Sự vụ là lời cảnh tỉnh cho rất nhiều bạn trẻ trong việc bông đùa quá đà hoặc chế giễu người khác một cách vô duyên.
Mất mạng vì chế giễu vô duyên
Theo clip chia sẻ trên mạng, một thanh niên liên tục có lời lẽ chê bai, dè bỉu vợ bạn chỉ đẻ được '3 vịt trời', thậm chí còn 'bồi' thêm câu không biết đẻ thì nhờ giúp. Người đàn ông này bất ngờ bị bạn phang thẳng điếu cày vào gáy, nằm gục tại chỗ và có nguy cơ tử vong. Những tình huống 'ăn' cả điếu cày vào đầu vì những câu chuyện bông đùa vô duyên trong năm 2022 đã trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội.
Theo người quay clip, bối cảnh của vụ việc là ở một tỉnh phía Nam (với thời tiết nắng nóng), trong một quán café vườn. Thời điểm xảy ra vụ việc khoảng 16h16′ chiều 24/12, khi trong quán café có 3 người đàn ông đang 'nói xấu' nhau. Cụ thể, người đàn ông ngồi bên trái (màn hình camera giám sát) liên tục dè bỉu bạn (người đội mũ cối đang đứng hút thuốc lào) về vấn đề không đẻ được con trai, sau này không có đứa chống gậy.
Những lời chê bai không biết điểm dừng như: '3 đồng chí cái gì, 3 thị mẹt thì có. Thế này thì tiền kiếm được sau này con rể nói tiêu, nhà con rể nó ở… Không đẻ được thì gửi vợ sang đây, bảo tôi đẻ hộ cho… Đẻ thằng con trai sau này có đứa chống gậy…'. Mặc dù bị một người bạn khác (ngồi cùng bàn) can gián, nhưng người này liên tục chê bai bạn mà không lo nghĩ tới hậu quả.
Mất mạng vì giễu bạn (ảnh trái, chụp màn hình). Ảnh: Nam Phương
Thậm chí, khi người bị chế giễu đã tỏ rõ sự bực tức và to tiếng lại nhưng người đàn ông ngồi trên ghế vẫn không ngừng chê đẻ con gái và bàn về việc 'đẻ hộ'. Không nhịn được cơn tức giận, người đàn ông đội mũ cối sau khi hút xong điếu thuốc lào đã cầm chiếc điếu cày sẵn trên tay, đánh thẳng vào gáy người bạn kia khiến đối phương lập tức ngã gục xuống đất, nằm bất động.
Theo người chia sẻ clip, dù được đưa đi cấp cứu nhưng tính mạng người bị đánh khó qua khỏi.
Những câu đùa/hỏi thăm tai hại chúng ta cần tránh
Trong câu chuyện của clip, đề tài sinh con một bề hay chỉ đẻ con gái vốn không mới. Thanh niên ngày nay sống cũng rất thoải mái về vấn đề này. Đa phần họ có tư duy hiện đại và hiểu rằng, con nào cũng là con. Tuy nhiên, đâu đó với tư tưởng phải có người nối dõi, có con trai mới được ngồi mâm trên (khi họp họ)… khiến một bộ phận thanh niên vẫn bị ám ảnh.
Quay lại sự việc của clip, nhiều độc giả bình luận: 'Nếu không nói được lời tử tế thì có thể im lặng mà' hoặc 'Không đồng tình với đánh nhau, nhưng cách ông kia dè bỉu bạn như vậy thực sự không chấp nhận được'. Hoặc 'cũng là câu nói, sao cứ xoáy nhau làm gì'; 'đùa gì cũng được nhưng phải biết điểm dừng, biết điều gì nên tránh chứ'; 'Sự vô duyên được che đậy bằng những câu 'đùa ý mà', 'trêu vui thôi' nhưng đã làm tan vỡ bao gia đình. 'Không bênh nổi!' – một độc giả khác kết luận.
Vâng, chỉ còn tháng nữa là đến Tết âm lịch Quý Mão 2023, bên chén rượu đầu xuân thì những câu đùa chắc chắn sẽ xuất hiện. Nhưng đùa sao cho tế nhị, vui vẻ để người được true lẫn người bị true cảm thấy vui và không mất lòng ai mới là cách đùa trí tuệ. Những chủ đề nào nên nói, những chủ đề nào cần tránh chắc mỗi người cũng cần định rõ trong đầu của mình, tránh trường hợp 'miệng nhanh hơn não' thì thật nguy hại.
Chia sẻ thêm về chủ đề này, TS tâm lý Mai Văn Hải cho rằng, bên cạnh những câu bông đùa thì những chủ đề sau độc giả nên 'né' hỏi trong những ngày Tết, để chúng t cùng đón một cái Tết vui tươi, văn minh. Những chủ đề tế nhị ấy có thể kể ra như: Hỏi con trẻ về các chủ đề (tiền lì xì được nhiều hay ít, dùng tiền lì xì vào việc gì; bố mẹ cháu làm được nhiều tiền không, mua cho cháu nhiều quần áo/ đồ dùng mới không); Hoặc nhận xét về ngoại hình của phụ nữ và con nít (béo/gầy thế, lùn/da đen/mắt hí, mĩ tẹt thế; giống người nọ không giống người kia…); so sánh người nọ với người kia, so sánh trẻ con với nhau về học lực về ngoại hình…
'Sự quan tâm khác với sự tò mò, sự hỏi thăm khác với sự tọc mạch. Hỏi để quan tâm khác với hỏi để soi mói, hỏi để mà hỏi và chúc tụng nhau khác với hỏi để truy tìm thông tin và đưa chuyện… Những câu chuyện ngày Tết là vấn đề muôn thuở của văn hóa người Việt, trong mỗi dịp Tết đến xuân về thì chủ đề này còn được mở rộng ra nhiều câu chuyện thời sự 'khó đỡ' nữa. Hy vọng, những người trẻ thế hệ 4.0 hiện nay có tư duy hiện đại biết đùa chỗ nào, biết hỏi cái gì, biết thế nào là chúc Tết, thế nào là vui Tết thì hẳn sẽ chẳng có câu chuyện đau lòng, đánh nhau nào xảy ra trong mỗi dịp Xuân mới', TS Mai Văn Hải nhắn nhủ.