Ông Ba Kính kể về chuyện đặt tên con của mình
Bị phát hiện vì làm giấy 'miễn quân dịch'
Đến nay, sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng nhiều người lớn tuổi ở huyện Cần Đước (Long An) mỗi khi có dịp nhắc về chuyện ông Ba Kính có cách thể hiện tình cảm với cách mạng khá độc đáo khi đặt tên cho 8 đứa con là: Phong, Trào, Cách, Mạng, Giải, Phóng, Miền, Nam.
Chúng tôi đã về Cần Đước tìm hiểu câu chuyện nói trên. Người tạo ra câu chuyện 'lạ' năm nào giờ đã 88 tuổi. Cách đây vài năm, ông từng bị tai biến, phải ngồi xe lăn nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến câu chuyện đặt tên con năm xưa, ông Ba Kinh liền sôi nổi hẳn lên.
Ông kể, sinh ra trên quê hương có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ đã có cảm tình với cách mạng. Ông là con trai đầu trong gia đình, lớn lên lại lập gia đình sớm, nên không thể 'lên đường cứu nước' như bao người khác trong vùng. Sống trong vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, ông vẫn âm thầm ủng hộ cách mạng như đưa thư, cứu thương, tải đạn… Thế nhưng, với ông, bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Ngày vợ ông sinh đứa con trai đầu lòng, ông bỗng lóe lên ý tưởng sẽ đặt tên các con của mình lần lượt là Phong - Trào - Cách - Mạng - Giải - Phóng… như gởi trọn niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Lần lượt những cái tên đầy tính 'cách mạng' ấy được ông Ba Kính đặt cho con, được ghi trong giấy khai sinh do chính quyền Sài Gòn cấp hẳn hoi. Cho đến một ngày, bộ máy chính quyền xã Tân Lân tình cờ phát hiện trong lãnh địa của mình, chỉ cách trụ sở xã vài trăm mét, đang công khai tồn tại một chuyện 'động trời'. Bộ máy chính quyền xã Tân Lân và huyện Cần Đước xôn xao trước tin có một gia đình đặt tên con là 'Phong - Trào - Cách - Mạng - Giải - Phóng…'.
Đứa con trai tên Út (ông Ba Kính vẫn gọi là Nam) hàng ngày cận kề chăm sóc cha
Ông Ba Kính nhớ lại, lúc ấy đầu năm 1967, sau nhiều năm chạy tiền lo giấy miễn quân dịch, ông đã đến trụ sở xã Tân Lân để làm giấy miễn quân dịch vĩnh viễn cho người có từ 6 con trở lên theo qui định lúc ấy. Trước đó vài tuần, ông đã làm khai sinh cho đứa con thứ 6 mới chào đời tên là Phóng. Bộ máy ở xã tiếp nhận hồ sơ và xếp các giấy khai sinh theo thứ tự thời gian.
Bất ngờ, họ đọc lẩm bẩm 'Phong Trào Cách Mạng Giải Phóng…'. Những cái tên ấy cũng do chính quyền xã Tân Lân cấp khai sinh, nhưng khi nằm riêng lẻ đã không nói lên điều gì, khi xâu chuỗi lại trở thành việc hệ trọng bị cấm kỵ lúc ấy.
Ông Ba Kính ngay lập tức bị bắt giữ, còn bộ máy chính quyền xã thì tức tốc xuống huyện báo cáo vụ việc. Ông Kính đã bị xe jeep đưa thẳng về biệt giam ở 'chi khu' Cần Đước. Ông bị thẩm vấn, đánh đập, tra khảo... buộc phải khai thuộc tổ chức nào, do ai cầm đầu?... Trước sau ông Kính chỉ nói đại ý 'ông chỉ là người dân bình thường và đâu có luật nào cấm người dân đặt tên con theo ý thích'. Hồ sơ tù chính trị của ông đã được lập, con đường đến nhà lao Phú Quốc hoặc lưu đày Côn Đảo chờ đợi ông.
Vẫn 'Giải - Phóng - Miền - Nam'
Bà Chung Thị Gương, nguyên Bí thư chi bộ xã Tân Lân lúc ấy kể lại, tin ông Ba Kính bị bắt và sắp lưu đày đi Côn Đảo đã làm xôn xao cả huyện Cần Đước lúc bấy giờ. Dù không trực tiếp tham gia cách mạng, nhưng ông bị chính quyền Sài Gòn cầm tù do thái độ ủng hộ cách mạng; cấp trên đã phân công chi bộ xã tìm cách giải cứu ông Ba Kính.
Vậy là một người cùng xóm giàu có làm ăn ở Sài Gòn (ông Hồ Văn Ơn, cán bộ cách mạng họat động bí mật) đã tìm cách liên hệ và lo số tiền tương đương với 5 lượng vàng để mua tự do cho ông Ba Kính sau gần 1 tháng ông bị biệt giam.
