30 năm đi cùng trẻ em
Đó là chặng hành trình mà Th.s Trần Minh Hải (SN 1971, quê Quảng Nam) đã và đang trải qua khi gắn cuộc sống của mình vào những đứa trẻ. Xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn làm nhiều hơn cho những đứa trẻ kém may mắn, yếu thế, 30 năm qua, Th.s Hải đã đi khắp mọi miền tổ quốc và 27 quốc gia trên thế giới để học hỏi, tìm tòi và thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Đặc biệt, Th.s Trần Minh Hải còn là Nhà sáng lập - Giám đốc điều hành Trung tâm Tương lai, một tổ chức hoạt động thiện nguyện vì trẻ em, thanh thiếu niên tại Việt Nam.
Nói về cơ duyên với những đứa trẻ, Th.s Hải cho biết sau khi vào TP.HCM học tập, thạc sĩ có cơ hội được học và làm cho các tổ chức xã hội phi Chính phủ. Trải qua 17 năm tích lũy kinh nghiệm, chuyên về điều phối, làm dự án để bảo vệ trẻ em, năm 2011, Th.s Trần Minh Hải cùng những người bạn đã thành lập Trung tâm Tương lai với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho trẻ em, nhất là việc chống xâm hại tình dục.
'Trẻ em ở đâu cũng có nguy cơ bị xâm hại tình dục nhưng nhiều trẻ lại không biết bản thân có bị xâm hại hay không. Trung tâm Tương lai được lập ra để giúp trẻ em, người lớn nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ bằng các buổi tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống…', Th.s Trần Minh Hải nói.
Sau 4 năm đầu tiên chạy dự án phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em tại 5 tỉnh miền Tây, nhận thấy sự cần thiết của công tác tuyên truyền bảo vệ trẻ khỏi việc bị xâm hại tình dục. Đồng thời sự đón nhận tích cực của trẻ em, phụ huynh và các cấp chính quyền địa phương khiến Th.s Hải và các cộng sự quyết tâm mở rộng phạm vi hoạt động. Tính đến nay, Trung tâm Tương lai đã đi được 30 tỉnh/thành trên cả nước, tiếp xúc hơn 10.000 em nhỏ, 4.000 phụ huynh, thầy cô… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn xâm hại tình dục.
Trẻ ngại nói chuyện tình dục, tâm sự với bố mẹ, thầy cô?
Theo Th.s Trần Minh Hải, việc vấn đề tâm sinh lý, giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi dậy thì là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề được cho là 'nhạy cảm' này rất khó để trẻ tìm thấy tiếng nói chung cùng với người lớn. Bởi chính bố mẹ, thầy cô vẫn còn e ngại mỗi khi nhắc đến chuyện tình dục.
'Đa số bố mẹ, thầy cô cũng muốn nói chuyện nhiều hơn với trẻ để giúp các em tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục nhưng lại không biết cách nào để chia sẻ. Đây là một trong những rào cản khiến những đứa trẻ ngại tâm sự chuyện thầm kín của bản thân', Th.s Trần Minh Hải chia sẻ.
Vấn đề tình dục, tâm sinh lý tuổi mới lớn qua cách trò chuyện, chia sẻ của Th.s Trần Minh Hải vô cùng hài hước, dễ dàng giúp trẻ tiếp nhận thông tin bổ ích
Theo Th.s Hải, trong quá trình Trung tâm Tương lai đi tuyên truyền, có rất nhiều câu hỏi được các em học sinh gửi đến về tâm sinh lý tuổi mới lớn mà bản thân các em chưa được người lớn giải thích. Mặc dù các thông tin trên mạng xã hội vô cùng nhiều, các em dễ dàng tiếp cận nhưng lại không rõ làm thế nào là đúng với thực tế của bản thân.
'Tôi phải tùy vào tình huống để phân tích cho trẻ hiểu, ở độ tuổi của các con, lựa chọn nào là phù hợp nhất. Tôi ước ở các trường học, giáo viên chủ nhiệm, phụ trách đội, cán bộ tư vấn tâm lý… có thể trở thành người tâm sự với trẻ để lắng nghe tụi nhỏ, giúp chúng hiểu đúng để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục. Cái thiếu ở các trường học là thiếu việc dạy về tâm lý xã hội cho trẻ, nhưng để làm được điều này vô cùng khó khăn', Th.s Trần Minh Hải chia sẻ.
