Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Huỳnh Ngọc Huy Tùng (Hậu Giang).
“Con sẽ về với má hôm nay
Cánh đồng quê thơm mùi rơm rạ
Mùa xa xăm làm con nhớ quá
Bến nhà ta hun hút khói lam chiều.”
(Đi qua miền nhớ - thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng)
Con sẽ về với ngày xưa bên má, để hít hà mùi hương của đất, của quê, mùi bịn rịn nhớ nhung của những người con xa nơi chôn nhau cắt rốn, luôn khao khát một mái ấm tình thân; trong tâm tưởng có cả mùi ngòn ngọt của lúa chín, mùi khói đốt đồng làm sống mũi cay cay và mùi thơm tinh khiết, khô nồng của những giọt mồ hôi mà ba, má cõng trên lưng vạt rừng tràm cháy nắng.
Con lại về thắp cho nội, ba nén nhang báo tin đoàn tụ cùng gia đình và tạ lỗi với quê hương, rồi nhìn thấy tóc mái bay rợp trắng mây chiều, như thuở còn thơ con hay úp mặt vào vai má để nghe tiếng thỏ thẻ của quê hương, kể cuộc đời má lắm nỗi nhọc nhằn.
Má khổ nhất nhà! Khổ từ lúc má về làm dâu út nhà nội. Gia đình ba có chín anh chị em, các cô, các bác ra ở riêng hết má phải chăm lo bà nội già yếu, bệnh tật và các con.
Ba kể thời đó nhà mình nghèo lắm, khó khăn khốn khổ trăm bề. Má lo đủ mọi chuyện trên đời nào là tiền học hành của các chị, tiền thuốc men cho nội nay ốm mai đau. Nhưng má luôn cố gắng giành lấy vất vả, lặng lẽ âm thầm nhận hết thiệt thòi về mình dù chưa bao giờ có được miếng ăn ngon, một tấm áo đẹp. Má có mang nhưng vẫn quần quật thức khuya dậy sớm buôn bán và soạn giáo án để lên lớp mỗi ngày; bóng má bé nhỏ, vẹo xiêu trên khắp nẻo đường. Má là hình ảnh người phụ nữ giàu đức hy sinh, đảm đang, chịu thương, chịu khó.
Một ngày tháng Bảy mưa tầm tã, ba chở má đến trạm xá sinh con, đi được nửa chừng con bị đẻ rớt trên chiếc xuồng be chín. Ba dừng lại nhà người quen để má con mình tránh mưa. Ba má đưa con về nhà, nội mừng lắm vì có người nối dõi tông đường. Bà bảo ba làm con gà xé phay cúng tổ tiên phù hộ con mau lớn khỏe mạnh. Cả nhà mình luôn đầy ắp tiếng cười rộn ràng hạnh phúc, còn má lại lo con sinh ra ốm yếu, gầy gò.
Lên sáu tuổi con bệnh sốt xuất huyết nặng, ba vất vả cõng con trên lưng lầm lũi chạy trên quãng đường gần 7 cây số để đến bệnh viện. Tỉnh dậy sau cơn mê con thấy má cuối đầu xuống giường chỗ con nằm nhưng vẫn nắm chặt tay con. Con mở mắt gọi: “Má!.. Má ơi ! Con đói quá”.
Má ngẩng người lên mừng rỡ lấy tay sờ vào trán con, dường như mắt của má đang ngấn nước, có lẽ má khóc vì quá đỗi vui sướng khi con đã qua cơn nguy hiểm, rồi nghẹn ngào bên tai: “Tưởng suốt đời không còn nhìn thấy mặt con nữa, con trai! Cảm ơn bác sĩ đã cứu sống con. Khi xuất viện về nhà má nấu mâm cơm cúng trả lễ ông bà đã phù hộ con tai qua nạn khỏi. Con còn yếu nằm yên đó để má đi lấy cháo cho ăn”.
Má ơi! Tự bao giờ trong lòng con má chiếm một vị trí quan trọng không có gì thay thế được. Tuổi nhỏ con nào đâu thấu hiểu hết vị đắng cuộc đời, bao nhọc nhằn gian khó má đã vất vả hy sinh cho gia đình mình. Đời má không một ngày gọi là hạnh phúc!
Thời gian vẫn thế trôi qua, trưa ngày hè trời nắng như đổ lửa nội đã bỏ ba má, chúng con ra đi mãi mãi. Nhà mình tuy nghèo nhưng má vẫn xoay xở tiền xây mồ yên mả đẹp cho nội đàng hoàng. Bấy giờ chị em con ai nấy đều lên cấp III nên má suốt ngày bươn chải ngược xuôi nhiều hơn.
Con nhớ một lần về xin tiền đóng tiền nhà trọ, gặp con ở chợ má vừa mừng, vừa lo tại mấy bữa nay má buôn bán ế ẩm. Má đút vào quần con một cọc tiền bảo lấy xài đỡ, đợi mấy bữa nữa có lương má ra cho thêm. Con cầm xấp tiền lẻ 200, 500,… trên tay mà lòng nghẹn đau, đó là những đồng tiền má buôn bán sáng nay. Cứ nghĩ đến là nước mắt con rưng rưng.
