Khi danh sách top 100 công ty tốt nhất Việt Nam xuất hiện, cuộc 'đối đầu' trên mạng lại nổ ra khi người ta đem các công ty lên bàn cân mổ xẻ, cân đong đo đếm: Liệu công ty A có thực sự xứng đáng trong top 100 hay không? Tại sao công ty tôi lại không được vào top này? Tôi làm ở đây rồi thực sự nó không tốt đến thế đâu...
Cuộc tranh luận này sẽ chẳng bao giờ đi tới hồi kết thúc. Tuy nhiên, liệu ai mới là người hơn ai? Liệu nhân viên làm công ty xếp hạng đầu có hơn những người làm trong các công ty nhỏ chắc không lọt vào nổi bảng xếp hạng 1000 không?
Với tôi, nơi làm việc tốt nhất là nơi chính mình tạo ra - chứ không phải công ty do người khác xây dựng với ước mơ và lý trí của họ gửi gắm vào trong đó.
Dù tình cảm dành cho công ty đang làm là yêu hay ghét, đa phần chúng ta vẫn có một chút tự hào khi tên công ty mình được xướng lên trong các bảng xếp hạng về những nơi làm việc tốt nhất. Vì sao? Vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn thực sự là một con 'ngựa chiến' khi đã có một chân vào công ty tốt đến vậy. Kể cả giờ bạn đã ngán nó tới tận cổ.
Có vô vàn tiêu chí để người ta đánh giá một công ty là tốt hay không, nhưng tựu trung lại vẫn là lương thưởng, cơ hội công việc và các mối quan hệ đồng nghiệp. Nhưng có một sự thật là dù làm ở công ty nào, dù lớn hay nhỏ, dù có lọt top 100 hay không, bạn vẫn có KPI, có deadline cần hoàn thành, vẫn đôi khi bị dí cho những công việc không có chút hào hứng, có những báo cáo cần nộp cuối tháng. Rồi các loại đơn xin phép cần duyệt, các mối quan hệ rườm rà và vẫn phải chờ tới cuối tháng mới được lĩnh lương. Và tất nhiên ai cũng sẽ có những ngày nén hơi thở dài mệt mỏi khi nghĩ đến chữ 'đi làm'.
Làm ở công ty lớn, chuyên nghiệp hơn, những đòi hỏi ấy chẳng hề khác đi. Thậm chí quyền lợi nhiều thì áp lực cũng tương ứng, bởi khi lựa chọn một công việc lương cao với nhiều chế độ tốt, đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận phải bỏ nhiều chất xám và công sức vào nơi mình làm việc. Được làm việc trong các tập đoàn lớn đồng nghĩa với nhiều mối quan hệ nhân viên đồng nghiệp chồng chéo, phức tạp hơn.
Điều nguy hiểm nhất khi đi 'làm thuê' là bạn sẽ bị cuốn vào một guồng quay không có điểm dừng: Càng công ty lớn, công ty 'tốt' thì áp lực công việc càng nhiều. Bạn cứ làm việc từ năm này qua năm khác, đôi khi đến nghỉ ốm cũng thấy 'tội lỗi', mà không nhận ra rằng thời gian của mình cũng không còn nhiều. Những ưu tiên cuộc đời từ khi nào cứ dành cho công việc, cho công ty mà chẳng còn thời gian cho bản thân.
Bạn tôi làm copywriter cho một trong những công ty có tên trong bảng xếp hạng ấy, lương tháng 8 triệu dù đã đi làm được vài năm. Nhưng áp lực vô hình về một công ty 'tốt như thế, bỏ làm gì' khiến nó luôn canh cánh mỗi lần muốn nghỉ việc hay phải tìm một công ty to hơn nếu chuyển đi, trong khi công việc freelance viết lách mỗi tháng cho nó một khoản thu nhập còn hơn thế.
Không có bữa trưa nào là miễn phí và chẳng có điều gì tốt đẹp mà không phải đánh đổi - khái niệm công ty tốt tùy thuộc vào điều mà mỗi người trân trọng và ưu tiên trong cuộc đời mà thôi.
