Theo Ban Tổ chức, Vườn quốc gia Cúc Phương đã 5 lần liên tiếp nhận giải thưởng danh giá này (từ năm 2019-2023). Các đại diện khác cùng tranh cử với Cúc Phương có: vườn quốc gia Chitwan (Nepal), Fuji-Hakone-Izu (Nhật Bản), Kinabalu (Malaysia), Komodo (Indonesia), Minneriya (Sri Lanka) và Taman Negara (Malaysia).
Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) tổ chức thường niên kể từ năm 1993, được ví như giải Oscar của du lịch thế giới. Giải thưởng đã trở thành thương hiệu bậc nhất thế giới trong việc tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành Du lịch trên mọi lĩnh vực. Dự kiến, Lễ trao giải Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading National Park 2023) năm nay sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tại TP. Hồ Chí Minh.
Với diện tích hơn 22.000ha, vườn quốc gia Cúc Phương là một khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt, nằm tại 14 xã và 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Cúc Phương đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam năm 1962.
Cúc Phương đặc biệt nổi tiếng với rừng mưa nhiệt đới và sự đa dạng sinh học cao của nó. Với hơn 2.500 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam như đinh hương, lim xanh, chò xanh, chò chỉ. Ngoài ra, Vườn còn chứa đựng khoảng 400 loài cây thuốc, 300 loài cây ăn được, và cả những loài thực vật bậc thấp chưa được nghiên cứu.
Hệ động vật tại Cúc Phương cũng đa dạng và phong phú, với 137 loài thú, trong đó loài gấu ngựa có trọng lượng cơ thể lên tới 200kg là loài lớn nhất. Với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, và cảnh quan thiên nhiên, Vườn cũng thực hiện công việc cứu hộ và bảo tồn động và thực vật rừng hoang dã.
Cùng với sự đa dạng và phong phú về khu hệ động, thực vật, nói đến Cúc Phương đó còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đền ngày nay. Động Người Xưa, hang Con Moong… là những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7.000 đến 12.000 năm, đã trở thành những điểm tham quan quen thuộc của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.
Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, hiện nay, VQG Cúc Phương vẫn đang triển khai 3 chương trình bảo tồn, đó là: bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê; bảo tồn các loài rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác (hươu, nai, các loài trong họ trĩ, các loài khỉ …). Hiện đang cứu hộ, bảo tồn 64 loài với 2700 cá thể động vật hoang dã.
Cúc Phương đã tổ chức được 'hệ sinh thái' du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm. Một trong những nền tảng làm nên bề dày thành tựu trong công tác giáo dục thiên nhiên của Cúc Phương chính là thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái. Cánh rừng được nhìn nhận như một “bảo tàng sống”, một “ngôi trường” lớn, nơi các thế hệ học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Chính từ những hoạt động đó, thông điệp nâng cao nhận thức về thiên nhiên được lan toả.
Các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên được Vườn đặc biệt chú ý; thăm Động Người Xưa, các cây cổ thụ, xem chim, xem thú đêm, chinh phục đỉnh cao Mây Bạc – “nóc nhà Cúc Phương', hành trình xuyên rừng ngủ bản… là những tour/tuyến để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách suốt nhiều chục năm qua.
Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, lấy việc nâng cao nhận thức về thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái là nền tảng, dựa trên thành quả của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và cứu hộ bảo tồn, những năm gần đây Cúc Phương hướng tới nghiên cứu, phát triển và vận hành những sản phẩm sáng tạo, táo bạo và độc đáo. Tour Về Nhà – tham gia tái thả động vật sau cứu hộ; Trồng cây 'Thêm xanh cho cánh rừng già' tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; Hội xuân Cúc Phương vào dịp Tết Nguyên Đán; 'Hành trình hồi sinh' - tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, Bộ Chương trình Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên dành cho học sinh phổ thông các cấp, Trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn”… là những sản phẩm đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái Cúc Phương.
Năm 2023 là năm thứ năm liên tiếp (2019, 2020, 2021, 2022) Vườn quốc gia Cúc Phương vinh dự được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á, đây là giải thưởng uy tín và danh giá, được ví như giải “Oscar của ngành Du lịch”. Qua đó, tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái - một trong những loại hình du lịch trọng điểm của ngành Du lịch Việt Nam.