Th.s Trần Minh Hải cho biết tình dục là nhu cầu cơ bản của con người, quan trọng là giải quyết nhu cầu ấy đúng hay sai mà thôi. Việc nhiều đối tượng thực hiện xâm hại tình dục trẻ là vì không thể nào làm chủ được hành vi, ham muốn của bản thân khi phát hiện có cơ hội thực hiện.
'Nhiều đối tượng xấu thực hiện việc xâm hại trẻ là do không có chỗ để giải quyết nhu cầu. Nên khi có cơ hội, tiếp xúc được với trẻ thì họ lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết và không có khả năng chống cự của trẻ để thực hiện hành vi đồi bại. Không chỉ đối với trẻ em nữ mà hiện nay, trẻ em nam cũng bị xâm hại rất nhiều', Th.s Trần Minh Hải nói.
'Để nói một người phụ nữ trưởng thành đi xâm hại trẻ em nam cũng có nhưng rất hiếm. Vậy trẻ em nam thường bị xâm hại từ những người bạn đồng tính với nhau, nhiều người ở độ tuổi trưởng thành, trung niên dụ dỗ các em để thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Để bảo vệ trẻ em nam cũng như nhận biết các bé bị xâm hại khó hơn dù tổn thương tâm lý của cả các em nam và nữ đều như nhau. Tuy nhiên về mặt thể chất lại khó phân biệt. Vì vậy mình cần phải làm truyền thông, cung cấp kiến thức, cách xử lý tình huống để các em tự bảo vệ mình', Th.s Trần Minh Hải chia sẻ.
Việc chia sẻ các cách phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em là điều vô cùng cần thiết trong trường học, khu dân cư
Hình thành tấm lưới chắn bảo vệ trẻ
Với kinh nghiệm 30 năm có cơ hội được làm việc, tiếp xúc với trẻ em đặc biệt là nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục, Th.s Trần Minh Hải cho biết ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc các khu trọ tập thể, đông dân nhập cư là môi trường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xâm hại trẻ.
Vì vậy, mỗi khi có dịp được tuyên truyền, tiếp xúc với trẻ, Th.s Hải đều mong muốn giúp các em hiểu và có thể áp dụng được bài học KBC trong việc bảo vệ bản thân.
'Đó là giúp trẻ nhận thức được KHÔNG nên quan hệ tình dục khi dưới 16 tuổi bởi rất dễ xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, nghỉ học. Nếu buộc phải quan hệ cần phải sử dụng BAO CAO SU để an toàn. Cuối cùng là phải CHUNG THỦY, chỉ nên quan hệ với một bạn duy nhất. Bởi ở độ tuổi học sinh, nhiều em rất tự hào khi quen được nhiều bạn trai, bạn gái, mình phải từng bước tiếp cận và giải thích cho trẻ hiểu làm thế nào là đúng, phù hợp với các em trong giai đoạn hiện tại. Mình cho trẻ một tấm lưới bảo vệ theo từng cấp độ khác nhau chứ không thể nào cứng nhắc, chỉ nói không, áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ', Th.s Trần Minh Hải tâm sự.
Chia sẻ về các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, Th.s Hải cho biết bản thân anh rất đau lòng khi tiếp xúc và lắng nghe các em. Những em bị xâm hại, ngoài tổn thương về mặt thể chất như nạo phá thai, sinh con…, tâm lý sợ hãi, ám ảnh luôn dai dẳng bên trong tâm hồn các em.
'Một số em bị xâm hại tình dục thì người nhà biết, hàng xóm biết, bạn bè trên trường học biết. Đôi khi chỉ cần một lời nói vô tư của bạn bè ở trường về việc em đó bị xâm hại cũng trở thành nhát dao xâu xé tâm hồn các em, khiến nhiều em không thể chịu đựng nổi mà trầm cảm, bỏ nhà đi, thậm chí tìm đến cái chết…
Việc giải quyết những tổn thương cho các bé là nạn nhân của việc xâm hại tình dục là vô cùng khó khăn, cần thời gian dài để trị liệu về mặt tâm lý. Vậy nên việc ngăn ngừa rất quan trọng, đừng bao giờ nghĩ xâm hại tình dục chỉ xảy ra trên ti vi, báo đài. Tốt nhất là phải tuyên truyền cho trẻ tự bảo vệ chứ để xảy ra rồi thì giải quyết nó là câu chuyện rất gian nan', Th.s Trần Minh Hải chia sẻ.