Cô bạn thân thiết của tôi mỗi lần gặp đều kể một câu chuyện duy nhất: Chuyện đi làm đầy chán chường. Câu chuyện luôn kết thúc bằng một lời thở dài, than vãn 'khi nào về hưu, tao sẽ lên Đà Lạt mua một miếng đất thật rộng, trồng hoa nuôi gà, sáng uống cà phê nhìn rừng thông trong sương sớm'. Nói xong, nó lủi thủi đi về, báo là vì còn deadline.
Vậy sao bây giờ không bỏ quách thành phố, bán căn nhà nhỏ, bỏ công ty nước ngoài đang làm, chấp nhận từ bỏ váy vóc lụa là rồi về quê nuôi gà, nuôi vịt? Hay bạn tự tin đến độ nghĩ sau hàng chục năm ngồi gõ lạch cạch trước bàn phím và vắt sách chất xám cho môi trường công sở, đến già vẫn những còn sức lực và cảm hứng để lên rừng mà sống những ngày an nhiên?
Để sống một cuộc đời đơn giản, sao lại cần nhiều tiền và phức tạp đến thế? Sao bạn không dừng đi làm thuê, tự làm chủ cuộc đời mình và sống theo đúng ý mình ngày từ bây giờ?
Tất nhiên cái viễn cảnh đó chỉ tươi đẹp khi nó vẫn còn ở trong đầu; khi nhúng nó vào cuộc đời này, bạn sẽ thấy hàng tá ngổn ngang, vướng bận khiến người dũng cảm nhất cũng phải chùn chân. Nhưng làm chủ một điều gì đó sẽ cho bạn nhiều cơ hội, thời gian để làm điều mình thích và một cuộc sống tự chủ hơn. Bù lại, bạn phải đánh đổi bằng khoản lương cố định mỗi tháng, cái mác đi làm công ty sang xịn bằng kinh doanh tự do, và đôi khi là cả những lời bàn tán của người xung quanh về lựa chọn của mình.
Nhưng chắc chắn, sẽ chẳng có một lựa chọn hoàn hảo khi bạn vừa muốn có thời gian cho bản thân, vừa muốn tận hưởng những điều ý nghĩa với cuộc đời nhưng không muốn chịu vất vả.
Nếu là người coi hạnh phúc là tìm được mục đích của cuộc sống, tại sao lại đi xây dựng ước mơ cho người khác mà bỏ quên giấc mơ của mình. Trừ khi bạn nói với tôi ước mơ của bạn là giúp công ty A phát triển?
Tôi không dám chắc chắn là khi bạn làm chủ sẽ hạnh phúc hơn khi đi làm cho người khác nhưng làm để vun đắp giấc mơ cho người khác, chắc chắn sẽ rất nhiều lần bạn chạnh lòng về giấc mơ dang dở của bản thân.
Có lý do để người ta gọi 100 công ty đáng mơ ước là nơi làm việc tốt nhất chứ không phải nơi làm việc hạnh phúc nhất hay sung sướng nhất khi tốt là một khái niệm 'chung chung' và khó có thể bắt bẻ được.
Nhưng bạn biết không, bạn không cần nhìn vào danh sách 100 công ty tốt nhất để xem mình công việc của mình có đang ổn không, vì công ty tốt nhất để làm việc chưa chắc đã là nơi tốt nhất cho bạn. Nơi tốt nhất là nơi bạn thấy hài lòng nhất. Dẫu là một công ty trong top vài nghìn, lương không quá cao, văn phòng không quá lớn cũng chẳng sao, miễn mọi thứ đều 'vừa vặn', phù hợp với bạn.
Tôi không đánh giá thấp những người đi làm thuê cho các công ty lớn - kỳ thực họ rất giỏi mới có thể vượt qua hàng nghìn người để được tuyển dụng vào những nơi ấy. Nhưng với những người đã sẵn sàng lao mình ra ngoài để bắt đầu một sự nghiệp - một công ty, dù có nằm trong top vài nghìn, hoặc có thể chẳng nằm trong top nào đi chăng nữa, họ vẫn bỏ lại người đi làm thuê ít nhất là một khoảng cách lớn của sự táo bạo, kiên định, sẵn sàng vượt qua những rào cản khó khăn.