* Lời kể của chị Ngọc, 34 tuổi ở Hà Nội
Chào các bạn, mấy tháng trước chồng tôi đã mua xe đạp để đi làm với mong muốn cải thiện sức khỏe, giảm cân và tiết kiệm thời gian. Nhà tôi cách cơ quan chồng khoảng 8 km, và để tới cơ quan đúng giờ thì chồng tôi dậy lúc 6h hàng ngày sao cho 7h15 kịp xuất phát. Và đây là những trái ngọt mà chúng tôi thu hoạch được sau gần 2 tháng miệt mài đạp xe đi làm hàng ngày bất kể thời tiết nắng mưa:
Mỗi ngày chồng tôi đi làm bằng xe đạp với quãng đường khoảng 16 km (2 chiều)
1. Giảm vòng bụng, nâng cao sức khỏe
Trước kia chồng tôi toàn thắt lưng ở nấc thứ nhất, còn nay đã dùng nấc thứ 3
Chồng tôi làm việc văn phòng, thời gian ngồi chiếm phần lớn trong ngày. Trước kia, khi còn sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển chính thì phải 7h chồng tôi mới dậy, và rời nhà lúc 7h30, đến cơ quan là xấp xỉ 8h. Từ đó chồng tôi ngồi gần như liên tục cho đến tận khi xách balo về nhà vào lúc 16h30. Do vậy, bụng chồng tôi to như bụng tôi khi mang thai 6 tháng, còn chân thì nhỏ - trông rất mất cân đối.
Bụng chồng tôi to như bụng tôi khi mang thai tháng thứ 6. Theo các bạn thì bụng nào là của tôi, còn bụng nào là của chồng tôi?
Sau gần 2 tháng đạp xe, kết quả rõ rệt nhất là bụng chồng tôi đã giảm được 2 mắt thắt lưng, tương đương khoảng 4 cm. Chồng tôi cho biết thực sự cảm thấy thoải mái hơn khi mặc quần áo, thậm chí quần bây giờ còn bị tụt vì rộng bụng. Nhà không có cân nên tôi không biết chồng mình đã giảm được lạng nào hay chưa, nhưng thiết nghĩ vòng bụng bé đi 4 cm thì ắt hẳn cân nặng cũng thay đổi theo chiều hướng tốt.
Từ nấc thứ 1 đến nấc thứ 3 là khoảng 4 cm. Các dấu hằn trên thắt lưng cho thấy rõ quá trình thu nhỏ của vòng bụng.
Một trong số những nguyên nhân thúc đẩy chồng tôi phải ép mình chuyển sang đi làm bằng xe đạp là các chỉ số xét nghiệm chức năng gan, mỡ máu, gout có vấn đề, cụ thể là cao hơn mức trung bình từ vài lần đến gần chục lần.
Kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu hồi tháng 5/2022
Sau khi đạp xe được 1 tháng (và kết hợp cả uống thuốc mỡ máu, thuốc bổ gan) chồng tôi có đi khám lại và gần như tất cả các chỉ số đã về mức bình thường. Sau khi dừng thuốc 3 tháng tôi sẽ lại yêu cầu chồng mình đi kiểm tra một lần nữa để xem tình hình biến chuyển ra sao.
Kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu hôm 01/7/2022
2. Điều hòa huyết áp
Tháng 9/2021 khi đi tiêm vắc xin covid-19 chồng tôi mới phát hiện ra mình bị cao huyết áp. Lúc cô y tá cho chồng tôi thấy huyết áp đo được là hơn 140/90 nên phải ngồi chờ, chưa được tiêm ngay thì chồng tôi không tin và cho rằng máy đo huyết áp có vấn đề bởi trước đó chồng tôi thấy chẳng có biểu hiện bệnh lý nào cả. Thế nhưng khi về nhà kiểm tra lại bằng cả máy đo huyết áp cơ lẫn điện tử đều cho ra những con số đáng báo động thì chồng tôi biết rằng đã chớm bị huyết áp cao dù tuổi vẫn còn trẻ.
Dạo gần đây khi kiểm tra huyết áp bằng máy điện tử tại nhà, tôi thấy chỉ số huyết áp của chồng đã được hạ thấp đáng kể và loanh quanh ở mức 12x/8x – mặc dù chồng tôi không sử dụng thuốc hạ huyết áp.
3. Cải thiện hệ tiêu hóa và đường ruột
Kể từ khi chọn xe đạp làm phương tiện đi làm, chồng tôi đã thay đổi thói quen ăn uống. 'Ngày xưa' chồng tôi ăn ở nhà rồi leo lên xe máy đi làm thì sau khi đến cơ quan không lâu rất hay bị đau bụng và phải ghé WC thường xuyên. Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng thì tôi thấy các biểu hiện của chồng mình khá giống với hội chứng ruột kích thích (IBS).
Ấy vậy mà kể từ khi đi làm bằng xe đạp cho tới nay chồng tôi tự hào khoe là chưa hề 'đi nặng' một lần nào tại chỗ làm, và tình trạng đau bụng sau khi ăn sáng cũng không thấy quay trở lại. Tôi đoán một phần có thể là do thói quen ăn sáng nay đã khác: thay vì ăn ở nhà rồi đi làm thì bây giờ tôi chuẩn bị đồ ăn vào hộp để chồng đem tới cơ quan mới ăn, và trước khi ăn thì cơ thể đã phải tiêu tốn năng lượng để đạp xe nên khả năng hấp thụ sẽ khác.
