“Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lóc tố cáo rằng: Tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy sạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Ung thư vú không chỉ cắt ngắn cuộc đời của tôi mà còn đánh cắp 20 năm trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người… bắt tôi chứng kiến nhiều tổn thương và mất mát của chính tôi….” – (Thương Sobey, Sáng lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, khởi xướng dự án Thư viện tóc – hiến tóc cho bệnh nhân ung thư) viết.
Thời gian gần đây, chúng ta thường hay bắt gặp hình ảnh những người nổi tiếng, bạn trẻ có sức ảnh hưởng hay đơn thuần chỉ là một chàng sinh viên bình thường quyết định cắt phăng mái tóc dài đen mượt nuôi trong vài năm, để trao tặng cho một tổ chức gọi là Thư viện tóc. Kèm theo hình ảnh về sự thay đổi về độ dài mái tóc, mỗi người đều gửi gắm những lời chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình nuôi tóc và quyết định hiến tóc của bản thân.
Với những ai từng sở hữu một mái tóc dài đẹp, đều hiểu rằng việc cho đi những sợi tóc ấy lúc nào cũng đem lại những xúc cảm khó tả. Nhưng khi biến điều quý giá của mình thành một món quà mang lại niềm vui, động lực cho những bệnh nhân ung thư thì những sợi tóc cho đi ấy càng thêm phần ý nghĩa.
Bệnh nhân ung thư vú không chỉ phải chịu đau đớn vì hoá trị mà còn chịu nhiều tổn thương về tinh thần khi mất đi bầu ngực và cả mái tóc của mình. Hiểu được điều này, phi công Diệu Thúy quyết định hiến tóc gửi tặng bệnh nhân ung thư nhằm xoa dịu bớt nỗi đau khi phải chiến đấu với bệnh tật của họ.
Diệu Thúy tâm sự: “Tôi may mắn có được nguyên vẹn những nét đẹp riêng ấy của phụ nữ nên tôi hiến tặng mái tóc của mình, với niềm hy vọng các bệnh nhân sẽ vơi đi phần nào mặc cảm và nỗi đau mà họ phải chịu đựng trong quá trình chiến đấu với ung thư vú. Năm 2020, nhiều biến cố xảy đến với tôi, chính từ trong nghịch cảnh tôi học cách sống trầm lặng và chậm rãi, và tĩnh hơn. Tôi nhận ra tôi đã nhận quá nhiều từ cuộc đời và tôi muốn cho đi để biết ơn cuộc đời này, từ đó tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Một trong những điều tôi muốn làm là hiến tóc và 2020 tôi đã cắt đi mái tóc dài gửi hiến cho trung tâm”.
Lan Hương (sinh năm 2000, TP HCM) cũng hiến tóc gửi tặng bệnh nhân ung thư. Người khiến Hương đưa ra quyết định này chính là mẹ cô - một chiến binh ung thư vú.
Hương chia sẻ: “Khi mình đang đi du học ở Nhật thì nhận tin mẹ bị bệnh, mình đã tạm gác lại ước mơ du học Nhật để trở về đồng hành cùng mẹ, ở bên mẹ trong những tháng ngày hóa - xạ trị. Nhìn thấy tóc mẹ mình rơi thành từng mảng, thấy mẹ cực nhọc, khó chịu trong bộ tóc giả nóng. Hơn ai hết, mình rất hiểu cảm giác một người phụ nữ đánh mất đi vẻ tự tin về ngoại hình của mình, cảm giác tự ti đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của việc điều trị và cả cuộc sống sau này rất nhiều”.
Lan Hương tạm gác việc học ở Nhật, quay về Việt Nam đồng hành cùng mẹ trong cuộc chiến chống ung thư vú. Cô nàng còn đỗ thủ khoa toàn quốc khối D06 và thủ khoa trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II.
