Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh là nơi làm việc gắn bó với ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê lâu nhất Việt Nam nhiều năm qua. Ảnh: Kim Vân
Chiều 9/4, tôi cùng người bạn đến Bưu điện Thành phố (quận 1, TP.HCM) với mong muốn gặp ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam. Kiếm tìm mãi không thấy ông ở chỗ ngồi quen thuộc, người bảo vệ ở cổng bưu điện cho tôi hay, ông Ngộ đã nghỉ việc ở đây.
'Quá nhiều người đến đây hỏi ổng, tôi muốn 'phát điên' luôn. Ngày nào cũng có người hỏi thăm ổng. Nhiều người đi nước ngoài trở về, họ chưa biết ổng nghỉ, họ cứ đến hỏi để dịch thư từ, giấy tờ, rồi cả những người quý mến ổng quay lại... Nhưng mà ổng mệt, sức đuối, già rồi nên phải nghỉ.
Ổng hiền lắm, trước đây ngày nào tôi cũng nói chuyện, hỏi thăm ổng xem hôm nay khỏe không, viết được nhiều hay ít. Khi ổng nghỉ, tôi buồn và hụt hẫng vô cùng', chị Lê Thị Thu Thủy, 55 tuổi, nhân viên tạp vụ của bưu điện kể.
Cũng theo chị Thủy, nhắc đến ông Ngộ, nhân viên bưu điện ai cũng thể hiện sự ngưỡng mộ, kính trọng vì ông tuổi cao vẫn miệt mài làm việc, là chứng nhân của những lá thư tay trong thời kỳ công nghệ đang lấn át. Ông cũng được coi là một phần linh hồn của Sài Gòn.
Hàng ghế bên phải - chỗ ông Ngộ trước đây vẫn ngồi, kể từ tháng 11/2020 đã vắng bóng ông. Ảnh: Kim Vân
Hơn 70 năm gắn bó với bưu điện
Đến đầu đường Phan Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh hỏi thăm nhà cụ Ngộ - người viết thư thuê ở Bưu điện Thành phố, ai nấy đều nhiệt tình chỉ bảo tôi con hẻm dẫn vào nhà ông. Họ dẫn tôi đến tận cửa nhà: 'Đấy, nhà cụ đấy, em vào đi'.
Ông Ngộ ngồi trong phòng khách, dáng nhỏ thó, ông gày hơn hồi đi làm nhiều. Ông cho biết, ông chính thức xin nghỉ làm tại Bưu điện Thành phố từ tháng 11/2020. Ngay trước đó, ông bị tai nạn xe đạp ở đầu hẻm gần nhà nên 3 tuần phải vào ra bệnh viện. Tuổi cao sức yếu, mắt dần trở nên mờ đục, tai trái lại bị điếc nên các con khuyên ông nghỉ việc.
Ông Ngộ gầy và sức khỏe yếu đi nhiều so với hồi còn đi làm ở bưu điện. Ảnh: Kim Vân
'Mắt tôi dần mờ đi, không còn đọc được các biển quảng cáo trên đường nên tôi đành phải nghỉ việc trên bưu điện. Thật sự tôi rất buồn bởi cả cuộc đời tôi gắn bó với nó. Tôi nhớ hồi tôi đi làm có không biết bao nhiêu người xin chụp ảnh. Tôi làm việc ở đó mọi người biết hết, ai cũng yêu quý', ông Ngộ bùi ngùi nhớ lại.
Ông Ngộ năm nay 91 tuổi và đã làm việc ở bưu điện 74 năm. Ông từng học trường Petrus Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong). Năm 17 tuổi, ông bắt đầu làm việc tại Bưu điện Thị Nghè và từng giữ chức Chánh sự bộ (thư ký) bưu điện vào năm ông 18 tuổi. Năm 36 tuổi, ông được Bưu điện Thành phố cho đi học tiếng Anh và Pháp để phục vụ công việc. Năm 1990, ông nghỉ hưu và do thông thạo tiếng Anh và Pháp, ông được lãnh đạo bưu điện cho làm công việc dịch và viết thư thuê tại bưu điện.
Mỗi ngày, 7 giờ sáng, ông lóc cóc đạp xe đến chỗ làm. 16 giờ chiều ông lại đạp xe ra về. Thứ Bảy, Chủ nhật ông nghỉ.
Bức ảnh ông Ngộ đạp xe từ nhà đến bưu điện từng được một người đi đường chụp. Ảnh: NVCC
Ngoài truyền tải lại nội dung các bức thư của khách từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, ông Ngộ luôn giữ hình ảnh đẹp là ông già hiền lành, cầm chiếc kính lúp tra từ điển, rồi nhiệt tình hướng dẫn, kể những câu chuyện về Sài Gòn xưa và nay cho khách khi đến thăm bưu điện.
Cũng từ lúc làm công việc này, ông Ngộ thành người nổi tiếng, không chỉ ở bưu điện, mà còn được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Nhiều phóng viên ở các nước: Đức, Pháp, Nhật Bản… đã viết bài về ông.
30 năm làm nghề dịch và viết thư thuê, ông Ngộ bảo quy tắc của ông là 'giữ bí mật và quên hết những gì đã viết' bởi lẽ người nhờ ông đã tin tưởng, giao tâm tư, tình cảm cho ông. Ông tôn trọng họ. Ông cũng chỉ nhận phí từ 10.000 - 30.000/lần chứ không lấy hơn. Ông Ngộ không coi công việc này chỉ để kiếm sống, ông làm nó vì yêu nghề và muốn quảng bá cho đất nước.
