Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của bạn Nguyễn Chung Tú (Tiền Giang).
Từ sông
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Cha vốn là bộ đội. Năm 1980 cha phục viên, gia tài là chiếc balo và mấy trăm ngàn. Muốn tự lập nên cha mang tiền, xách balo lên Mỹ Tho học nghề hớt tóc. Mẹ là cô gái chèo đò ngang. Một lần về quê cha gặp mẹ rồi đem lòng yêu, và nhờ người đến hỏi cưới, nhưng ông ngoại không đồng ý.
Không phải cha có điều gì không tốt, mà vì cha vốn con nhà nghèo, nhà ngoại cũng nghèo. Ngoại thương mẹ nên mong mẹ gặp chỗ khá giả cho đỡ tấm thân. Nhưng chắc do duyên nợ, cha kiên trì chờ đợi. Cuối cùng thấy được thành ý của cha nên ngoại cũng thuận lòng.
Cha mở tiệm hớt tóc, mẹ thôi chèo đò, thành “thợ đụng”. Nội, ngoại đều nghèo lại đông con nên không giúp được gì nhiều, cha mẹ phải tự lo lấy. Trước kia nhà tôi ở mé sông, cạnh bến đò. Nói là nhà chứ thật tình chỉ có cái sân là đất, còn lại trên sông hết, cột nhà bằng thân mấy cây vẹt, tre cắm xuống nước.
Tôi rất sợ những đêm tối trời. Trong khoảng lờ mờ ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ hình ảnh ngôi nhà sàn ốm yếu nhiều lần cứ run rẩy từng hồi như sắp sụp xuống khi bị xà lan chạy đêm đâm vào. Ngây thơ tôi hỏi mẹ: “Sao mình không ở phố như dì?”
Bỏ sông ra phố
Khi tôi lên 10, nhà bị giải tỏa, được hỗ trợ 3 triệu. Cùng năm đó mẹ sinh em trai. Nhà dì ở phố, không rộng. Thương cháu, dì nhường hẳn một phòng. Cha tiếp tục nghề hớt tóc trước hiên nhà. Sau nhiều năm dành dụm, cha cũng mua được một chỗ ở, nhưng khá ngột ngạt. Cha mẹ cùng an ủi: “Mình ráng chịu thêm một thời gian”. Mười lăm năm ở phố thật chẳng như mơ!
Ước mơ thành hiện thực
Nhờ người giới thiệu, gia đình mua được một mảnh đất nhỏ ở vườn. Hàng xóm vô cùng thân thiện. Qua bàn tay khéo léo cùng bao sức lực và cả niềm phấn khởi dồn vào, cha tôi - một người thợ cắt tóc - đã xây lên một ngôi nhà ấm áp, vững chãi. Thiên đường mới xây của chúng tôi là nhà cấp 4 có diện tích hơn 120m2 với 1 phòng khách, phía sau là 3 phòng ngủ liền kề, bếp và một nhà vệ sinh thật rộng.
Ở phòng khách, ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc được đặt ở vị trí trang trọng nhất, tầng thứ 2 là ảnh bác Giáp. Trong góc là chiếc balo, kỉ vật gắn liền với cha như máu thịt. Vào mỗi cuối tháng, không gian trang trọng này trở thành phòng họp Hội Cựu chiến binh của xã.
Khuôn viên vườn tuy nhỏ, nhưng mẹ khéo trồng đầy hoa, rau củ, các loại cây ăn quả như xoài, cóc, đu đủ, dâu tằm. Sân nhà có mái che, khá thoáng, dùng tắm nắng sáng hay hóng mát rất tiện. Đặc biệt hơn, vách tường bằng xi măng giữa nhà tôi với vườn nhà bên cạnh được cha tôi thiết kế lại thành nơi lưu giữ nhiều tranh ảnh kỹ niệm thời quân ngũ.
Cha thường bảo: “Cùng vào sinh ra tử, sống chết có nhau, cha xem các bác ấy như anh em ruột thịt của mình”. Tôi thích ngồi ở sân để ngắm tranh, cảnh và nghe tiếng lũ chim ríu rít trên ngọn xoài.
Để phù hợp sinh hoạt cho người khuyết tật như anh em tôi, cha đã chủ tâm xây riêng một dốc thoai thoải cạnh bậc tam cấp chỗ đường lên nhà và nhà vệ sinh. Cha bảo: “Làm cho rộng rãi để thuận tiện cho các con di chuyển, sinh hoạt cá nhân.”
Bố mẹ và tôi
Tôi yêu vô cùng cái không gian thân quen ấy, lại càng trân trọng hơn khi mọi ngóc ngách trong ngôi nhà đều được tạo nên từ chính những giọt mồ hôi mặn chát suốt một đời của mẹ cha. Dù nhà tôi không uy nghi bề thế như những ngôi nhà khác, nhưng đối với tôi đó là nơi thân thuộc và đáng quý nhất, nơi tổ ấm hạnh phúc, đầy ắp tình yêu thương.
Từng có một câu nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc. Dù đi xa bao nhiêu, đi lâu thế nào, chỉ cần có một nơi gọi là "Nhà" để nhớ về, lòng sẽ thấy bình yên.”