Còn với Trọng Đại (sinh năm 1999, Hà Nội), ý định nuôi tóc để hiến tặng bệnh nhân ung thư được nhen nhóm khi anh đến thăm người thân ở bệnh viện K. Quyết định hiến tóc cho mạng lưới ung thư vú Việt Nam đã được Đại mình ấp ủ từ rất lâu và khi thấy đã đủ độ dài để hiến, anh đã cắt tóc ngay để dành cho mạng lưới.
Vô tình đọc được những chia sẻ của bệnh nhân ung thư do trang Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đăng tải vào 2 năm trước, Trang Ellan (sinh năm 1994, TP Hồ Chí Minh) đã bị lay động bởi những dòng tâm sự đó. Minh Trang bộc bạch: “Khi đọc được những câu chuyện đó, từ đang để kiểu tóc tầng, mình quyết định nuôi dài hơn một tí để sau đó vài tháng mình sẽ cắt tóc ngang và nuôi dài để có thể hiến tặng mái tóc của mình”.
Minh Trang hay thường được gọi là Trang Ellan từng được biết đến là 1 hot blogger.
Giống với Trang Elllan, Tiên Lê (sinh năm 2000, du học sinh tại Canada) cũng quyết định san sẻ một phần tóc như món quà gửi đến những người phụ nữ đang phải gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư vú khi nghe những câu chuyện mà người nhà bệnh nhân kể lại.
Trong số những người hiến tóc, mỗi người có một câu chuyện, một lý do để biết đến Thư viện tóc và hiến tặng mái tóc của mình cho bệnh nhân ung thư. Nhưng sau cùng, điểm chung của tất cả họ đều là mong muốn mái tóc của mình có thể đem lại niềm vui, phần nào xoa dịu nỗi đau mà “những chiến binh K” đang ngày ngày phải đương đầu, đối mặt.
Để đủ điều kiện hiến tóc cho Thư viện tóc của Mạng lưới ung thư vú, ai cũng cần 1 quãng thời gian rất dài để chăm sóc, nâng niu mái tóc.
Nuôi tóc dài hơn 9 năm, Lê Thắm (sinh viên năm 3, Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã quyết định cắt ngắn để hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Giống với Lê Thắm, Huyền Trang (sinh viên năm cuối, Đại học Ngoại Thương Hà Nội) luôn chăm sóc và nuôi dưỡng mái tóc dài qua lưng trong suốt 4 năm Đại học. Sau khi biết tới thư viện tóc, Trang nuôi tóc dài thêm rất nhiều và chẳng ngần ngại cắt ngắn tặng bệnh nhân ung thư.
“Vì mái tóc dài đen mượt là 'mái tóc thương hiệu' nhận diện mình, cắt xong đi đâu ai cũng nửa hỏi nửa tiếc 'sao tự dưng lại cắt đi'. Thế là cứ gặp người quen là mình lại phải giải thích. May mắn là sau khi mình chia sẻ thì vài bạn đang nuôi tóc sẽ chuẩn bị hiến tóc. Mình nghĩ rằng mái tóc đẹp hơn gấp bội nếu ta tặng nó tới đúng người, đúng việc”, Huyền Trang chia sẻ.
Huyền Trang dành tặng mái tóc dài nuôi nhiều năm của mình cho bệnh nhân ung thư.
Lê Thắm nuôi tóc dài từ những năm còn học cấp 2.
Còn với Tiên Lê, từ nhỏ đến lớn, cô nàng luôn để tóc dài gần chạm mông và thỉnh thoảng chỉ cắt vài phân. Tiên chia sẻ rằng: “Với con gái tuổi mới lớn thường chăm chút vẻ bề ngoài và lưu tâm ánh nhìn người khác thì mái tóc càng làm mình thêm phần tự tin. Nhưng rồi mình ngộ ra là sự tự tin được tạo nên bởi giá trị, nội lực, và sự hiểu mình. Ngoại hình tuy quan trọng nhưng xếp thứ yếu trong việc quyết định khí chất của một người với thế giới bên ngoài. Mình tin rằng ai cũng đẹp và tự tin khi đủ yêu bản thân và mang đến giá trị cho chính người đó, gia đình hay xã hội. Vì thế mình dành 2 tháng để suy nghĩ về việc này, đối với mình đó là một quyết định khó khăn vì mình quý tóc như tài sản vậy”.
