Như thường lệ, đi chợ Tết đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của mọi nhà vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vì vậy, cứ sau ngày ông Công ông Táo 23 âm lịch, chợ tết lại bắt đầu nhộn nhịp với hàng trăm sắc hoa, cây cảnh, đồ ăn thức uống từ mọi miền tụ họp.
Ở chợ Tết, ai ai cũng tất bật hối hả, người bán người mua đều háo hức và mong chờ được trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng đủ đầy và những bữa cơm đoàn viên ấm cúng.
Dọc theo chiều dài đất nước, ở mỗi vùng miền thì chợ tết lại có những nét độc đáo riêng. Cùng dạo chơi qua những khu chợ tết nổi tiếng trải dài từ Bắc vô Nam để cảm nhận không khí của một mùa xuân mới đang đến thật gần.
1. Miền Bắc
Chợ đào Lạc Long Quân
Tháng 12 Âm lịch hàng năm, chợ đào trên đường Lạc Long Quân, Tây Hồ lại diễn ra để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán sôi động. Đây là chợ đào lớn nhất Hà Nội, với chiều dài khoảng 3,4 km. Các tiểu thương tập trung chủ yếu từ vườn hoa Lạc Long Quân đến ngã ba đoạn giao với đường Âu Cơ.
Cả con phố Lạc Long Quân sôi động người mua bán từ sáng sớm cho đến đêm muộn. Ngoài các loại đào tết để trưng trong dịp tết, nơi đây còn bày bán vô vàn các loại quất, bưởi, mai, các loại lục bình… với đủ mọi kích cỡ.
Chợ hoa Quảng Bá
Là nơi tập trung đầu mối về các loại hoa lớn nhất khu vực miền Bắc, chợ hoa Quảng Bá bắt đầu họp vào khoảng 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, nhưng vào những ngày cận Tết lại họp suốt từ tối cho tới tận sáng, sang cả ngày hôm sau.
Tại đây có rất nhiều loại hoa từ bình dân đến cao cấp được bày trên kệ, trong thùng xốp hay xếp chồng lên nhau ngay hàng thẳng lối. Không chỉ có các loại hoa do các nhà vườn ở Hà Nội và các tỉnh xung quanh cung cấp như hồng, cúc, đồng tiền,… hoa tại chợ Quảng Bá còn được đưa về từ Sa Pa, Đà Lạt, hay hay nhập khẩu từ nước ngoài với nguồn hoa chất lượng, phong phú.
Chợ hoa Hàng Lược
Chợ hoa Hàng Lược được xem là một khu chợ truyền thống có xuất xứ từ hàng ngàn năm trước khi kinh thành Thăng Long mới được xây dựng. Điểm đặc biệt của chợ hoa tết nổi tiếng này là chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp cho đến tận ngày 30 tết.
Chợ hoa Hàng Lược trải dài qua các con phố: phố Hàng Lược và một phần các phố Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng. Đây là nơi những người trồng hoa, cây cảnh ở khắp các phố phường Hà Nội và các địa phương lân cận mang đến những loài hoa đặc trưng để bán mỗi khi năm hết tết đến.
Chợ hàng Mã
Nếu cần mua đồ cho những ngày lễ hay trang trí cho gia đình, người dân Hà Nội thường tìm đến Hàng Mã bởi các mặt hàng đa dạng đều có trên con phố dài vài trăm mét này.
Cứ vào dịp cuối năm cả con Phố Hàng Mã được nhuộm bởi sắc đỏ, vàng lung linh của đèn lồng, dây pháo và những món đồ trang trí rực rỡ sắc màu. Chính vì vậy, phố Hàng Mã đã thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan và mua sắm, tận hưởng không khí lễ tết cổ truyền của dân tộc.
2. Miền Trung
Chợ Chuộng - Thanh Hóa
Chợ Chuộng được tổ chức trên dải đất rộng ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn,Thiệu Hóa và Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, là phiên chợ diễn ra vào mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm.
Tham gia phiên chợ, ngoài tham gia các trò chơi dân gian và mua bán hàng hóa thì mọi người sẽ có một màn ‘choảng nhau’ độc đáo bằng cà chua nhằm xua đi xui xẻo, đồng thời cầu may mắn tài lộc cho năm mới. Theo quan niệm của người dân nơi đây, nếu tại phiên chợ, ai được ném nhiều cà chua vào người, trong năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Chợ Gia Lạc - Thừa Thiên Huế
Chợ xuân Gia Lạc ở xã Phú Thượng (Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cách trung tâm TP.Huế khoảng 3km được họp thường niên vào 3 ngày tết (từ mùng 1 tới mùng 3). Người Huế đến chợ Gia Lạc không chỉ để mua bán mà vì thói quen, tập tục đã có lâu đời và để lấy vui, cầu may.
