'Tại sao mùa hè lại nóng như vậy chứ?... Đối với những người như chúng tôi thì nó chẳng khác gì địa ngục'.
Đó là lời cảm thán của cụ ông Song Seong Gu, 79 tuổi, sống ở phường Donui, quận Jongno, Hàn Quốc khi ông phải trải qua mùa hè khắc nghiệt trong căn phòng chật hẹp không hề có cửa sổ với diện tích chỉ vừa đủ để ông ngã lưng nằm xuống. Những căn phòng như thế được gọi là Jjokbangchon, có diện tích dưới 10 mét vuông, không có cửa sổ và như một chiếc hộp nóng bức. Vào mùa hè năm ngoái ở Hàn Quốc, nắng nóng đỉnh điểm kéo dài 26 ngày khiến những người sống trong Jjokbangchon cảm thấy không khác gì địa ngục.
Được biết, ông Song mang trong mình căn bệnh viêm khớp nên việc đi đứng không hề thuận tiện chút nào. Mỗi khi trong phòng nóng quá, ông Song dù muốn tìm chỗ khác để tránh nóng nhưng lại gặp khó khăn bởi vấn đề đi lại của mình. Không chỉ có vậy, tình hình sức khỏe của cụ ông 79 tuổi ngày càng yếu. Ông từng phải nhập viện trong vòng 2 tháng vì căn bệnh ung thư máu. Thế nhưng, nỗi trăn trở lớn nhất của ông Song chính là làm thế nào để vượt qua mùa hè nóng bức này.
Mùa hè năm ngoái, các tình nguyện viên xã hội đã tìm đến quận Jongno và phát thức ăn cho người dân nơi đây như để tiếp thêm sức mạnh cho mọi người đối phó với đợt nắng nóng kéo dài. Khi đó, ông Song đã nhận được một phần gà hầm sâm, món ăn giải nhiệt kinh điển ở Hàn Quốc, và kim chi ngâm nước cho bữa trưa, ông cảm thán: 'Tôi đã phải sống quá lâu mới nhận được món ăn quý giá thế này'. Vì ảnh hưởng của bệnh tật nên tay ông Song bị run khiến nước canh vương vãi trên bàn.
Sở dĩ người ta chọn cung cấp canh kim chi cho người dân nơi đây là bởi họ nghĩ đến những bất tiện của người phải sống trong căn phòng nhỏ chật hẹp, khó khăn cho việc nấu nướng khiến không khí bên trong càng thêm nóng bức. Kim chi ngâm nước không cần phải đun sôi và có thể ăn nguội mà vẫn ngon lành.
Có khoảng 500 đến 700 người dân sống ở trong Jjokbangchon ở phường Donui nhận được trợ cấp từ chính phủ. Họ thường nhận được số tiền hỗ trợ trả tiền nhà là 240 nghìn won (khoảng 4,6 triệu đồng)/tháng cho căn phòng rộng vỏn vẹn 5 - 7 mét vuông. Đối với những người không có thu nhập, họ sẽ nhận được 740 nghìn won (khoảng 14,3 triệu đồng) mỗi tháng trong đó, 240 nghìn won là tiền nhà và 500 nghìn won (khoảng 9,6 triệu đồng) cho các khoản chi tiêu khác.
Người phụ nữ có tên là Shin Eun Kyung, 39 tuổi, sống ở dưới tầng hầm của một tòa nhà 3 tầng lầu tại phường Imun, quận Dongdaemun, đã được Quỹ Năng lượng Hàn Quốc hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy điều hòa vào tháng 5 năm ngoái. Shin là bà mẹ đơn thân sống với đứa con trai 4 tuổi bị tâm thần, đã chịu nhiều cực khổ trong suốt mùa hè năm 2018.
'Vào mùa hè năm ngoái, trời thì nóng và nhà tôi thì không có tủ lạnh. Đến mở miệng nói chuyện tôi còn không làm được nhưng năm nay tôi đã nhận được một chiếc điều hòa. Gần đây, tôi ngày nào tôi cũng bật điều hòa. Tôi lo hóa đơn tiền điện của tháng này sẽ tăng lên nhiều lắm' - Shin chia sẻ.
Ông Kim Dong Seok, 66 tuổi, sống trên tầng thượng của một tòa nhà cho thuê 3 tầng ở phường Hwigyeong, Dongdaemun, cũng được gắn điều hòa với sự giúp đỡ của Quỹ Năng lượng Hàn Quốc.
'Mùa hè năm kia, ban ngày thì nóng còn ban đêm lại nhiều muỗi khiến tôi không thể nào có được một giấc ngủ ngon. Năm nay, tôi đã được tặng một chiếc máy điều hòa khiến mọi thứ trở nên dễ chịu hơn và tôi tin mình sẽ có thể vượt qua mùa hè này' - ông Kim cho biết.
