đủ loại xét nghiệm máu, chọc ối để loại trừ khả năng con mắc bệnh. Tạm yên tâm được ít lâu thì có lần, cậu Dê bị muỗi đốt, phát ban dạng gần như sốt rét xuất huyết. Đưa đi xét nghiệm thấy có dấu hiệu máu khó đông, hai vợ chồng anh muốn quỵ ngã. May sao, 1 tuần sau con khỏi ốm, xét nghiệm lại thì thấy bình thường.
Bé Bu đến khi Dê được hơn 3 tuổi, nhưng đúng lúc mẹ Dê vừa cắt hai bên tuyến giáp, phải uống rất nhiều thuốc. Bầu bé Bu, vợ anh bị nghén nặng, mệt mỏi căng thẳng. Đó là lúc anh biết, mình cần lùi lại một chút để chăm lo cho gia đình nhỏ, và trở thành hậu phương của vợ.
Sự xuất hiện của 3 em bé, đặc biệt là sự ra đi của bé Mèo đã khiến hình dung về cách làm cha của anh Tuấn thay đổi. 'Nếu không có sự ra đi của Mèo, có lẽ mình sẽ giống bố mẹ mình ngày xưa, nuôi nhiều kỳ vọng vào con, muốn con lớn lên thật xuất sắc, thành đạt. Nhưng rồi mình nhận ra, mọi thứ trên đời là vô thường. Những đứa trẻ đến với cuộc đời là để sống cuộc đời của chính nó, chứ không phải là công cụ thực hiện khao khát của chúng ta. Nhiệm vụ của bố mẹ, ấy là tìm ra và hỗ trợ phát triển con người tự thân tốt đẹp của chúng, giúp chúng thích ứng với xã hội tương lai, chứ không phải gò khuôn chúng'.
Đưa con đi du lịch… bụi để làm dày trải nghiệm và làm bạn với con
Để chuẩn bị cho con kỹ năng sống, khám phá bản thân, khám phá thế giới, anh Tuấn chọn cách đưa con đi khắp nơi du lịch 'bụi', trải nghiệm thiên nhiên trong trạng thái thuần khiết. Trong những chuyến đi ấy, anh chính người đồng hành với con.
Dê, cậu bé luôn giàu năng lượng và thèm vận động có chuyến đi xa đầu tiên khi 6 tháng tuổi, sau đó thì tháng nào cũng được lên đường. Hơn 2 tuổi, Dê được đi Maldives xem cá bơi vào tận bờ và có bài học về lạc bố mẹ.
3 tuổi bắt đầu khám phá rừng, tham gia một số hoạt động bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường, khi thì Mộc Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, lúc lại ra Phú Quốc, Côn Đảo. Thậm chí chú bé được bố cho đến đảo hoang Hòn Gội toàn muỗi dĩn, phải đi xuyên rừng mới tới bãi biển và khám phá các ngóc ngách trên đảo.
Còn em Bu, mới 9 tháng tuổi mà đã có vài chuyến đi xa, có cả thâm niên 2 tháng 'bờ bụi' sống như người Côn Đảo, được 'chill' giữa biển không bóng người.
Suốt ngày được bố đưa đi khám phá thiên nhiên kiểu 'hoang dại', cậu Dê không ít lần bị tai nạn. Nhưng với anh Tuấn, đó cũng là một cách để con làm quen với nỗi sợ và biết rút kinh nghiệm. Trong mọi cuộc đi chơi, anh đều theo sát con đủ để cảnh báo và giải cứu khi có nguy hiểm, nhưng vẫn thả cho con chơi độc lập. Đương nhiên, anh cũng đã trang bị kiến thức nhất định để đánh giá nguy hiểm con sẽ/đã gặp phải ở mức nào.
Ví dụ như lần Dê đi Ghềnh Đá Đĩa, trời quá nắng không thể để con chơi ngoài trời lâu, anh cho Dê đi bộ một lúc rồi đưa con vào ngồi ghế. Cậu nhóc hiếu động leo lên leo xuống một hồi thì ngã cắm đầu xuống đất, may sao không có ảnh hưởng gì. Hoặc hồi đi Côn Đảo, Dê bị ngã rách cằm đến tận xương, mà cậu nhóc lại sợ tiêm, không thể tiêm tê, nên bác sĩ đành cắt gọt phần da thịt thừa và khâu sống 4 mũi.
'Thực ra cằm cũng không phải chỗ nhiều dây thần kinh, đằng nào con ngã cũng đau rồi thì chịu thêm một tí là sẽ qua. Dù Dê có khóc, nhưng được bố trấn an và cho xem ảnh vết thương trước - sau khi bác sĩ xử lý, cậu nhóc còn cảm thấy tự hào vì mình đã vượt qua nỗi đau, thậm chí còn về khoe mẹ. Điều quan trọng là người lớn bình tĩnh xử trí khi có sự cố, và ngày thường không dọa nạt, tạo cảm giác lo sợ cho trẻ con, chúng sẽ vượt qua dễ dàng'.
