Dẫu không chơi Tiktok nhưng anh Hoàng Huy, giảng viên trường Đại học FPT kêu gọi “anh em bạn bè gần xa tẩy chay ngay TikToker Nờ Ô Nô”.
Theo Hoàng Huy, Tiktok, Facebook, Instagram hay bất kỳ mạng xã hội nào cũng chỉ là phương tiện, sau tất cả, đó là cuộc sống. Và chúng ta luôn có quyền chọn sự tử tế trong lời nói, hành vi, ứng xử của mỗi người.
'TikToker Nờ Ô Nô mua cho bà cụ già tô phở mà lấy người ta ra để câu view, chọc cười. Thật đáng xấu hổ và không gì có thể bao biện được cho tư cách kém cỏi của một người tự nhận là làm nghề sáng tạo nội dung số”, anh Hoàng Huy bất bình nói.
Cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay Tiktoker Nờ Ô Nô
Anh Huy hy vọng rằng giới trẻ bây giờ hãy suy nghĩ lại về cách cho đi. “Cho đi một tô phở, một gói mỳ cũng đều là rất tốt, ai có ít cho ít, ai có nhiều cho nhiều nhưng sau cùng cái chúng ta cho đi không phải là vật chất bé mọn mà là cho đi tấm lòng tương ái, cho đi sự khiêm nhường, sự cảm thông mà không màng tới lời cảm ơn hay hồi đáp lẫn chuyện tích công, tích đức. Cái đó trong đạo Phật gọi là bố thí Ba la mật.
Bỡn cợt với hoàn cảnh của người ta, đã bao giờ Nờ Ô Nô nghĩ rằng mình sẽ một ngày nào đó cũng sẽ như họ, không đời này thì đời sau?”, Hoàng Huy đặt vấn đề.
Là trưởng nhóm “Bánh mỳ 0 đồng” đi cứu trợ người dân trong những tháng ngày dịch Covid-19 tàn phá TP Hồ Chí Minh, anh Hoàng Huy cho rằng, làm từ thiện nên là sự trao gửi yêu thương chân tình, chứ không bao giờ nên là sự ban phát người trên - kẻ dưới.
ANh Hoàng Huy trong những ngày đi trao 'bánh mỳ 0 đồng' cho người dân TP Hồ Chí Minh
“Tổ tiên chúng ta để lại lời dặn rằng “Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hoá ra ăn mày” để nói lên rằng chúng ta hãy biết trân trọng những gì bản thân đang có và có ứng xử khiêm nhường với những người không may gặp khó vì cuộc đời là vô thường vô định, không ai biết trước ngày mai như thế nào.
Không vì ta đây có chút điều kiện hơn người để làm từ thiện, mà lên giọng kẻ cả trịch thượng, phán xét, bình phẩm khiếm nhã về những người đang khốn khó.
Chúng ta không có quyền bình phẩm về bất cứ ai, ngoại trừ về chính tự thân mình. Hãy trao đi không chỉ một phần cơm hay chiếc bánh mà hãy trao kèm theo đó cả một sự sẻ chia chân thành. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ai cũng cần được tôn trọng”, anh Hoàng Huy cho hay.
Chung quan điểm cần phải tẩy chay những clip có nội dung phản cảm như vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) cho rằng cần có sự chung tay 'dọn rác' mạng xã hội của cộng đồng.
“Giới trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z đang làm rất tốt việc lên tiếng phản đối những hành vi xấu của Nờ Ô Nô. Nhưng để tẩy chay triệt để nhân vật này và các nhân vật tương tự khác từ trong trứng thì cần sự “lên tiếng” từ doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cũng tỏ ra lo ngại khi đề cập tới những TikToker “bẩn” sản xuất những nội dung phản cảm, lố bịch, phi đạo đức như thời gian vừa qua vì có một số bạn trẻ sẽ bắt chước làm theo, thậm chí coi đó là cách kiếm tiền tốt trên mạng.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội diễn ra vào chiều 27/10 về kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hôi Bắc Ninh) cho biết, những nguồn thu nhập 'khủng' từ các nền tảng trực tuyến như trên Youtube, Tiktok, Facebook tạo ra nhiều trào lưu, khiến nhiều bạn trẻ chuyên tâm làm việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng này.
Bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa tinh thần thì lại có nhiều bạn trẻ để nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính, nhiều bạn trẻ thể hiện trên kênh cá nhân không phải là tài năng để đem lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng mà là những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ để 'câu like, câu view'.
Để ngăn chặn những clip phản cảm như thế này tồn tại trên mạng xã hội, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng việc đầu tiên là các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan gián tiếp, trực tiếp đến những clip này cần lên tiếng một cách mạnh mẽ, có những động thái mạnh tay.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà kiến nghị cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi đối với các nền tảng có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngăn chặn những video hoặc bài đăng có nội dung độc hại.