Mang thai giả hay còn gọi là thai tưởng tượng là tình trạng xảy ra ở những phụ nữ mong muốn, khao khát có con và tin rằng mình có thai. Những phụ nữ này có các triệu chứng và dấu hiệu của cơ thể giống như những phụ nữ mang thai thật: mất kinh, các triệu chứng ốm nghén, căng ngực, bụng to ra, rối loạn tiêu hóa, cảm giác thai máy…
Tình trạng này có khi rất giống thai thật khiến thầy thuốc cũng chẩn đoán nhầm nếu không khám kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định.
Chị Nguyễn Hữu B. (34 tuổi, ngụ tại Long Thành, Đồng Nai) đến khám bác sĩ trong tình trạng mệt mỏi, bệnh nhân béo phì, bụng to. Theo chị B. hai vợ chồng kết hôn được 5 năm nhưng chưa có con nên cũng đi chữa vài nơi và đã làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công. Hai năm gần đây dịch dã công việc bấp bênh, kinh tế không có lại thêm áp lực mang thai khiến chị luôn căng thẳng.
Mấy tháng trước, chị B. thấy mình chậm kinh, chị vui mừng và đã báo tin mình mang thai cho tất cả mọi người. Chị cũng ốm nghén, nôn ói, mệt mỏi. Cả nhà thấy chị có thai ai cũng mừng rồi lại tập trung tẩm bổ. Vì mong có con, chị B. “treo chân” tại nhà không đi làm chỉ đi lại quanh phòng, ăn uống tẩm bổ.
Chị cũng tăng cân phi mã, chồng chị giục đi khám thai thì chị ngại không đi. Chị cho rằng “con quý, con hiếm” không cần quá cầu kỳ và cứ như vậy bụng ngày càng to lên, cân ngày càng tăng.
Đến tháng thứ 5 của thai kỳ, chồng chị không thấy thai đạp. Cuối cùng họ mới tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho rằng chị B. không mang thai. Siêu âm không có hình ảnh túi thai. Thậm chí kinh nguyệt chậm do chị có tình trạng suy buồng trứng.
Bản thân chị B. và chồng đều sốc, không tin vào kết quả của bác sĩ. Họ lại đến TP.HCM kiểm tra thêm lần nữa. Bác sĩ tư vấn cho họ nên điều trị sức khỏe tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung khám cho ca bệnh.
TS BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ đa số chị em phụ nữ hiếm muộn họ bị áp lực rất lớn về chuyện mang thai nên đôi khi họ mang thai trong tưởng tượng. Trên y văn cũng ghi nhận nhiều trường hợp mang thai tưởng tượng. Ngay cả tại Việt Nam các bác sĩ cũng thường gặp các trường hợp này.
Nhiều nghiên cứu sức khỏe tâm thần cho rằng chính khao khát có con hoặc nỗi sợ mang thai đến đỉnh điểm là tác nhân gây ra sự ảo tưởng khiến cho người phụ nữ cho rằng mình đang có dấu hiệu mang thai. Chính yếu tố tâm lý - thần kinh ấy làm kích thích hệ nội tiết và gây ra các dấu hiệu mang thai giả.
TS Trung cho biết có những người phụ nữ thấy chậm kinh họ quả quyết mình mang thai. Khi khám bác sĩ nói không phải có thai, tăng cân do ăn nhiều và bụng to do tích mỡ thì họ phản ứng cho rằng bác sĩ chẩn đoán sai.
Bác sĩ Trung cũng từng gặp ca phụ nữ tin rằng mình có thai thậm chí họ nói từng đi khám ở chỗ khác người ta bảo có thai. Hoặc có chị em nghén ngẩm như mang thai thật, họ cảm nhận được cử động ở bụng. Nhưng thực tế, sự căng thẳng, lo âu quá mức làm kích thích tuyến yên, vùng hạ đồi và tuyến thượng thận bài biết ra hormone liên quan đến thai kỳ nó gây chướng bụng, táo bón, tăng nhu động ruột,... không khác gì cử động của thai nhi.
Thậm chí, có trường họp chị em thấy chậm kinh và thử thai, que thử lên hai vạch, một vạch mờ mờ và họ cho rằng mình có thai nhưng họ không đi khám bác sĩ, không cho ai động vào bụng mình. Thực tế, người phụ nữ đó biết rõ mình mang thai hay không nhưng họ vẫn bị tâm lý ám thị rằng đó là mang thai. Thử thai có thể do chất lượng của que không chính xác.
Mang thai tưởng tưởng thường gặp ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, đa phần là người đã có chồng và thậm chí xảy ra ở người đã từng có 1 lần sinh đẻ.
Thai tưởng tượng mặc dù không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà chỉ là hậu quả của tâm lý mong đợi con của nhiều chị em phụ nữ nhưng tình trạng này cần sự trợ giúp về tâm lý chứ không cần chữa trị như một bệnh lý sản khoa.