'Khách hàng tôi trọng tất cả như nhau. Có những người lạ lắm, lâu lâu họ ghé thăm tôi và ôm chầm như người thân. Nhiều người làm tôi bất ngờ, có cô ở trên Hàng Xanh cách đây vài tháng qua tận nhà tặng tôi bức thêu chữ Thọ', vừa nói ông vừa chỉ cho tôi bức tranh thêu được treo ở giữa phòng khách.
Ông Ngộ hồi còn khỏe mạnh, làm công việc viết thư thuê ở bưu điện. Ảnh: NVCC
20 triệu đồng từ giải thưởng KOVA là số tiền lớn nhất có được
Chị Dương Xuân Diễm, con gái cả của ông Ngộ cho biết, ba má chị có 6 người con (4 gái, 2 trai). Má chị Diễm bị bệnh thận giai đoạn cuối nằm liệt giường, một em gái chị bị tâm thần. Chị Diễm không lập gia đình, hàng ngày chị lo ăn uống cho ba. Không muốn phiền con gái, dù mắt đã dần mờ đục nhưng ông Ngô tự tắm rửa, giặt giũ.
Chị Diễm tự hào chỉ cho tôi coi từng chiếc ảnh treo trên tường nhà phòng khách. Đó là tấm ảnh và bưu thiếp của một khách người Pháp gửi lời cảm ơn ông Ngộ đã là cầu nối se duyên cho hai vợ chồng họ, bức ảnh nghệ sĩ Hoài Linh chụp cùng ba chị ở Bưu điện Thành phố, Giấy chứng nhận Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam, giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp... Ba chị cũng như các thành viên gia đình chị coi đó là những báu vật, là niềm vui và tự hào lớn.
Những kỷ vật được ông Ngộ và người nhà coi như báu vật, treo trân trọng ở giữa nhà. Ảnh: Kim Vân
Khi nói về giải thưởng KOVA, ông Ngộ cho biết, ông bất ngờ vì mình được nhận giải thưởng này vào năm 2016. Ông rất vui vì cảm thấy mình có ích và lan tỏa được giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời ông sở hữu được số tiền lớn nhất lên đến 20 triệu đồng. Số tiền đó các con ông đã gửi tiết kiệm cho ông, mỗi tháng ông được lĩnh hơn 80.000 đồng tiền lãi.
Tiếc vì không có người nối nghiệp
Kể từ khi ở nhà, ông Ngộ cho biết ông rất buồn và hụt hẫng bởi cả cuộc đời ông gắn bó với bưu điện. Ông nhớ rất rõ từng góc, ngõ ngách, chiếc ghế hàng ngày ông ngồi.
Ông Ngộ bảo mong ước lớn nhất của ông hiện giờ là có sức khỏe và sớm được đi tham quan tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Bữa trước, con gái ông chở ông qua hầm Thủ Thiêm coi, ông rất ấn tượng với đường hầm sông Sài Gòn cùng 'tiếng kêu cứ ù ù'.
Bức ảnh ông Ngộ chụp cùng với nghệ sĩ Hoài Linh được gia đình giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Kim Vân
Khi được hỏi về người nối nghiệp viết thư tay, ông Ngộ giọng trầm buồn cho hay: 'Rất tiếc cô ạ. Tôi không có người nối nghiệp. Trước cũng có nhiều người đến học, già có, trẻ cũng có, nhưng họ ham tiền quá, khách hỏi là mặc cả giá tiền luôn. Làm nghề này phải có tâm, không được nghĩ đến tiền. Mình giúp khách, họ trả 5.000 hay 10.000 đồng, không trả cũng không sao'.
Cũng theo ông Ngộ, tiền kiếm được từ việc viết thư tay thuê, ông thường xuyên cho những người bán vé số ở khu vực bưu điện.
Các con của ông Ngộ kinh tế không dư dả nhiều nhưng rất có hiếu. Trong ảnh, ông Ngộ cùng chị Diễm - con gái cả. Ảnh: Kim Vân
'Ba tôi thương họ vất vả nên hầu như ngày nào cũng cho tiền họ chứ không lấy vé số. Thế nên họ rất quý ba tôi. Sau khi ba tôi nghỉ làm ở bưu điện, nhiều bữa cô Giang (người bán vé số) mua gạo rồi thuê xe chở đến cho ba tôi bởi lo ba tôi ở nhà không có gạo ăn', chị Diễm kể.
Hơn 70 năm gắn bó với bưu điện, tròn 30 năm làm nghề viết thư thuê, ông Ngộ không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu lá thư tay, kết nối được bao nhiêu người Việt Nam tới những đất nước xa xôi.
Hai chiếc xe đạp đã từng gắn bó với ông Ngộ hằng ngày đến chỗ làm việc nay đã được bọc và khóa lại, không sử dụng đến. Ảnh: Kim Vân
Nay đã ở ngưỡng cửa 'gần đất xa trời', tay chân ông Ngộ đã run, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ trở nên mờ đục nhưng kỷ niệm về những năm tháng gắn bó với bưu điện cùng những con người nơi đây vẫn còn trong trí nhớ của ông.
'Tháng trước, tôi nhớ bưu điện và công việc quá, tôi lén con ra đường bắt xe buýt lên thăm bưu điện. Mắt tôi giờ chỉ nhìn thấy bóng thôi nhưng tôi vẫn đi được đến nơi. Đi xe buýt tôi không mất tiền. Đến gặp mọi người tôi vui lắm', ông Ngộ kể lại.