2 năm 27 tháng là thời gian Trọng Đại nuôi tóc để đủ độ dài hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Là con trai nuôi tóc dài, Đại gặp nhiều khó khăn như việc nhận được những lời đánh giá và nhận xét tiêu cực từ những người xung quanh như: “Ơ bạn này nuôi tóc dài con gái à, bê đê à hoặc bạn này giới văn nghệ sĩ à mà nuôi tóc…”. Nhưng anh cũng không quá bận tâm. Mỗi lần gặp phải những lời nhận xét như vậy, Đại thường dựa vào đó mà lái sang những câu chuyện vui.
Trọng Đại thường xuyên gặp phải những lời đánh giá của người khác khi nuôi tóc dài.
Phi công Diệu Thúy đã hiến tóc 2 lần và cô mất khoảng 2 năm nuôi dưỡng tóc cho mỗi lần hiến tặng cho bệnh nhân ung thư. Cô nâng niu từng sợi tóc và thấy xót xa nếu bị rụng đi vài cọng, nhưng lúc nào cũng mong nhanh đến ngày tóc đủ độ dài để có thể hiến tặng tóc cho những “chiến binh K”.
Chia sẻ về quá trình thực hiện hiến tóc của mình, Diệu Thúy nói: “Sau lần đầu hiến tặng vội vàng gửi qua bưu điện, mình chuẩn bị kỹ càng hơn cho lần tiếp theo. Mình tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng hơn tại website chính thức của BCNV. Ngoài ra, mình còn tìm kiếm thêm thông tin về quá trình tóc phát triển, xác định thời gian có thể đạt được độ dài mong muốn. Sau đó mình tìm hiểu về cách chăm tóc để tóc có thể đạt được chất lượng tốt nhất và khoẻ nhất. Mình từ bỏ các thói quen làm đẹp khi còn trẻ như uốn - duỗi -nhuộm. Mình cẩn thận trong việc chọn lựa sản phẩm dưỡng tóc phù hợp với mái tóc và da đầu. Khi tóc đủ dài để hiến, mình đến tiệm cắt tóc liên kết với BCNV để nhân viên cắt tóc có thể lấy phần tóc hiến tặng chuẩn nhất. Rồi mình gửi đến BCNV”.
Nhìn thấy bộ tóc từng là một phần của cơ thể thể mình được cắt đi, trong lòng bất kỳ ai ít nhiều cũng có những cảm xúc khó tả. Chia sẻ cảm xúc khi cắt đi mái tóc nuôi dài suốt nhiều năm để dành tặng cho bệnh nhân ung thư, Lê Thắm bộc bạch: “ Lúc mà anh ở tiệm đo xong thì đưa kéo cắt ngang, mình cười nhưng nước mắt lại rưng rưng, muốn khóc. Mái tóc dài này đã gắn liền với mình suốt bao năm. Tóc dài cũng rất hợp với mình hay với cả cái tên mà mọi người thường gọi là “cô Thắm”.
“Mình khóc không phải vì tiếc mà vì mình thấy hạnh phúc khi là người khoẻ mạnh và mình thương vì có những bệnh nhân ung thư phải chống chọi với ranh giới mong manh giữa sống và chết mỗi ngày”, Thắm nói thêm.
Những cú sốc về vẻ ngoài khác biệt, mất đi mái tóc do hóa trị, khiến cho những bệnh nhân ung thư cảm thấy thiếu tự tin. Những mái tóc được trao đi như tiếp thêm cho họ sức mạnh, niềm tin rằng, ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng có quyền được xinh đẹp và yêu thương bản thân, yêu thương cuộc đời.