Tất nhiên là cha mẹ, đặc biệt lại là người cha nghiện con 'hơn mức cho phép' như anh Tuấn, nhìn thấy con đau cũng xót lắm chứ. Nhưng với anh, một cái cái cây lớn dần trong tự nhiên sẽ rắn rỏi, tán sẽ rộng, rễ sẽ sâu hơn cây trong nhà kính, tưới đẫm phân bón và uốn thế tỉa đáng. Vì vậy, anh vẫn quyết định thả cho con tự do, để con tự trải nghiệm cuộc sống xung quanh còn mình chỉ đóng vai trò quan sát, giúp chúng bắt sâu, tưới tắm khi còn non nớt mà thôi. Và có lẽ vì được tự do, mà cả Dê và Bu đều rất mê bố, yêu bố. Anh Tuấn tiết lộ, cả hai bé đều rất bện hơi bố, thích rúc vào lòng bố mà ngủ.
Bí mật của ông bố nghiện con và được con nghiện: Học cách cân bằng
Gia đình anh Tuấn là tổng hòa của những điều trái nghịch nhau, bố chiều con khủng khiếp còn mẹ thì nghiêm khắc. Ngay như trong phong cách chăm con, anh và vợ cũng khác nhau khá nhiều. Trong khi vợ thích chăm con theo sách vở, quy củ thì anh lại thích suy từ kinh nghiệm bản thân ra và nghe ngóng biểu hiện của con để lựa theo chúng.
Đương nhiên, ông bố tuổi 42 cũng phải tìm cách cân bằng để không rơi vào cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chẳng hạn mẹ muốn Dê học đàn hát, học nghệ thuật, muốn Dê phát triển toàn diện, nhưng cậu nhóc lại năng động và chỉ mê chạy nhảy, nên anh vẫn để con học ở trường vợ chọn, bù lại, cho Dê đi xả năng lượng ở những chuyến đi xa.
Còn bé Bu, mặc dù được mẹ muốn nuôi theo kiểu EASY, ăn ngủ theo lịch trình khoa học, lượng sữa, lượng thức ăn được tính toán theo độ tuổi. Nhưng bố thì vẫn len lén dỗ dành nếu thấy Bu khóc quá mệt, gắt mãi mà không chịu ngủ, hoặc cho con ăn gian bớt đi tí cháo tí sữa vào những ngày ươn người. Mặc dù vợ dặn không được cho con tiếp xúc nhiều người lạ, sợ lây bệnh, nhưng hồi ở Côn Đảo, anh 'tha' Bu đi khắp đảo, ai quen mặt là có thể bế cô nàng.
Anh hóm hỉnh bảo mình 'không dám' cãi vợ vì cô ấy có nhiều lý lẽ, vả lại cãi thắng vợ cũng chẳng có gì là oai. Nên thay vì tranh luận nhiều chỉ làm mâu thuẫn khoét sâu, anh âm thầm trung hòa phong cách dạy con của hai vợ chồng. Điều thú vị là chính sự nhẫn nại tìm cách lựa theo tính cách, sở thích của con mà chiều chuộng của anh đã làm vợ xiêu lòng. Suy cho cùng, phương pháp nào chăng nữa cũng chỉ là để bọn trẻ được hạnh phúc thôi mà.
Anh Tuấn tâm sự, anh không muốn con mình phải trở thành ai, phải là thiên tài hay xuất sắc ở mảng này mảng khác. Anh cũng không muốn mình được coi như một hot dad được ngưỡng mộ hoặc dạy dỗ người khác cách nuôi con. Anh chỉ đơn giản là một ông bố nuôi dạy con thành… chính nó, bằng cách cố gắng làm theo mong muốn của con nhiều hơn mong muốn chủ quan của mình. Anh không phải là một ông bố hoàn hảo, cũng không chạy đua để con mình hoàn hảo, chỉ muốn có đồng hành với con và hài lòng khi thấy con hạnh phúc.
Càng yêu chúng, anh càng thích tha chúng đi chơi, luôn vẽ ra các tour khám phá, trải nghiệm cho con, cố gắng tạo cho con sức đề kháng tự nhiên nhiều nhất có thể, thay vì o bế ở nhà cùng nỗi sợ hãi. Cô Bu chắc cần nhiều hơn thời gian để thẩm thấu. Còn cậu Dê với nước da đen nhánh, rắn rỏi thì trưởng thành hơn so với tuổi lên 5. Dê có thể cởi trần ở bãi biển chơi cả ngày, chỉ cần biết bố ngồi đâu để chạy về. Có thể chỉ ăn một cái bánh mì không, một nắm xôi dọc đường là đủ năng lượng nghịch cả buổi. Có thể hòa nhập nhanh và biết cách giao tiếp với vốn từ phong phú, biết bày trò chơi cùng trẻ con khác… Anh Tuấn tự thấy thế là đủ.
Năm sau, cậu Dê sẽ vào lớp 1. Có lẽ anh sẽ không xin cho Dê vào một trường đòi hỏi học sinh phải tập trung quá nhiều vào sách vở. Đó là cách anh né tránh để con lặp lại sự vất vả của mình trong quá khứ, khi cứ phải gồng mình, học đuổi theo các bạn ở lớp chọn trường chuyên. Anh tính sẽ chọn một môi trường thiên về vận động, cởi mở hơn để hợp mong muốn và tính cách riêng của Dê, cũng như không tạo áp lực cho con và gia đình.
Còn với mình, anh vẫn tiếp tục học cách làm cha, học để kiên nhẫn, đồng hành với con, tạo cho con những trải nghiệm phong phú bằng cách dành thời gian và thương yêu chúng theo cách của mình. Đó mới là của để dành quan trọng nhất, chứ không phải là tài sản thừa kế.