Khu vực nhà ga bến tàu thủy Bạch Đằng thu hút nhiều bạn trẻ vì không gian thoải mái, chương trình âm nhạc cộng đồng không thu phí
Bệ phóng cộng đồng
Khán giả ngồi thành vòng tròn quanh người hát, âm nhạc vỏn vẹn với tiếng guitar và trống, nhưng đủ rộn ràng để giữ chân người nghe cùng ly cà phê trên tay, họ nhận ra và gọi tên nhau qua những nickname (biệt danh) trên mạng xã hội. Phan Tú Quỳnh Châu (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM) chia sẻ: “Trên Facebook có nhiều nhóm hát lắm, mình tham gia rồi hẹn nhau lúc nào rảnh thì ráp lại, thường mọi người sẽ chọn buổi sáng cuối tuần, vì đa phần ai cũng rảnh và không khí ngoài phố cũng đông vui hơn”.
Và từ những buổi đàn hát với nhau ở khu vực Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình) và Bưu điện Thành phố, những bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật được cộng đồng biết nhiều hơn và thu hút nhiều lượt theo dõi từ mạng xã hội. “Tụi mình không khẳng định mình qua những cuộc thi âm nhạc, vốn là cách nhanh chóng để mình theo đuổi nghệ thuật, không phải ai cũng đủ kinh phí để đầu tư đường dài cho các cuộc thi. Đàn hát ở những không gian này, cũng là cách để mình gần và được mọi người biết đến nhiều hơn. Sau mấy lần tham gia ở đây, nhiều bạn kết nối với mình qua mạng xã hội, gửi tặng hình ảnh, video lúc mình hát do các bạn quay lại”, Trần Khánh An (20 tuổi, sinh viên Nhạc viện TPHCM) chia sẻ.
Thị hiếu tiếp cận khán giả của lứa bạn trẻ gen Z cũng dần khác biệt, khi những không gian văn hóa công cộng trong thành phố ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân. Chị Đặng Thanh Ân (35 tuổi, chuyên viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh) phân tích: “Với những bạn trẻ mới bắt đầu nghệ thuật, đầu tư cho một chương trình nhỏ ở quán cà phê, hay phòng trà cũng là một chuyện đau đầu về kinh phí. Tham gia ở những không gian ngoài trời này, tuy không thể bán vé, nhưng bù lại một lượng tương tác với khán giả rất lớn, và khi họ thích sẽ kết nối với người hát qua mạng xã hội. Từ đó, bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật xây dựng một trang cá nhân có nhiều lượt theo dõi, đó là thành công bước đầu trong thời buổi bùng nổ mạng xã hội hiện nay”.
Sáng tạo từ không gian chung
Nhóm bạn trẻ tập trung vào màn hình máy tính, phân tích ánh sáng, góc máy của những tấm hình vừa chụp từ khu vực Nhà hát Thành phố, Phố đi bộ Nguyễn Huệ kéo qua công viên Bến Bạch Đằng, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga bến tàu thủy Bạch Đằng - Saigon Waterbus…
Trương Ngọc Minh (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết: “Đóng tiền để tổ chức những chuyến đi chụp ảnh xa cũng hay, nhưng trong nhóm đa phần là mấy bạn sinh viên hoặc mới ra trường, chuyện kinh phí cũng phải tính toán lắm. Thay vì đi xa thì mình chọn những điểm trong thành phố thôi, chỗ quen mà mình có được góc máy mới thì mới hay. Khu vực trung tâm thành phố bây giờ cũng nhiều góc máy hấp dẫn lắm, nhất là từ phía công viên Bến Bạch Đằng có những góc chụp đẹp như cảnh ở nước ngoài”.
Từ những không gian công cộng, mở ra điểm hẹn để người trẻ giải trí, dạo phố và kết nối cùng nhau nhiều hơn. Đạp xe qua những khu vực sinh hoạt công cộng trong thành phố, Nguyễn Thị Minh Thy (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) chia sẻ: “Trước đây, cuối tuần tôi thường đi xem phim vì bạn bè ai cũng ngại ra đường khói bụi, nắng nôi, không có nhiều điểm đi. Nhưng hơn 3 tháng nay, cuối tuần cả nhóm duy trì đạp xe qua các điểm ở trung tâm thành phố, dừng lại chụp hình, bạn nào học mỹ thuật còn đem theo đồ nghề để ký họa nhanh thành phố lúc sáng sớm. Những không gian công cộng này cũng là cách để cả nhóm tự thử thách mình, tìm góc mới để chụp hình, để vẽ”.
Chia sẻ bài viết về kế hoạch đạp và trực họa cho tuần sau trong nhóm “Kết nối bạn trẻ yêu thành phố” trên mạng xã hội, Minh Thy kể tiếp: “Từ những nhóm này, tụi mình kết nối và hẹn hò với nhau ở những điểm công cộng. Ai biết cái gì hay thì chia sẻ với mọi người, có những điểm bãi giữ xe khá xa hoặc khó tìm, các bạn có kinh nghiệm viết bài hướng dẫn liền. Hoặc một số khu vực vẫn còn hàng rong và chưa có nhiều cây xanh, các bạn cũng chỉ nhau cách canh góc chụp để tránh hàng rong và nhắc mấy bạn trực họa mang theo dù để đỡ nắng”.
Khung trời sáng tạo của thế hệ gen Z, đôi khi bắt đầu từ những không gian công cộng, nhưng điều này đòi hỏi người trẻ dám chấp nhận những khác biệt, thậm chí là lời chê sau một tiết mục hát, hay một bức ký họa. Chính từ những tương tác gần này giúp người trẻ có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển bản thân hơn là buộc mình trong khuôn khổ các cuộc thi để tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân.
Không gian văn hóa công cộng mở ra điểm đến đáp ứng nhu cầu nội tại và khách du lịch. Tuy nhiên, trong hành trình dài, bạn trẻ mong muốn tìm kiếm cho mình những bệ phóng từ không gian cộng đồng, cần phải có sáng tạo nghệ thuật nhiều hơn để phù hợp với không gian chung và thị hiếu khán giả…