Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Nguyễn Thanh Luân (Hà Tĩnh)
1. Gia đình tôi, một gia đình bần nông của mảnh đất Hà Tĩnh nắng gió và mưa bão. Khi mùa vụ đã xong, cha theo mấy chủ thầu đi xây mương làm đường để góp tiền lo học phí, còn mẹ chạy chợ đầu tắt mặt tối nuôi mấy anh em tôi từng miếng ăn giấc ngủ.
Những tưởng 5 người con, 4 trai - 1 gái khi lớn lên sẽ đỡ đần được phần nào cho cha mẹ, nhưng đầu đã bạc mẹ tôi vẫn 'bám chợ' để lo trang trải cho cuộc sống hàng ngày, cha sửa xe đạp nơi xóm vắng. Còn 5 anh em tôi, mỗi người nghèo mỗi kiểu!
Trong kí ức của tôi, cha là người vừa chăm làm, vừa là người nói 'hơi nhiều' nên những bữa cơm 'không lành cũng chẳng ngọt' làm cho gia đình tôi không mấy mặn mà với nhau, dần dần càng xa cách nhau.
Mẹ trốn những trận cãi nhau với cha bằng cách đi chợ tới quá trưa hoặc tối mịt mới về khiến cho anh em chúng tôi bơ vơ, học hành được chăng hay chớ. Là đứa con gái duy nhất trong nhà, tôi như kiểu lạc lõng một mình một thế giới!
Sau này càng lớn càng xảy ra nhiều chuyện nên tôi ôm ước mơ của mình đi xây ở một nơi khác, xa lắc…
2. Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng có những nổi niềm dấu kín khi nhắc đến gia đình mình. Tôi không là ngoại lệ, đã có thời gian dài tôi như trốn chạy khỏi gia đình tôi vì xấu hổ, hay vì lý do vô hình nào tôi không rõ. Nhưng nó vừa vặn ở chữ 'tổn thương' nên tôi quyết định đi càng xa càng tốt.
Cha đang già đi và tìm hiệu thuốc 'nương tựa' khi con cái ở xa…
Cũng vì dịch bệnh mà mấy năm gần đây tôi không về nhà vào dịp Tết như những năm trước. Tôi cũng không gọi về nhà vì vốn dĩ từ nhỏ cứ hay lũi thủi một mình đã quen. Có đôi lúc thèm lắm chứ, một bữa cơm canh cà của quê có cha có mẹ, có anh có em… mà không sơn hào hải vị nào sánh được!
3. Giữa một chiều tháng 5 nắng gay gắt, tôi nhận được cuộc gọi của cha '3 tháng nay mắt cha không nhìn thấy gì con ạ, con về đưa cha đi khám với, cha già rồi không biết nhờ vào ai cả'. Vẻn vẹn có chừng ấy câu mà nước mắt tôi rơi lúc nào không hay. Tôi sợ cái chữ 'già' kia cướp mất cha của tôi khi đang mải lo cơm áo gạo tiền nên đã bắt chuyến xe sớm nhất để về nhà sau cuộc gọi đó.
Ngay sáng hôm sau tôi đưa cha lên bệnh viện khám và quyết định mổ mắt luôn trong ngày. Trước lúc vào phòng mổ cha nói 'Cha thấy sợ vì có người mổ về thì thấy đường, có người mổ về thì mù luôn nhưng có con về cha vui lắm', nghe giọng quê của cha mà tôi thấy lòng bình yên như có một lớp nhung phủ lên tâm hồn tôi vậy!
Ngồi trên chiếc Honda tôi chở cha về nhà sau 2 ngày ở viện, cứ văng vẳng câu nói 'Con đã cho cha đôi mắt rồi, con ơi!'. Không gì ngăn được bước chân tôi về nhà phải không?!
Nỗi buồn trong đời dù ghê gớm đến mấy nhưng cả cha và tôi đã cùng chôn dấu 'Tôi mang cho cha đôi mắt, cha đem dòng nước mát tưới tắm lên tâm hồn tôi, cả 2 cha con cùng đi về nhà' - nơi có giàn mướp ngọt đương hoa, cây khế trĩu quả, con mèo nằm ngủ quên bên vũng nước đọng lại sau cơn mưa và bữa cơm chiều mẹ đang chờ - bình yên!
Tiệm sửa xe đạp nơi xóm vắng của cha, mắt sáng rồi ta lại tiếp tục thôi…
>> Xem thêm: Cuộc thi Về nhà thôi thêm quà khủng: Hỗ trợ 20 triệu tiền vé máy bay cho gia đình vi vu nghỉ dưỡng
XEM CHI TIẾT THỂ LỆ CUỘC THI TẠI ĐÂY.