Chợ Gia Lạc chỉ họp vào ban ngày bởi vì ngoài mua bán trao đổi, chợ còn tổ chức ăn uống, chơi trò chơi dân gian như: bài chòi, hát đối đáp… Đặc biệt, người Huế có tập tục mua trầu cau để mong năm mới ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn.
Chợ Bích La - Quảng Trị
Chợ Đình Bích La (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong) là một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần bắt đầu vào lúc nửa đêm từ đêm mùng 2 đến sáng 3 Tết âm lịch. Ở chợ đình Bích La, các mặt hàng khá đa dạng, nhưng chủ yếu là những sản vật của địa phương hàng như: lá chè, cành cây phát lộc, cây mía, cau trầu, gói muối, cá chép…
Mọi người đến chợ đầu năm đều cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn. Điểm đặc biệt của lễ hội chợ Đình Bích La là lễ cầu thần Kim Quy với ước mong một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa.
Chợ Gò Trường Úc - Bình Định
Chợ Gò là một trong số ít chợ đặc biệt của người Việt mỗi năm họp chợ 1 lần vào mùng 1 Tết tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Hàng năm vào sáng mùng 1 và sáng mùng 2 Tết Nguyên Đán, người dân địa phương gần đó lại mang hoa quả, bánh kẹo tết, mứt tết, trầu cau và những sản vật địa phương đến bán.
Việc mua bán tại Lễ hội Chợ Gò không giống như việc mua bán thông thường. Ai nấy đều xởi lởi, vui vẻ, như đi trẩy hội với tinh thần 'Mua may bán rủi'. Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của vùng đất Bình Định và được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.
3. Miền Nam
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ chính là khu chợ hoa lớn nhất Sài Gòn với tuổi đời gần 30 năm. Chợ họp cả ngày lẫn đêm, nhưng chợ hoa đêm từ 0-3h sáng mới thực sự nhộn nhịp vì lúc này các lái buôn đến mua bán hoa với số lượng lớn để cung cấp cho toàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Hoa tại đây chủ yếu được nhập từ Đà Lạt, các tỉnh miền Tây và ngoại nhập từ các nước lân cận... Đặc biệt, hoa hồng là loài hoa hút khách nhất ở chợ. Cùng với hoa, bạn có thể tìm thấy các phụ kiện trang trí cho bó hoa ngày tết thêm đẹp. Đáng chú ý các loại hoa được bán ở chợ sẽ có giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng hoa, giúp bạn thỏa mãn sở thích 'chơi' hoa ngày tết.
4. Tây Nguyên
Chợ hoa Đà Lạt
Được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, ở Đà Lạt, hoa hiện diện khắp mọi nơi. Trong đó, chợ Đà Lạt được xem là chợ hoa lớn nhất ở đây. Những ngày cận tết, xung quanh chợ và khu vực Hồ Xuân Hương, hoa được trưng bày đẹp mắt với đủ hương đủ sắc, thu hút sự chú ý của những ai ngang qua.
Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, được chiêm ngưỡng sắc xuân rực rỡ đang tràn về qua những cánh hoa tươi thắm càng khiến người ta thêm đôi phần thích thú. Không chỉ có hoa lily, hoa cúc, chợ hoa Đà Lạt còn mang đến hàng triệu cành hoa 'đặc sản' độc đáo như cát tường, hồng, lan,... Ngoài những bó hoa, chậu hoa được trang trí đẹp mắt, hoa ở đây còn được kết thành những hình những vật dụng ngộ nghĩnh, hay những con vật rất độc đáo và lạ mắt.
5. Chợ hoa nổi miền Tây
Chợ nổi từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của miền sông nước Miền tây, trong đó phải kể đến những khu chợ nổi tiếng như Cái Răng (Cần Thơ), chợ Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ Châu Đốc (An Giang),... Vào những ngày giáp tết, các khu chợ nổi trở nên rộn ràng và tươi tắn hơn bao giờ hết. Trên mọi ngã sông, những chiếc thuyền lớn, nhỏ chở đầy ắp hoa đang lần lượt đổ về.
Dù chỉ có những loài hoa quen thuộc như các loại cúc, mai vàng, vạn thọ,... nhưng chính màu sắc rực rỡ của chúng đã tạo nên sắc vàng khắp một vùng sông nước. Người mua kẻ bán lần lượt hội tụ tại đây để trao đổi, buôn bán, vẻ lên cảnh tượng mua bán trên sông vô cùng ấn tượng và thú vị.