Nói chung là vì hệ tiêu hóa có vẻ tốt lên nên chồng tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
4. Uống nước nhiều hơn
Chồng tôi có tiền sử bị cặn thận, lâu lâu chúng lại kết tụ thành một vài viên sỏi nhỏ, chạy lung tung và khiến cho chồng tôi bị đau đớn, khó chịu vô cùng. Từ nhiều năm nay, các bác sĩ đã khuyên chồng tôi nên uống nhiều nước để hạn chế khả năng tạo sỏi nhưng để luyện được thói quen uống nhiều nước cũng không dễ.
Bây giờ, nhờ đạp xe ra mồ hôi nhiều nên chồng tôi kể là cảm thấy khát nước hơn, và lượng nước tiêu thụ cũng nhờ vậy mà tăng lên một cách tự nhiên, không cưỡng ép. Nếu như trước kia mỗi ngày chồng tôi uống khoảng 1,8 lít nước thì giờ đây cần uống thêm một bình nước 0,75 lít (750 ml) gắn trên xe đạp nữa, khiến cho tổng lượng nước uống vào (chưa tính nước canh) là khoảng 2,5 lít.
5. Tiết kiệm thời gian hơn
Đi xe đạp chậm hơn xe máy mà lại bảo là tiết kiệm thời gian hơn ư? Nghe thì tưởng vô lý, nhưng thật ra lại rất hợp tình.
Từ khi đi làm bằng xe đạp, chồng tôi không còn la cà quán xá nữa
Chồng tôi đi xe máy mỗi chiều (đi/về) mất khoảng 20-25 phút tùy tình hình giao thông, còn với xe đạp thì dao động khoảng 35-40 phút. Thế nhưng, nhờ đi xe đạp mà chồng tôi không phải mất 1 tiếng đi bộ mỗi ngày nữa (gồm 30 phút buổi sáng sớm và 30 phút buổi tối). Bên cạnh đó, chồng tôi cũng bỏ luôn thói quen la cà quán xá sau giờ làm vì còn phải về nhà đổi xe máy đi đón con.
6. Dư dả hơn về tài chính
Không những giảm được tiền xăng nhờ chuyển sang đi xe đạp mà chồng tôi còn bớt được những khoản chi tiêu cho bia bọt sau giờ làm. Mỗi tuần nhậu đôi ba buổi, mỗi buổi một hai trăm nghìn đồng – nói cho cùng thì cũng khá tốn kém. Với lý do chính đáng là đường xa, lại còn phải về nhà lấy xe máy đi đón con thì chẳng ai có thể trách cứ khi chồng tôi từ chối lời rủ rê chè chén nữa. Nhờ thế mà chồng tôi đã để dành ra được chút ít và dùng số tiền đó để mua sách, mua bánh thêm cho con.
7. Đỡ nhức đầu, giảm căng thẳng
Mục này tôi xếp vào cuối cùng bởi hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác. Dù có phòng tập gym ngay dưới chân tòa nhà nhưng chồng tôi quyết không để mình bị sa chân vào đó – vừa tốn tiền mà chắc chắn là không hiệu quả bởi chồng tôi luôn lý luận rằng: nếu đã có ý muốn tập thì chẳng cần mất tiền cũng có thể tự tập tại nhà bằng những động tác miễn phí như hít đất, gập bụng hay plank; còn một khi đã lười thì dù có đóng tiền mua thẻ tập thì cũng chỉ được ba bữa là bỏ phí. Do đó, trước khi chuyển sang đi làm bằng xe đạp chồng tôi thường xuyên bị tôi nói vì cái tội đã thừa cân mà lại còn lười thể dục thể thao.
Do không ép được chồng luyện tập, tôi chuyển sang kiểm soát thói quen ăn uống: không cho ăn cái này, không được uống cái kia và luôn đem cái tương lai u ám khi 'chưa già mà đã bệnh tật' ra để chồng tôi biết mà sợ (nhưng cũng chẳng sợ đâu!!!). Thậm chí nhiều lúc đôi bên còn xảy ra to tiếng, quả thực là vô cùng nhức đầu nhức óc nhưng không nói không được ý chứ!
Từ khi chồng tôi đi làm bằng xe đạp thì tôi cũng ít nhắc đến những chuyện đó vì thấy thực sự thì chồng mình đã có cố gắng rồi. Nhờ vậy mà không khí gia đình cũng được giảm căng thẳng đáng kể, và mặc dù ăn uống vẫn còn phải giữ mồm giữ miệng nhưng bây giờ là chính tự chồng tôi cảm thấy cần như vậy – cho nên về tâm lý cũng thoải mái hơn nhiều.
Tổng kết
Trên đây là một số những điểm sáng mà chúng tôi đúc rút ra được sau thời gian khiêm tốn dùng xe đạp đi làm hàng ngày. Tôi biết có nhiều người đạp xe chăm chỉ hơn chồng tôi cả trăm lần, nhưng với những người còn băn khoăn chưa biết có nên sử dụng xe đạp để đi làm hay không, hoặc những bạn đang cảm thấy mất dần kiên nhẫn vì phải đạp xe hàng ngày thì tôi hi vọng họ sẽ tìm thấy được động lực để bắt đầu hoặc tiếp tục.
Dùng app ghi chép chi tiêu tiền xăng với xe đạp: 'Đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành' hay biểu hiện của lý trí?