Mặc dù giá trị tài sản của những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam đã bị suy giảm đáng kể so với đầu năm 2022, tuy nhiên danh sách Top 10 gần như vẫn không có sự thay đổi.
Đứng đầu trong danh sách hiện nay vẫn là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC). Ông Vượng đang sở hữu hơn 2,1 tỷ cổ phiếu VIC trị giá lên đến 157 nghìn tỷ đồng, con số này gấp khoảng 5 lần so với những người trong Top 5.
Với tổng giá trị tài sản đạt 34.500 tỷ đồng, ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Sunshine, Phó Tổng Giám đốc KienLongBank – đang đứng thứ hai trong danh sách này. Ngoài cổ phiếu KLB của KienLongBank, ông Đỗ Anh Tuấn còn sở hữu lượng cổ phiếu lớn tại các doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch HĐQT như: KSF của CTCP KSFinance, SCG của CTCP Xây dựng SCG, và SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes.
Đứng sau ông Tuấn là tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank (TCB), với khối tài sản lên đến 34.124 tỷ đồng tại thời điểm hiện tại. Khối tài sản này đến từ việc sở hữu trực tiếp 39,30 triệu cổ phiếu TCB và gián tiếp sở hữu trên 300 triệu cổ phiếu MSN của Masan Group. Ông Hồ Hùng Anh đồng thời cũng là người giàu nhất trong số các ông chủ ngân hàng ở Việt Nam.
Vị trí thứ tư trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát (HPG). Giá cổ phiếu thép đang có dấu hiệu hồi phục trong hai phiên giao dịch gần đây, tài sản của ông Trần Đình Long hiện đang ở mức 33.900 tỷ đồng. Con số này đến từ việc ông Long đang trực tiếp sở hữu hơn 1,51 tỷ cổ phiếu tại doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.
Những người giàu nhất trên TTCK hiện nay: Ông Trần Đình Long, ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Đăng Quang, và ông Hồ Hùng Anh.
Theo sát ông Long là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Phó chủ tịch Techcombank, Chủ tịch Masan Group – với khối tài sản từ TCB và MSN trị giá 33.696 tỷ đồng. Ông “vua” hàng tiêu dùng Việt Nam đang trực tiếp nắm giữ trên 9,4 triệu cổ phiếu TCB, đồng thời gián tiếp sở hữu hơn 300 triệu cổ phiếu MSN.
Cũng với khối tài sản tương đương, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang đứng thứ sáu trong danh sách này với khối tài sản trị giá 33.176 tỷ đồng. Bà Thảo hiện đang là Tổng Giám đốc hãng hàng không tư nhân Vietjet Air (VJC), đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank (HDB). Tại VJC, bà sở hữu 240 triệu cổ phiếu, trong khi chỉ sở hữu 75 triệu cổ phiếu HDB.
Giá trị tài sản của 6 tỷ phú nói trên tạo một khoảng cách rất xa với phần còn lại.
Tài sản của người đứng thứ bảy là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) đang dừng ở mức 17.400 tỷ đồng. Ông Đạt đang nắm giữ 332 triệu cổ phiếu PDR và lọt vào danh sách 10 người giàu nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Vị trí thứ tám thuộc về ông Bùi Thành Nhơn, người vừa hoán đổi cổ phiếu NVL của Novaland sang cho Nova Group, đồng thời cam kết gắn bó lâu dài với hệ sinh thái Nova dù đã giảm tỷ lệ sở hữu tại NVL. Với hơn 169 triệu cổ phiếu, giá trị tài sản do cá nhân ông Nhơn nắm giữ trực tiếp tại NVL hiện đạt 12.611 tỷ đồng. Tuy nhiên đây chỉ là con số do cá nhân ông Nhơn nắm giữ, thực tế giá trị cổ phiếu NVL do gia đình ông Nhơn nắm giữ (trực tiếp và gián tiếp) tại NVL còn lớn hơn rất nhiều lần con số trên.
Hai vị trí còn lại trong Top 10 thuộc về hai bà vợ của các tỷ phú hàng đầu Việt Nam, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng, vị trí thứ 9) và bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long, vị trí thứ 10).
Bà Phạm Thu Hương còn được biết đến là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, trực tiếp tham gia quản trị tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, dù luôn là một doanh nhân kín tiếng. Giá trị cổ phiếu VIC do bà Hương nắm giữ hiện đang ở mức 12.338 tỷ đồng.
Trong khi đó, người phụ nữ kín tiếng không kém là bà Vũ Thị Hiền. Người ta chỉ được biết đến bà Hiền với tư cách là vợ của tỷ phú Trần Đình Long, đồng thời là người đang trong Top 10 các tỷ phú chứng khoán với khối tài sản tại HPG trị giá 9.500 tỷ đồng.