Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông. (Ảnh TL)
Có thực mới vực được đạo
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM trong nhiều cuộc họp với thành phố và ngành giáo dục đã chia sẻ những trăn trở về việc tuyển dụng giáo viên (GV) Tiếng Anh: 'Năm nào cũng đỏ mắt tìm GV, khó khăn lắm, đến mức phải cưng như 'trứng mỏng' để mong giữ người gắn bó với trường bởi mức thu nhập trong trường chỉ bằng một phần rất nhỏ so với việc đi dạy thêm ở các trung tâm mà ở ngoài còn không bị áp lực giờ giấc, giáo án...'.
Tại Việt Nam, lương GV tiếng Anh tiểu học cũng tương tự như các môn khác. Cụ thể, một cử nhân sư phạm ra trường được hưởng hệ số lương 2,34. Những giáo viên thử việc trong năm đầu tiên chỉ hưởng 85% mức lương đó, tức chưa đến 4 triệu đồng. Cùng với phụ cấp đứng lớp và các khoản ưu đãi khác tùy từng trường, tổng thu nhập mỗi tháng của GV tiếng Anh tiểu học ở TPHCM khoảng 5 triệu đồng còn các vùng khác có chênh lệch ít nhiều.
Nếu ở các thành phố lớn, mức lương này thực sự là khó sống, GV chắc chắn sẽ phải làm thêm các công việc khác như đi dạy thêm ở trung tâm, phiên dịch, dịch thuật… Trong khi đó, thu nhập từ những công việc này sẽ cao hơn và cũng ít áp lực hơn đi dạy tại trường công lập.
Bà Phùng Thị Thúy Hằng - GV tiếng Anh, Trường THCS Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, bà gắn bó với công việc này được hơn 15 năm. Mức lương của bà Hằng cũng giống như tất cả các giáo viên khác trong trường, bao gồm lương theo hệ số tính theo thâm niên gắn bó ngắn hay dài, phụ cấp ngoài nhận được khi số tiết đạt được vượt trội trên tuần, luôn đảm bảo hoàn thành tốt các quy định của ngành, của trường đề ra. Nhìn chung, mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng so với thu nhập ở nông thôn cố gắng thu vén cũng đủ chi tiêu ở mức cơ bản.
Trong khi đó, bà Nghiêm Nguyệt Vy hiện đang làm quản lý của một trung tâm tiếng Anh tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi mới ra trường bà cũng thi tuyển và đỗ vào một trường tiểu học ngoài công lập. 'Khi đó, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng so với những bạn cùng lớp dạy trường công lập là cao, nhưng với mức lương các trung tâm trả thì vẫn chưa bằng. Trong khi tôi đang phải đi thuê nhà, muốn tiết kiệm gửi về hỗ trợ bố mẹ ở quê nên đã chuyển sang dạy trung tâm và dạy ôn thi IELTS' - bà Vy nói.
Thiếu trầm trọng
Với những nhân sự được đào tạo để trở thành GV tiếng Anh sau khi ra trường có nhiều sự lựa chọn giữa đi dạy hoặc đi làm việc bên ngoài, tại các trung tâm ngoại ngữ, phiên dịch, dịch thuật và rất nhiều ngành nghề khác có nhu cầu tuyển dụng. Nhất là những người có trình độ ngoại ngữ rất dễ tìm việc làm khác có mức thu nhập tốt hơn việc đứng lớp, thời gian cũng linh động hơn. Từ đó dẫn đến nguồn GV bộ môn này thiếu trầm trọng.
Tại Cao Bằng, hiện vẫn thiếu 83 GV tiếng Anh để đứng lớp thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học 2022-2023. Bà Lường Thị Nụ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lâm (Bảo Lâm, Cao Bằng) cho biết, dù có chỉ tiêu tuyển GV môn tiếng Anh năm học này nhưng trường không tuyển được. Giải pháp trước mắt là hợp đồng với một số GV cùng với 1 GV sẵn có của nhà trường để đảm bảo việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo yêu cầu.
Tương tự, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chỉ có 1 GV Tiếng Anh. Ông Lê Huy Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hiện trường có 1 điểm chính và 10 điểm lẻ cách xa nhau hàng chục cây số. Để đảm bảo chương trình, đến lớp 3, nhà trường bắt buộc phải đưa toàn bộ học sinh từ 10 điểm lẻ về điểm chính ở bán trú.
Ngay tại Hà Nội, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GDĐT huyện Sóc Sơn chia sẻ, toàn huyện còn thiếu 9 GV tiếng Anh cấp tiểu học.
Năm 2018, Bộ GDĐT tính toán, sẽ cần khoảng 9.589 GV tiếng Anh cho bậc tiểu học trong 3 năm tới. Riêng trong năm học 2022-2023, cần thêm 5.322 GV tiếng Anh và bổ sung đủ 2 năm sau đó.
Giải pháp giữ chân và thu hút giáo viên tiếng Anh
Phương án mà nhiều trường, địa phương hiện đang áp dụng để lấp chỗ trống thiếu GV đó là hợp đồng với các GV bên ngoài. Tuy nhiên, khó khăn đó là nguồn kinh phí để chi trả cho GV hợp đồng từ nguồn thu tự nguyện của phụ huynh, kinh phí xã hội hóa. Nhưng bắt đầu từ năm nay, thực hiện Chương trình GDPT 2018, môn tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 với 4 tiết/tuần. Như vậy, mỗi GV phải dạy ít nhất 4 tiết miễn phí từ lớp 3 trở lên. Trước đây các trường được thu tiền đã không thể tuyển được GV, nhưng nay không được thu thì các cơ sở giáo dục không biết lấy kinh phí từ đâu để thu hút GV tiếng Anh.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM cho biết, Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc liên kết, chia sẻ GV thỉnh giảng, ký hợp đồng ngắn hạn để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, TPHCM cũng dành nhiều đợt tuyển dụng viên chức, trong đó chú trọng bộ môn này.
Nhìn nhận một trong lý do khác khiến khó tuyển dụng GV tiếng Anh đó là do trước đây các trường đào tạo sư phạm ít đào tạo nhân lực bộ môn này hoặc có đào tạo nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, Sở GDĐT TPHCM đang đặt hàng các Trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Sài Gòn tuyển dụng GV Tiếng Anh.
Đối với nguyên nhân thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt ở cấp tiểu học, đã được Sở GDĐT TPHCM nêu ra là vì thu nhập thấp, khối lượng công việc lại nhiều, Sở này đang đề xuất giảm số tiết định mức của GV tiếng Anh tiểu học từ 23 tiết/tuần xuống 18 tiết.
Để giải quyết bài toán thiếu GV tiếng Anh nói riêng và GV nói chung, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế GV cho các địa phương năm 2022. Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế GV với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng.
'Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho nguồn biên chế được cấp bổ sung đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo GV trên cơ sở nhu cầu của địa phương và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm' - bà Minh nói.