Bộ máy chính quyền ở Cần Đước lúc đó đã gặp ông Kính ra điều kiện là ông chỉ được 'thoát tội' khi chấp nhận đổi tên đứa con thứ sáu là Nguyễn Văn Phóng thành Nguyễn Văn Hòa. Vậy là 'Giải Phóng' thành 'Giải Hòa' - Phong Trào Cách Mạng Giải Hòa. Thấy vẫn chưa ổn, chính quyền xã Tân Lân sau đó buộc ông Kính phải đổi tên khai sinh tất cả những đứa con còn lại.
Anh thương binh Nguyễn Văn Mạng- con trai ông Ba Kính- trở về cuộc sống đời thường
Ông Kính cho biết, vì hoàn cảnh mà phải chấp nhận đổi tên con, chứ thật lòng ông rất ấm ức, không ngủ được nhiều đêm. Nhưng dù phải chấp nhận đổi tên con trong giấy khai sinh, thì tên gọi thường ngày trước sau ông cũng chỉ gọi các con là Phong - Trào - Cách - Mạng - Giải - Phóng. Không chỉ vậy, đến đứa con thứ bảy và thứ tám, dù trong giấy khai sinh phải đặt những cái tên 'vô thưởng vô phạt' là Thêm và Út, vì chính quyền xã theo dõi sát việc ông đặt tên chứ không dễ dàng như 6 lần trước, thì ở nhà ông luôn gọi 2 đứa nhỏ là Miền và Nam. Thật tình cờ là đứa con út là Nam sinh ra chỉ ít tháng sau thì chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều người lớn tuổi ở địa phương cho biết, trước khi chính quyền xã Tân Lân phát hiện chuyện ông Ba Kính đặt tên con hướng về cách mạng, người dân đều biết chuyện này, nhưng không ai đi báo cáo với chính quyền để lãnh thưởng. Bà Chung Thị Gương nói: 'Chuyện đặt tên con hướng về cách mạng của ông Ba Kính có tác dụng rất tốt cho phong trào, góp phần giữ vững niềm tin trong nhân dân vào thắng lợi của cách mạng'.
Một lòng với cách mạng
Sau khi ra tù vì 'cái tội' đặt tên con hướng về cách mạng, ông Ba Kính vẫn âm thầm ủng hộ cách mạng. Ông chạy xe lam tuyến đường Cần Đước - Chợ Trạm, nên có điều kiện giúp các cơ sở bí mật của cách mạng trong việc thông tin liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu… Trong những năm 1967 - 1970 tuyến đường Cần Đước - Chợ Trạm thường xuyên bị đắp mô - cách để quân giải phóng hạn chế việc đi lại của quân đội Sài Gòn. Cứ sau 1 đêm là hàng loạt mô đất xuất hiện chắn ngang đường ở nhiều chỗ, giao thông trên Tỉnh lộ 50 bị tê liệt.
Để phục hồi giao thông, chính quyền xã Tân Lân và huyện Cần Đước phải gom dân đi phá mô. Một trong những người được 'chiếu cố' bắt đi phá mô thường xuyên là ông Ba Kính do 'thành tích' đặt tên con ủng hộ cách mạng của ông. Vậy nên ông vừa là người đi phá mô cũng chính là người đắp mô. Hàng đêm, ông cùng những người dân khác âm thầm chuyển đất lên lộ để đắp mô theo sự hướng dẫn của các chiến sĩ giải phóng.
Căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình ông Ba Kính
Vì hoàn cảnh gia đình, ông Ba Kính đã không trực tiếp cầm súng giải phóng quê hương. Các con ông lúc ấy cũng còn quá nhỏ (lớn nhất là Nguyễn Văn Phong - SN 1958) để có thể tham gia đánh giặc. Nhưng cả 4 đứa con trai lớn của ông Ba Kính là Phong, Trào, Mạng và Phóng (Cách và Giải là gái) đều lần lượt đi vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và tham gia quân tình nguyện giúp giải phóng nước bạn Campuchia.
Hai đứa con trai út là Thêm và Út (ông Kính vẫn gọi bằng tên Miền và Nam) khi lớn lên cũng tình nguyện đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng đã không được chấp thuận vì trước đó trong gia đình đã có 4 người tòng quân. Đến năm 1990 gia đình ông Ba Kính được UBND tỉnh Long An khen thưởng vì thành tích có nhiều người đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, những người con của ông Ba Kính đều trở về cuộc sống đời thường, trong đó Mạng là thương binh, cùng sống quây quần bên ông (bà Ba Kính đã mất cách đây vài năm). Họ sống bằng nhiều nghề, từ làm ruộng, dịch vụ nấu ăn, cho tới chăn nuôi, buôn bán… Nhưng dù nghèo hay khá, họ đều sống trong sạch, chính trực như chính cái tên của họ.
Một thế hệ tiếp sau thế hệ Phong - Trào - Cách - Mạng… đang lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, phát triển, thuận lợi hơn cha ông rất nhiều. Trong số mấy chục cháu nội, cháu ngoại của ông Ba Kính, có những cái tên không kém phần ý nghĩa so với tên của cha chú trước đây, như Trí, Minh, Tài, Phú…