Và những người hiến tóc, họ thấy hạnh phúc, tự hào khi nghĩ đến việc mái tóc mà họ nâng niu, gìn giữ nay đã có thể đem lại niềm vui cho các bệnh nhân ung thư.
“Nghĩ đến việc tóc mình sẽ giúp một người phụ nữ nào đó cảm thấy xinh đẹp và tự tin cũng khiến mình hạnh phúc. Mình thật sự mong những ai đang trải qua căn bệnh này luôn duy trì sự được lạc quan và tích cực. Các phương pháp điều trị có thể làm bạn đau đớn, lúc đó hãy nhớ rằng có nhiều người lạ ngoài kia không máu mủ ruột thịt luôn sẵn sàng đồng cảm và sẵn sàng sẻ chia với bạn. Và riêng phụ nữ, bạn vẫn luôn xinh đẹp theo cách của chính bạn, không cần tóc dài hay phấn son, bạn vẫn tỏa sáng và tuyệt vời lắm”, Tiên Lê chia sẻ.
Khi được hỏi về cảm xúc, suy nghĩ khi hiến tặng tóc, Trang Ellan tâm sự: “Mình nghĩ rằng với mái tóc ít ỏi của mình, dù là gửi tặng đến ai thì chắc rằng họ sẽ cảm thấy tích cực hơn với cuộc sống này. “Cho đi là còn mãi” với mái tóc của mình có thể mình chỉ sử dụng một lần rồi thôi nhưng bạn hãy thử để mái tóc của mình có ý nghĩa thêm lần nữa với một người khác thật sự là một điều đẹp đẽ, rồi bạn sẽ thấy hạnh phúc thật nhiều với điều bạn đã cho đi”.
“Tự hào” chính là từ để miêu tả quá trình từ lúc nuôi đến khi hiến tóc của Lan Hương. Khi cầm trên tay lọn tóc, cô nàng cảm thấy rất tự hào về bản thân, vì những hành động tưởng chừng như bé nhỏ như vậy thôi, nhưng nó đã có thể thắp sáng nên hy vọng của những bệnh nhân ung thư.
Lan Hương từng có quãng thời gian làm tình nguyện ở Mạng lưới ung thư vú Việt Nam.
Ngoài việc hiến tặng tóc, Lan Hương cho biết, cô nàng còn hiến tạng. Hương tâm sự: “Mình rất tự hào khi khoe là từ tháng 6 năm ngoái, mình đã được cấp Thẻ hiến mô, tạng do Ủy ban Quốc gia về điều phối, ghép tặng cơ thể người cấp, điều đó có nghĩa là, bất cứ khi nào mình qua đời, hay không may chết não thì mọi cơ quan nội tạng của mình bao gồm cả giác mạc nữa cũng sẽ được dùng để cứu những bệnh nhân khác, mang đến ánh sáng và cứu được rất nhiều cuộc đời khác nữa”.
Thư viện tóc được khởi xướng từ năm 2015, là một trong các chương trình hỗ trợ về tinh thần cho bệnh nhân ung thư (những chiến binh K!) của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV).
Thư viện tóc hỗ trợ miễn phí các bộ tóc giả, được làm từ tóc thật do cộng đồng đóng góp, cho bệnh nhân ung thư đang trong quá trình điều trị hóa chất. Bắt tay vào việc, BCNV bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn hiến tóc, kêu gọi cộng đồng hiến tóc, tìm xưởng gia công tóc phù hợp và trao gửi các bộ tóc thành phẩm đến bệnh nhân ung thư. Vì đây là mô hình hiến tóc đầu tiên tại Việt Nam nên quy trình vận hình Thư viện tóc luôn được BCNV cập nhật, cải tiến qua từng năm.
BCNV trao tặng tóc cho bệnh nhân ung thư.