Quỹ Năng lượng Hàn Quốc tăng cường phúc lợi năng lượng bằng cách cải thiện môi trường sử dụng năng lượng, cung cấp các thiết bị điện như máy sưởi, máy điều hòa, ở các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nỗ lực của chính phủ là thế nhưng gánh nặng về chi phí vẫn đè lên vai người dân nghèo, nhất là những người sống trong Jjokbanchon.
Tình cảnh tương tự trong những căn nhà bán ngầm
Tương tự như trong bộ phim Ký sinh trùng, người xem có thể biết đến khái niệm nhà bán ngầm, trong tiếng Hàn là banjiha. Đó là những căn nhà chỉ có thể 'ngoi' lên mặt đất nửa phần trên, ngày đêm đều nóng bức, ẩm thấp và sợ nhất là mùa mưa khi nước dâng lên có thể gây ngập cả căn nhà. 'Họ sống trong nỗi lo sợ rằng nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, họ sẽ bị lòng đất nuốt chửng hoàn toàn' - đạo diễn Ký sinh trùng, Bong Joon Ho, từng nói.
Những người trẻ tìm đến nhà bán ngầm với ước mơ một ngày nào đó, họ sẽ thoát khỏi cảnh nghèo trong khi bộ phận còn lại nơi đây là người già và người thất nghiệp đã từ bỏ mọi hy vọng vào sự dịch chuyển xã hội. Họ chỉ kiếm vừa đủ tiền để sinh hoạt cùng nỗi lo sợ rơi vào cảnh vô gia cư.
Phường Hayeon là một khu ổ chuột nằm trên sườn đồi được vây quanh bởi những tòa nhà 2-3 tầng giống hệt nhau. Nhà bán ngầm ở đây thường có giá dao động từ 250 USD đến 420 USD (5,8 triệu đồng - 9,7 triệu đồng).
Đây là nơi sinh sống của ông Kim Ssang Seok. Ánh mặt trời chỉ chiếu vào nhà ông chỉ trong khoảng nửa tiếng/ngày. Ông Kim tranh thủ thời gian ấy để hong khô quần áo và tất trong nhà vì sợ phơi bên ngoài sẽ bị trộm đi mất. Trong ngôi nhà này, ông thường xuyên phải diệt gián và chấp nhận chung sống với mùi hôi thối bốc ra từ cống của phòng vệ sinh và phòng giặt. Ông Kim đã sống ở đây được 20 năm.
'Cuối cùng rồi bạn sẽ phải ở đây nếu như không có chỗ nào khác để đi' - ông Kim, hiện đang làm nghề tài xế lái taxi, nói.
Dù vậy, ông Kim cho biết ông cũng 'rất biết ơn vì trên đầu vẫn có một mái che và sàn nhà ấm để nghỉ ngơi'. Ông sợ rằng trong tương lai, thành phố này sẽ dẹp hết các khu ổ chuột để dành đất xây các tòa nhà cao tầng. Nếu điều đó xảy ra, ông Kim cho biết ông vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu.
Ở Seoul, độ giàu có của một gia đình được đo lường bằng độ cao mà họ sống, Kim Nam Sik, một nhân viên bất động sản ở quận Seongbuk, khu vực xa hoa của Seoul, cho biết. 'Chung cư càng cao, căn hộ nằm ở tầng càng cao thì càng đắt đỏ'.
Đối với ông Kim, ông cảm thấy ngôi nhà bán ngầm của mình đã tốt hơn rất nhiều người. Trong khi những người khác chỉ có thể thuê nhà bán ngầm thì ông đã mua đứt nó từ 20 năm trước sau khi bán căn nhà ở một khu phố tốt hơn và chi trả tiền chi phí điều trị bệnh ung thư của người vợ quá cố.
Ông Kim cho biết mỗi lần đến ngày họp lớp, ông đều không dám tiết lộ nơi mình đang sống vì không muốn bị người khác thương hại. Nỗi lo lớn nhất của ông là một ngày nào đó, ông sẽ bị yêu cầu rời đi và buộc phải chuyển đến sống ở những căn phòng hộp diêm hay căn nhà chật hẹp jjokbangchon. Thường những người ở đó sống chỉ để chờ đợi cái chết trong cô độc.
Ông Kim từng nhìn thấy hàng xóm rời đi trong nước mắt khi họ buộc phải từ bỏ căn nhà bán ngầm của mình. Hiện tại, ông đang cố gắng để không nghĩ về tương lai ấy vì nếu có nghĩ, ông cũng không thể tìm ra giải pháp.
'Bạn sẽ ngã bệnh nếu như cứ ghen tỵ với người khác. Thay vào đó, tôi cố gắng suy nghĩ tích cực hơn và biết ơn với những gì mình đang có trong tay' - ông Kim chia sẻ.
(Nguồn: SeoulLand, NY Times)