Ngày 30/10, lực lượng công an địa phương đã lập biên bản, cảnh cáo nhắc nhở chị N.T.C (26 tuổi, trú xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) về việc sử dụng tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ bài viết lên nhóm mạng xã hội kèm theo video có hình ảnh bạo lực, miêu tả hoạt động chém, giết rùng rợn của đối tượng trong vụ án giết người diễn ra tại Bắc Ninh.
Làm việc với cơ quan chức năng, chị C. đã nhận thức được hành vi chia sẻ thông tin xấu, độc lên mạng xã hội là trái quy định pháp luật. Xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn đồng thời do nhận thức về quy định pháp luật của đối tượng có phần hạn chế, Công an huyện Cô Tô đã lập biên bản cảnh cáo, nhắc nhở, yêu cầu chị C. cam kết không tái phạm.
Tương tự ngày 3/11, Công an tỉnh Phú Yên cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để chia sẻ, bình luận với nội dung sai sự thật liên quan đến cái chết của ông Đào Bá Phi (38 tuổi, ở P.4, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) trong nhà tạm giữ thuộc Công an thị xã Đông Hòa, Phú Yên). Tổng cộng số tiền nộp phạt là 33.750.000 đồng.
Trước đó, ngày 22/8, liên quan đến clip “nói xấu” người miền Trung, chủ tài khoản TikTok Hoàng Minh (tên thật H.N.M, 23 tuổi, thường trú Biên Hòa, Đồng Nai, tạm trú P.4, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã bị Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh Lâm Đồng xử phạt 10 triệu đồng.
Các trường hợp trên đây đã vi phạm các quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ.
Liên quan tới các vụ án phạm tội trên không gian mạng, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vào sáng 29/10 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Trong vòng 10 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã khởi tố điều tra 527 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hành vi đăng tải sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, đã khởi tố 63 vụ án với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng...
Đã đến lúc người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về các quy định pháp luật khi sử dụng mạng xã hội để không “mang họa vào thân”
Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu (chiếm hơn 70% dân số). Số người sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram... là gần 76 triệu người (tương đương 73,7% dân số). Trong đó nổi bật nhất là Facebook.
NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng Xã hội) thống kê, tính tới tháng 6/2021, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số - là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới.
Tính tích cực của mạng xã hội thì ai cũng biết. Nhưng bề trái của nó không phải ai cũng hiểu cặn kẽ. Tính kết nối rộng rãi và thông tin không cần xác thực dẫn đến tình trạng nhiều người dùng mạng xã hội thể hiện hành vi tiêu cực, thiếu văn minh, thậm chí vi phạm luật mà không hề biết, đôi khi chỉ nhằm để “câu like” cho vui. Việc dùng mạng xã hội như một công cụ để thể hiện cảm xúc, quan điểm cá nhân, để giải tỏa ức chế tâm lý, đôi khi “quá trớn” làm xúc phạm tới cá nhân, tổ chức dẫn đến vi phạm quy định pháp luật. Trường hợp của CEO Phương Hằng là một ví dụ.
Vì thế, người sử dụng mạng xã hội tuyệt đối không đưa những thông tin không chính xác, làm sai lệch đường lối lãnh đạo của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, kích động người dân vi phạm pháp luật. Không chia sẻ thông tin xấu, độc lên mạng xã hội. Không chia sẻ, bình luận với nội dung sai sự thật ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.
Để tránh vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mỗi người dân nên trang bị cho mình các kiến thức có liên quan. Hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, sáng suốt, có trách nhiệm. Hãy biết tự bảo vệ mình khi “sống” trong không gian mạng.