Nhưng má ơi con sẽ chẳng bao giờ khóc nữa bởi ba từng dạy: “Đàn ông con trai là trụ cột gia đình, dù có khổ sở cách mấy phải gắng sức vượt qua, nhất định không đầu hàng nghịch cảnh”. Và từ đó con đã nguyện với lòng mình sẽ học thật giỏi để không phụ lòng má hôm sớm tảo tần.
Khi con là sinh viên năm nhất đang tung tăng như chú chim non đủ lông cánh thỏa sức bay nhảy trong môi trường mới. Con đâu biết ở nhà ba bệnh nặng, má phải dãi nắng dầm mưa chạy vạy kiếm tiền lo thuốc men cho ba, lại còn chật vật chu cấp cho con và chị đang học đại học.
Rồi một tối ba nhập viện cấp cứu, con hay tin như đứt từng đoạn ruột. Mãi đến tận hai giờ sáng ba mới tỉnh sau cơn mê, nắm tay má đặt lên bàn tay các con, nghẹn không thành lời: “Bà ơi!... Tôi biết mình chắc qua không nổi, thôi bà gắng sống lo cho các con ăn học nghe bà!”.
Má chỉ khóc, mắt ba nhắm lịm lại chìm vào giấc ngủ sâu. Má như con thú bị thương gào thét, vật vã rồi ngất đi. Các chị em gái con kêu gào thảm thiết: “Ba ơi đừng bỏ tụi con, mai mốt tụi con sống thế nào khi không có ba”. “Ông trời ơi! Trả ba lại cho chúng tôi”...
Con không nói gì hết chỉ biết dửng dưng đến nhói lòng. Ba đã bỏ chúng con đi thật thế sao? Ba không giữ lời. Ba từng hứa ngày con khôn lớn làm ra tiền, ba sẽ cùng con lại quán bà Tư Mập nhậu một bữa cho đã đời vào chiều cuối tuần.
Ba mất chẳng bao lâu con giấu má nghỉ học đi làm công nhân. Nhận được lương con gửi tiền về nhà, nói dối má là tiền học bổng, má lấy mà lo chị ba và út ăn học. Không lâu sau má sinh nghi đã đến tận chỗ con ở hỏi thăm thì mới hay con đã nghỉ học hơn hai tháng. Má tức giận tát con một cái vào mặt rồi liền mắng: “Mày là đồ bất hiếu. Mày còn là con của má nữa không? Sao mày dối má làm chuyện động trời vậy, mày muốn má tức chết luôn à! Mai mốt má đi đoàn tụ ông bà làm gì dám nhìn mặt ba mày. Con ơi là con…”.
Má vừa nói, vừa khóc mình mẩy run lên cầm cập, lâu lắm mới thấy má xúc động mạnh như thể ngày ba mất. Con nhìn má mà vô cùng hối hận: “Má ơi, tha lỗi cho con, con biết lỗi của mình rồi, từ nay về sau con sẽ nghe lời má”. Má lại ôm chặt con vào lòng như những ngày thơ ấu con khóc đòi kẹo. Má giống gà mẹ vuốt ve, vỗ về chú gà con.
Má dự lễ tốt nghiệp cao học của tôi
Tám năm rồi những ngày khó khăn nhà mình đã qua. Má ơi đừng bận tâm nữa, vì chúng con thật sự khôn lớn trưởng thành, biết yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Chị em con ai nấy đều có nghề nghiệp ổn định. Chị ba đã thành bác sĩ, út của má cũng tốt nghiệp đại học ra trường. Còn con đang nối nghề của ba, má dạy học ở Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Mỗi lần lên lớp, nhìn ánh mắt thân thương, nụ cười hồn nhiên của cô cậu học trò miền quê Tân Long nghèo khổ, con đã kể câu chuyện đời má lắm nỗi nhọc nhằn; má như cây đước vùng quê Cà Mau sừng sững vươn cao rắn rỏi, vững vàng dù trải qua bao giông bão cuộc đời.
Cảm ơn má đã truyền cho con sức mạnh phi thường, trái tim vị tha yêu thương học trò và lòng can đảm yêu nghề dạy học mà má đã bền bỉ gắn bó hơn ba mươi năm. Những ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ chúng con lại về bên má, gia đình mình lại sum vầy bên nhau trong tiếng cười rộn rã như những ngày thơ ấu chúng con quây quần canh nồi bánh tét đêm xuân.
Rồi đến Giao thừa, má thắp nhang gọi nội, ba về đoàn tụ cùng gia đình. Trên bàn thờ của nội và ba, má đã dọn cúng những món ngày xưa nội, ba yêu thích: canh chua bông so đũa nấu với cá kèo, cá lóc nướng trui và tôm sú hấp bia…
Má ơi con trai yêu má nhất trên đời. Má là mùa xuân của đời con! Hè này nhất định con sẽ về với má: “Đó là lời tâm tình rất thật, như lời tạ lỗi với quê hương của một đứa con xa quê vì cơm áo gạo tiền, vì “đeo công danh mà quên dáng hình của má”. Để rồi “Vùi yêu thương trong đống tro tàn”. Và đứa con ấy “mãi đi tìm miền nhớ lang thang”.
“…Con mãi đi tìm miền nhớ lang thang
Đêm cúi đầu trước cố hương rồi chực khóc
Cha nằm đây còn mẹ bao vết chân chim nơi khóe mắt
Miền ấu thơ ơi!... Hãy dung thứ để ta về.”
(Đi qua miền nhớ - thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng)”.