Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội Quý IV/2022, chiều 16/12, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về: công tác lát đá vỉa hè, việc lấn chiếm vỉa hè làm bãi đỗ xe, công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn Thành phố.
Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin tại buổi họp báo
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, Thành phố không quy định thời gian triển khai chỉnh trang vỉa hè vào dịp cuối năm mà phụ thuộc vào kế hoạch, tiến độ triển khai dự án do UBND cấp quận, huyện, thị xã quy định. Theo đó, dự án phải được triển khai theo đúng trình tự, quy định.
Thành phố cũng ban hành nhiều văn bản, gửi đến các quận, huyện, thị xã về việc cải tạo, chỉnh trang hè phố. Trong đó, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp đồng bộ đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị…
Trong năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố. Qua đó, đã phát hiện nhiều tồn tại, do đó, đã gửi đề xuất để các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ.
Theo phản ánh của báo chí về tình trạng vỉa hè một số tuyến phố: Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân); Trần Phú (quận Hà Đông)…, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đây là những tuyến phố Thành phố đầu tư từ giai đoạn 2016-2017. Ở mỗi giai đoạn, Thanh tra Thành phố đã có kết luận và chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế. Vì vậy, Thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khắc phục tồn tại; chỉ đạo xử lý, kiểm điểm tổ chức cá nhân liên quan…
Về giá vật liệu nói chung và đá vỉa hè nói riêng, được thực hiện theo thông tư của Bộ Xây dựng và tuân thủ theo chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam.
Riêng về việc vỉa hè phố Huỳnh Thúc Kháng, hình thành nơi trông giữ ô tô làm hư hỏng và giảm tuổi thọ vỉa hè, qua theo dõi, việc quản lý của quận, huyện còn nhiều bất cập, chưa kịp thời. Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo địa phương thực hiện kiến nghị của Sở về tăng cường quản lý sử dụng vỉa hè sau đầu tư, đảm bảo sử dụng đúng công năng thiết kế; xử lý các phương tiện dừng, đỗ không đúng quy định; tăng cường công tác bảo hành, bảo trì…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo
Thông tin thêm về nội dung này, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết: Trong hôm nay (16/12), UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4236/UBND-ĐT, về chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế đã được phê duyệt; Rà soát tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng hè phố, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trong tháng 12/2022, nếu vi phạm cần chấm dứt ngay.
Đồng thời, phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong quá trình thi công, cải tạo, quản lý vỉa hè. Giao Sở Xây dựng Hà Nội quản lý nghiêm các công trình xây dựng làm hỏng kết cấu hè phố... UBND các quận huyện, thị xã, các chủ đầu tư kịp thời duy tu, sửa chữa công trình đảm bảo mỹ quan đô thị, tăng cường bảo hành, bảo trì...
Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát kỹ các nguyên nhân tình trạng đá vỉa hè bị bong nứt, vỡ... Tham mưu đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo UBND TP, trong quý I/2023, để xem xét chỉ đạo.
Trước đó, theo khảo sát của PV, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều dự án lát đá vỉa hè do UBND các quận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên sau khi vỉa hè được chỉnh trang, lát đá thì diễn ra nghịch lý, vỉa hè không dành cho người đi bộ mà được cấp phép cho các đơn vị kinh doanh trông giữ ô tô.
Một điểm rông giữ xe ô tô lấn chiếm toàn bộ phần vỉa hè phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
Vỉa hè phố Đào Tấn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đoạn giáp công viên Thủ Lệ, hướng đi Khách sạn Daewoo thời gian qua được Sở GTVT cho phép tổ chức trông giữ xe ô tô. Sau một thời gian thực hiện, theo phản ánh của người dân, xuất hiện tình trạng vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp, mà nguyên nhân xuất phát từ tình trạng trông giữ phương tiện sai diện tích được cấp phép.
Thay vì tổ chức trông giữ phương tiện theo đúng nội dung giấy phép được cấp, đơn vị được cấp phép đã ngang nhiên tổ chức trông giữ phương tiện ra sát vỉa hè, xen kẽ giữa các gốc cây, việc này dẫn đến tình trạng vỉa hè xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Vỉa hè vừa được lát mới tiếp tục được cho trông giữ ô tô
Được biết, mới đây UBND quận Ba Đình đã thực hiện chỉnh trang cải tạo, lát mới vỉa hè trên tuyến phố Đào Tấn, thế nhưng theo người dân, vỉa hè đầu tư tiền tỷ và đang trong quá trình thi công vẫn tiếp tục oằn mình, gồng gánh sức nặng của ô tô.
Một phần vỉa hè đang trong quá trình thực hiện lát mới bị Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nhận trông giữ sai quy định.
Tình trạng những vỉa hè được đầu tư hàng tỷ đồng oằn mình gồng gánh ô tô ở nhiều tuyến phố khác cũng không khó bắt gặp như: Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo...
Phố Lý Thường Kiệt, ô tô ngoài được trông giữ dưới lòng đường còn leo lên cả vỉa hè, đậu kín hai bên, có chiếc đỗ ngang, chiếc nằm dọc chắn hết lối đi, người dân muốn đi chỉ còn nước xuống lòng đường.
Xe được Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trông giữ đỗ ngang, dọc trên tuyến phố Lý Thường Kiệt chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ
Điểm trông giữ xe ô tô lấn chiếm toàn bộ phần vỉa hè phố Trần Bình Trọng
Tại phố Trần Bình Trọng, tình trạng trên còn tệ hơn, khi vỉa hè 'biến mất' bởi xe tình trạng trông giữa xe, liên tiếp các biển báo 'khu vực cấm để các loại phương tiện', 'yêu cầu không để ô tô, xe máy khu vực này'...nhưng ô tô vẫn nem chặt ních vỉa hè...