Chia sẻ với chúng tôi, BCNV cho biết: “Tính đến tháng 4.2022, Thư viện tóc đã có hơn 11.000 người tham gia hiến. Khoảng 1.000 bộ tóc đã được trao đến các bệnh nhân ung thư sử dụng trong quá trình điều trị hóa chất. Hiện, mỗi ngày BCNV nhận được 80-100 lọn tóc hiến gửi về mỗi ngày. 4-10 lọn tóc đạt chuẩn mới có thể thành được 1 bộ tóc giả. Và bất cứ khi nào gia công được 50-100 bộ tóc giả, 1 Thư viện tóc sẽ được thành lập tại các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu trên cả nước. Khi thành lập Thư viện tóc tại các cơ sở bệnh viện, tóc hầu như được mượn hết sau 1 tuần. Ngoài ra, bệnh nhân ung vẫn có thể đăng ký mượn tóc qua form đăng ký tại website của BCNV”.
Sau khi tiếp nhận tóc từ người hiến, BCNV và đội ngũ tình nguyện viên tiến hành soạn và lọc tóc theo tiêu đúng tiêu chuẩn. Tóc đạt chuẩn sẽ được gửi đến xưởng, gia công thành các bộ tóc giả. Các công đoạn gia công đều được làm bằng tay 100%. Quá trình gia công 1 bộ tóc có thể mất đến 20 giờ. Tóc sau khi thành các bộ tóc sẽ được gửi về văn phòng BCNV và được dùng để thành lập Thư viện tóc mới và gửi thêm đến các Thư viện đã thành lập.
Các công đoạn gia tóc đều được làm bằng tay 100%.
Chia sẻ về một vài câu chuyện hiến và mượn tóc đặc biệt, BCNV tiết lộ, gần đây, có một trường hợp là một bạn nữ, khoảng 20 tuổi với mái đầu trọc lóc đến tìm BCNV. Nhưng bạn không đến để mượn tóc, bạn đến hiến tóc. Bạn cạo đầu hoàn toàn để hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Bạn chia sẻ, khi biết mái tóc của mình sẽ đến một nơi tốt hơn, giúp đỡ được đúng người trong thời gian họ khó khăn nhất thì bạn đã vượt qua nỗi lo và mặc cảm về để hiến tóc. Mạng lưới gặp rất nhiều bạn đến tặng tóc trực tiếp tại văn phòng nhưng bạn nữ, trẻ và hiến toàn bộ mái tóc như vậy thì không nhiều.
Một trong những trường hợp đặc biệt khác đến văn phòng BCNV mượn tóc gần đây nhất là một bệnh nhân nhi. A.N (5 tuổi), cùng mẹ đến văn phòng BCNV vào đúng dịp 1.6. Nhìn bé vui cười, chạy quanh khắp văn phòng, sẽ khó nhận ra bé đang là một bệnh nhân ung thư, ngoại trừ khuôn đầu không có tóc. Mẹ A.N dẫn bé đến tìm BCNV vì câu nói của con gái: “Khi nào tóc con dài ra hả mẹ, con muốn tóc dài, thắt bím”. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, khuôn đầu chưa phát triển hết nên tóc cho A.N sẽ được đặt làm riêng theo đúng số đo của bé.
Bé A.N được mẹ dẫn đến văn phòng BCNV mượn tóc.
“Chạm thước dây vào da đầu của bé, được ôm và hôn lên mái đầu là trải nghiệm khó quên với các bạn làm tại BCNV. Đó là trải nghiệm mà BCNV biết được mình phải luôn duy trì Thư viện tóc để hỗ trợ được nhiều bệnh nhân ung thư hơn nữa. Và chính niềm vui của bé khi chạm vào các bộ tóc mẫu, sự vui tươi chạy nhảy khắp văn phòng của bé lại truyền thêm sức sống cho BCNV”, BCNV chia sẻ.
Ảnh: NVCC
>> Xem thêm: 'Soái ca' cắt phăng mái tóc dài nuôi trong 3 năm vì lý do khiến nhiều người cảm phục