Kỹ năng giỏi không đủ, cần phải có tấm lòng thực tâm
Trải qua gần một nửa đời người để đi gặp gỡ, tiếp xúc với trẻ em, Th.s Trần Minh Hải cho biết dù đôi lúc tâm lý của bản thân có khi lên khi xuống nhưng được làm việc với trẻ em khiến Th.s Hải vô cùng thoải mái.
'Khi mà việc làm của tôi mang lại sự thay đổi, giúp những đứa trẻ tốt hơn nó khiến tôi hạnh phúc. Suốt 30 năm qua tôi cảm thấy không phải làm việc một ngày nào cả, vì gặp gỡ, tiếp xúc với trẻ em nó như là cuộc sống của tôi rồi', Th.s Trần Minh Hải vui vẻ nói.
Để có thể tiếp xúc, làm việc được với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em lang thang đường phố, trẻ từng bị xâm hại tình dục, Th.s Trần Minh Hải cho biết dù có ăn nói giỏi thế nào, kỹ năng tốt đến đâu nhưng không có lòng yêu trẻ thì rất khó để làm việc.
'Tôi cảm thấy dù cho trẻ có tổn thương cỡ nào, chỉ cần mình có tâm lòng, yêu mến thật sự các em là con đường đến các em gần nhất. Chứ việc ăn nói giỏi, sự màu mè không giải quyết được vấn đề. Bản thân tôi thấy thật sự hạnh phúc khi được làm việc, nói chuyện với trẻ. Mình phải cho tụi nhỏ hiểu và cảm nhận mình có sự yêu mến, đồng cảm thật sự, mình không thể nói chuyện với trẻ chỉ dựa vào kỹ năng mà không có sự chân thành được. Làm việc với trẻ em nhìn tưởng dễ nhưng không hề dễ chút nào', Th.s Trần Minh Hải tâm sự.
Theo Th.s Trần Minh Hải, dù hiện nay hệ thống bảo vệ trẻ em của nước ta đã được phủ rộng và có chiều sau nhưng việc thay đổi cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ ở các cấp cơ sở liên tục chính là rào cản trong việc lắng nghe, bảo vệ trẻ.
Với mong muốn giúp đỡ trẻ em trong việc phòng chống xâm hại tình dục, Th.s Trần Minh Hải và các cộng sự hi vọng sẽ ngày một thực hiện được nhiều hơn các buổi tập huấn cho những người quan tâm đến trẻ và truyền thông nhân rộng cho các em. Ngoài vấn đề nhân sự, kinh phí để tổ chức các chuyến đi tuyên truyền ở các tỉnh/thành, vùng sâu vùng xa cũng là bài toán mà Trung tâm Tương lai đang gặp phải.
Th.s Trần Minh Hải mong muốn ngày càng có nhiều tổ chức bảo vệ, hỗ trợ và chia sẻ những kiến thức để giúp trẻ em ngăn ngừa được vấn nạn bị xâm hại tình dục
'Tôi mong trong 5 năm tới, Trung tâm Tương lai sẽ đi hết 63 tỉnh/thành để tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục. Chúng tôi đã có đủ kiến thức, kinh nghiệm nhưng nguồn lực về tài chính, nhân sự vẫn là bài toán khó cần sự chung tay của mọi người', Th.s Trần Minh Hải chia sẻ.
Trung tâm Tương lai là tổ chức Khoa học và Công nghệ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ra quyết định thành lập tháng 7/2011 và đã đăng ký hoạt động với Bộ Khoa học và Công nghệ vào tháng 8/2011.
Trước thực trạng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, Trung tâm Tương lai ra đời với mong muốn trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhất là nhóm có nguy cơ cao.
Sau hơn 10 năm hoạt động, những buổi truyền thông online và offline do Trung tâm Tương lai thực hiện đã góp phần việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn nhức nhối này.
'Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize' do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize