Ngày 4/8, sau khi nhà hàng xóm phát hiện có ca dương tính, cả gia đình nam sinh Nguyễn Minh Đức (quận 4, TP.HCM) vội vã mua dụng cụ test nhanh về kiểm tra. Và kết quả là nhà có 5 thành viên thì chỉ có Đức (nam sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM) là dương tính với SARS-CoV-2.
Đức vô cùng buồn khi hàng tuần em không ra khỏi nhà nhưng kết quả vẫn dương tính. Gia đình Đức nhanh chóng cho em cách ly ở phòng riêng.
'Chỉ vài ngày sau khi test nhanh cho kết quả dương tính thì em đã có những triệu chứng của bệnh Covid-19 như đau đầu, ho, khó thở mặc dù em ăn uống khá điều độ.
Vậy là cùng với sự động viên của gia đình, em suy nghĩ tích cực mỗi ngày. Em từng nghĩ mình còn thở là còn may mắn.
Cùng với những suy nghĩ tích cực, mỗi ngày em sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ cũng như bổ sung vitamin, súc miệng nước muối và tập thể dục, ăn uống điều độ.
Có những ngày miệng đắng ngắt không muốn nuốt thứ gì, người sốt hầm hập nhưng em vẫn nhắm mắt ăn hết cháo mẹ nấu, uống hết cốc nước cam ba vắt, tỉnh táo là tập thể dục, vận động chứ không nằm ườn', Đức kể.
May mắn, sau hơn 20 ngày chữa trị tại nhà, test nhanh của Đức cho kết quả âm tính và sức khỏe của em cũng hồi phục dần. Đức test kết quả mỗi ngày để yên tâm về việc chấm dứt bệnh.
Sau đó, Đức nghĩ rằng mình có sức trẻ, lại rảnh rỗi trong khi ngoài kia bao người đang khó khăn, oằn mình chống lại dịch bệnh nên xin được đi làm công việc tình nguyện ở bệnh viện dã chiến.
Đức chia sẻ: 'Em có gọi điện đến tổng đài đăng ký làm tình nguyện viên ở bệnh viện dã chiến nhưng họ nói sẽ lưu lại số điện thoại có gì sẽ gọi.
Chờ vài hôm chưa thấy gọi, em liền liên hệ với quận đoàn quận 4 và chính thức nhận được cái gật đầu cho tham gia ATM oxy. Em thích lắm vì em chính thức được góp sức mình giúp đỡ những bệnh nhân F0.
Các thành viên của đội ATM oxy quận 4 được đón đến ở tại nhà văn hóa thiếu nhi của quận 4. Ở đây em được mọi người chuẩn bị cho hết tất cả những vật dụng cần thiết, rời nhà em chỉ mang theo mấy bộ quần áo'.
Đức chào ba mẹ từ xa khi tham gia đội ATM oxy tại TP.HCM
Tham gia đội ATM oxy của quận 4, công việc mỗi ngày của Đức và 14 thành viên khác là trực điện thoại đường dây nóng, hễ F0 đang cách ly tại nhà cần bình oxy là họ khẩn trương lên đường. Một người chạy xe, một người ôm bình oxy ngồi sau cùng vào nhà lắp đặt cho các F0.
Đức được anh chị hướng dẫn cho tất cả mọi việc từ cọc bình oxy, van đồng hồ, ống thở lắp thế nào cho đến đổi bình, thu bình về... chỉ một hai ngày là Đức đã thành thạo.
Nhóm ATM oxy của Đức chia theo ca để làm việc 24/24h để F0 nào gọi đến bất kể giờ nào cũng sẽ được hỗ trợ.
Đức ngồi trực điện thoại vào ca trực
'Có những ngày điện thoại reo liên tục, có đến vài người cùng lúc cần oxy, đội của em không ai bảo ai, nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Cũng có những ngày về đến chỗ nghỉ là mệt nhoài nhưng từng là một F0, em cũng trải qua những giây phút khó khăn khi nhiễm bệnh nên em muốn mình giúp những bệnh nhân khác để họ nhanh chóng hồi phục.
Có lẽ buồn nhất trong suốt những ngày qua là có những lần khi đội của em vừa mang oxy đến thì bệnh nhân cũng trở nặng và ra đi... Chứng kiến những giây phút đau đớn của người nhà bệnh nhân, chúng em không ai bảo ai, chỉ một lòng quyết tâm là hỗ trợ được nhiều người nhất có thể', Đức tâm sự.
Nói thêm về việc đăng ký tham gia công việc tình nguyện mang bình oxy đến cho các F0, Đức cho biết, sau khi trình bày mong muốn với bố mẹ thì bố mẹ em cũng rất lo lắng vì em sẽ tiếp xúc với F0, đồng nghĩa với việc có nguy cơ tái nhiễm, nhưng cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho em tham gia.
Đến giờ cũng đã gần 10 ngày Đức không về nhà vì sau mỗi ca trực em ở lại cùng các anh chị trong đội ATM oxy luôn. Có lần mang oxy cho bệnh nhân gần nhà, Đức ghé nhà lấy thêm chút vật dụng cá nhân nhưng cũng chỉ dám gọi điện cho ba gói ghém đồ đạc lại và để trước cửa chứ ba con cũng không dám tiếp xúc với nhau.
'Ba đứng cách xa và vẫy tay với em khiến em càng vững tin hơn với công việc đang làm. Em mong Sài Gòn sớm khỏe lại, mọi người sớm hết bệnh để cho em có thể yên tâm về nhà và bắt đầu một năm học mới', Đức hy vọng.