Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng hàng đầu trong nhóm nguyên nhân tử vong do ung thư ở nữ giới trên toàn thế giới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ, có 6 nhóm người dễ mắc ung thư vú hơn bình thường:
1. Sau 50 tuổi
Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi tác. Hầu hết các bệnh ung thư vú được chẩn đoán sau tuổi 50.
2. Đột biến gen
Phụ nữ có đột biến ở một số gen nhất định, chẳng hạn như BRCA1 và BRCA2, có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng cao hơn.
3. Tiền sử mắc ung thư vú hoặc một số bệnh khác
Phụ nữ từng bị ung thư vú có nhiều khả năng bị ung thư vú lần thứ hai. Ngoài ra, người mắc một số vấn đề như tăng sản ống dẫn sữa không điển hình hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Ảnh minh họa: SMC.
4. Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của phụ nữ sẽ cao hơn nếu cô ấy có mẹ, chị gái hoặc con gái (họ hàng cấp 1) hoặc nhiều thành viên trong gia đình bên mẹ hoặc bên cha đã mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
5. Từng xạ trị ở vùng ngực
Những phụ nữ đã xạ trị ở vùng ngực (ví dụ, điều trị ung thư hạch Hodgkin) trước 30 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn sau này.
6. Tiếp xúc với thuốc diethylstilbestrol (DES)
DES đã được tiêm cho một số phụ nữ mang thai ở Mỹ từ năm 1940 đến năm 1971 để ngăn ngừa sẩy thai. Phụ nữ dùng DES có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Phụ nữ có mẹ dùng DES khi mang thai cũng có thể có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Trung tâm Ung thư Siteman gợi ý, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc ung thư vú bằng những cách đơn giản sau:
1. Kiểm soát cân nặng
Duy trì cân nặng hợp lý là điều quan trọng đối với mọi người. Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau, bao gồm cả ung thư vú, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
2. Tập thể dục
Phụ nữ tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn. Tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những cách tốt nhất để giúp kiểm soát cân nặng.
3. Ăn nhiều trái cây và rau củ, hạn chế uống rượu
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Cố gắng ăn nhiều trái cây và rau củ, đồng thời hạn chế uống rượu. Ngay cả mức độ uống rượu thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
4. Không hút thuốc
Ngoài nhiều rủi ro sức khỏe khác, hút thuốc gây ra ít nhất 15 loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư vú. Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt.
5. Tránh dùng thuốc tránh thai, đặc biệt là sau 35 tuổi hoặc nếu bạn hút thuốc
Thuốc tránh thai có cả rủi ro và lợi ích. Phụ nữ càng trẻ thì rủi ro càng thấp. Khi phụ nữ dùng thuốc tránh thai, đặc biệt là trên 35 tuổi, họ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với người khác. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ biến mất nhanh chóng sau khi ngừng uống thuốc.
6. Tránh điều trị bằng hormone trong thời kỳ mãn kinh
Liệu pháp hormone trong thời kỳ mãn kinh không nên được thực hiện lâu dài để ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Các nghiên cứu cho thấy tác động hỗn hợp của nó đối với sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh khác.
Cho dù estrogen được sử dụng riêng lẻ hay kết hợp với progestin, các hormone này đều làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu phụ nữ thực hiện liệu pháp hormone trong thời kỳ mãn kinh thì nên thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể.
7. Dùng thuốc Tamoxifen và Raloxifene cho nhóm phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao
Dùng thuốc tamoxifen và raloxifene có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú ở nhóm phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể có tác dụng phụ, không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú, nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc này hay không.
Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn
Nguồn video: THĐT