Người ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt”. Thế nhưng, ngữ pháp tiếng Việt đôi khi cũng phải “chào thua” từ ngữ gen Z bởi sức sáng tạo vô cực của các bạn trẻ. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn giải mã “khum” là gì cũng như tìm hiểu về nguồn gốc, sự phổ biến cũng như nên sử dụng từ “khum’ khi nào hợp lý.
“Khum” là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, “khum” là động từ chỉ hành động uốn cong vồng lên hoặc là lõm xuống, ví dụ như: khum tay nhận lấy tách trà hay khum người cúi xuống nhặt lấy cái thảm… Ngoài ra “khum” cũng có thể là tính từ dùng để diễn tả một vật gì đó có hình dạng uốn cong hoặc lõm xuống giống hình mu rùa (mai rùa).
Còn theo ngôn ngữ gen Z, “khum” chỉ đơn giản là cách nói vui của từ “không”. Gen Z cho rằng, thay vì dùng từ “không” như truyền thống, sử dụng “khum” tạo cảm giác gần gũi, đáng yêu hơn.
Ví dụ:
- Ê đi chơi khum?
- Khum. Nay đi học về mà muốn chằm Zn luôn rồi!
- Ủa sao vậy? Hay là bị say nắng rồi?
- Khum biết nữa. Ngủ đây.
...
Khum là gì nhỉ? - Ảnh: Internet
Ý nghĩa của “khum” trên Facebook
Từ “khum” trên Facebook cũng có nghĩa là 'không'. Nó được cộng đồng mạng, đặc biệt là thế hệ gen Z sử dụng rất nhiều trong việc từ chối một ai đó, hay một điều gì đó.
Chẳng hạn như khi bạn muốn từ chối làm điều gì đó, thay vì nói: Tôi không muốn, thì bạn có thể comment: Tôi khum muốn. Hay khi một ai đó tỏ tình với bạn: Yêu anh không? Bạn có thể mạnh dạn bày tỏ: KHUM!
Ở thời điểm hoàng kim, từ “khum” xuất hiện dày đặc trên các bài đăng, bình luận ở mạng xã hội Facebook. Cứ lướt vài status là lại thấy dân tình nô nức viết “khum khum” khắp mọi nơi.
Thực tế, dù đang giao tiếp trực tiếp hay trên thế giới ảo, việc từ chối một ai đó hay điều gì đó có thể rất khó khăn. Và với những người nhiệt tình, không muốn mất lòng người khác, thay vì nói không, họ dùng từ “khum” để nghe đáng yêu, nhẹ nhàng hơn.
Nguồn gốc và sự phổ biến của từ “khum”
Dù là một từ ngữ hot trend suốt một khoảng thời gian dài, nhưng cho đến nay vẫn không ai biết người nào đã nghĩ ra từ “khum”. Chỉ biết rằng, “khum” được phát triển và sử dụng mạnh mẽ từ một nhóm bạn là quản trị viên của Fanpage “Đài Tiếng Nói Gen Z” (nơi chuyên chia sẻ những câu chuyện chân thật hằng ngày, hài hước của các bạn trẻ khoảng 20 tuổi đổ lại) sử dụng lần đầu tiên.
Fanpage “Đài Tiếng Nói Gen Z” chính là nơi đã phát triển lan tỏa từ 'khum' - Ảnh: Internet
Trang Fanpage này đã thường xuyên sử dụng từ “khum” trong các bài đăng, bình luận làm cho từ này phủ sóng rộng rãi. Cộng đồng mạng sau đó cũng nhanh chóng bắt trend để có thể “theo kịp thời đại”.
Thật ra trước khi “khum” xuất hiện, bản thân từ “không” cũng đã là từ vựng biến hóa nhất trong ngôn ngữ teen. Vào khoảng những năm 2000, khi điện thoại 12 số dần phổ biến ở Việt Nam, các bạn trẻ thường xuyên trò chuyện qua tin nhắn SMS. Vì giới hạn ký tự nhắn tin, “không” đã được viết tắt thành “ko”, “k”, “o”, hoặc “hok”,…
Sau đó, “không” khoác lên mình một lớp áo mới: hông, hôn, hơm, hem… Thật ra, từ “hông” vốn là cách nói phổ biến của người dân Nam Bộ. Nhiều người thấy “hông” nghe dễ thương nên lập tức bỏ túi và sử dụng như một dạng biến thể của từ “không”.
Cách dùng từ “khum” đúng chuẩn gen Z
Ngày nay, từ “khum” được giới trẻ dùng rộng rãi, phổ biến trên các trang mạng xã hội, điển hình là Facebook, Instagram… Nghe thì có vẻ đáng yêu, thế nhưng do “khum” là ngôn ngữ gen Z nên không phải với bất kỳ đối tượng nào cũng có thể sử dụng.
Trước hết, trong phạm vi mạng xã hội “khum” có thể được dùng trong trường hợp với người thân, bạn bè cùng trang lứa… Khi từ “không” quá thẳng thừng tạo cảm giác không thoải mái cho người khác thì dùng “khum” sẽ giúp bầu không khí trở nên dễ chịu hơn.
Trong giao tiếp hàng ngày, “khum” chỉ nên dùng một cách vui vẻ với bạn bè. Không dùng từ “khum” ở những môi trường cần sự nghiêm túc, trạng trọng như nơi làm việc, viết mail, nói chuyện với cấp trên.
Cuối cùng, dù bạn thuộc gen Z cũng không nên quá lạm dụng từ “khum” bởi cái gì nhiều quá đều sẽ không tốt. Khi sử dụng từ “khum” quá nhiều có thể sẽ làm mất đi ý nghĩa cũng như sự trong sáng của tiếng Việt.
Từ “khùm” và từ “khum” mang ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?
Cũng là ngôn ngữ giới trẻ, “khum” và “khùm” tương đối giống nhau về mặt hình thức nên nhiều người nghĩa rằng “khùm” là cách viết sai chính tả của từ “khum”, và hai từ này đều là cách nói lái của từ “không”.
Thế nhưng, thực tế “khùm” và “khum” là cách nói lái của hai từ khác nhau. Trong khi “khum” có nghĩa là “không” thì từ “khùm” lại mang ý nghĩa là “khùng”. Đây cũng là một cách nói lái đáng yêu mà giới trẻ đã sáng tạo ra dùng để “mắng yêu” đối với những người bạn bè thân thiết.
'Khum' và 'khùm' có ý nghĩa khác nhau - Ảnh: Internet
Hơn thế, từ “khùm” cũng vốn không phải là ngôn ngữ của gen Z, bởi nó đã có mặt cách đây hơn chục năm. Thế nhưng, cùng với sự xuất hiện của “khum”, từ “khùm” bỗng hot trở lại trong các series từ lóng của gen Z.
Dưới đây là ví dụ về đoạn trò hội thoại vui nhộn về cách dùng từ “khùm” của giới trẻ:
A: Tối nào tao cũng thức 2 giờ sáng để học bài hết ó.
B: Khùm hả mày? Thức đến giờ đó còn tỉnh táo đâu mà học.
Tóm lại “khum” chính là cách nói đáng yêu, hài hước của các bạn trẻ dùng để từ chối, phủ định mệnh đề, lời mời hay dùng cho câu hỏi thay cho từ “không”. Tuy nhiên, đây là ngôn ngữ gen Z và không phải ai cũng hiểu 'khum' là gì. Vậy nên, tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng từ ngữ này với bạn bè trong lúc vui đùa thôi nhé!
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.