Tiêu chảy cấp do Rotavirus, hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.
Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do virus Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi và trong số đó, có 350.000 - 600.000 ca tử vong vì loại virus này.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã xác định virus Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đó là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em.
Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9.
Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm virus Rota. Hàng năm, số trẻ chết do virus Rota chiếm từ 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân.
1. Triệu chứng nhận biết tiêu chảy Rota
Virus Rota thường kéo dài 6 - 7 ngày, trong đó biểu hiện sốt khoảng 1 - 2 ngày, nôn trong 2 - 3 ngày và tiêu chảy chiếm khoảng 5 ngày. Các triệu chứng này thường đi liền với nhau, đặc biệt tiêu chảy nặng có thể dẫn đến tử vong do mất nước.
Vì vậy, hãy nhanh chóng đưa trẻ nhỏ đến bệnh viện nếu phát hiện các triệu chứng sau đây:
- Tiêu chảy kèm theo sốt: trẻ sơ sinh dưới ba tháng sốt trên 38 độ, trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến ba tuổi sốt trên 39 độ.
- Nôn mửa liên tục, không thể ăn hoặc uống.
- Đau bụng dữ dội không thuyên giảm.
- Các biểu hiện mất nước như khô miệng, khát nước, khóc không ra nước mắt…
- Tiểu không hết hoặc không thể đi tiểu trên 4 giờ.
- Tình trạng tinh thần kém hoặc hôn mê.
- Chất nôn hoặc phân màu cà phê, nghi ngờ có máu trong chất nôn hoặc phân.
- Một số trẻ còn ho dai dẳng kết hợp sổ mũi, đau họng.
Ảnh minh họa.
2. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy Rota
Đối với trẻ sơ sinh bú bình thì nguyên nhân gây tiêu chảy Rota cấp thường do bình sữa không đảm bảo vệ sinh, nhiễm khuẩn từ môi trường. Vì vậy so với trẻ bú mẹ thì trẻ bú bình thường có nguy cơ mắc tiêu chảy Rota cao hơn.
Thực phẩm không được bảo quản đúng cách sau khi chế biến cũng như tình trạng đun lại thức ăn nhiều lần cũng khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ dễ bị virus Rota tấn công.
Thức ăn bị ô nhiễm trong quá trình chế biến đặc biệt là đối với các món thịt tươi sống như thịt bò, thịt heo, cá.
Virus Rota có khả năng sinh trưởng mạnh trong môi trường nước nên khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và nước chưa đun sôi hoặc để lâu khi trẻ uống sẽ dễ mắc bệnh. Đối với những gia đình sử dụng máy lọc nước trực tiếp từ nguồn nước cũng cần đảm bảo đun sôi trước khi cho con sử dụng.
Virus Rota có thể truyền nhiễm từ dụng cụ hoặc tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh trước đó.
Trẻ có thói quen đưa tay vào miệng khi chơi đùa hoặc khi ăn và trong đó có thể chứa virus Rota vì thế cần tập thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cho trẻ.
3. Cách phòng tránh virus Rota
Sử dụng vaccine: theo khuyến cáo của WHO, nên uống dự phòng vaccine Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Thường xuyên quan tâm đến vệ sinh cá nhân, rửa tay trước bữa ăn, đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay cho trẻ. Cha mẹ cũng nên rửa tay kịp thời sau khi giúp con đi đại tiện.
Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống.
Tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc tiêu chảy.
Đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ cần được khử trùng thường xuyên.
Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí 2 ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thói quen tập thể dục từ nhỏ để trẻ tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm cũng như tác hại của virus Rota.
Ảnh minh họa.
4. Cách điều trị tiêu chảy do Rotavirus
Trong giai đoạn đầu, người nhà cần cho trẻ bổ sung nhiều nước, chất điện giải bằng cách sử dụng nước đun sôi để nguội và kết hợp với gói điện giải Oresol. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, không dầu mỡ, dễ tiêu như cháo lỏng, nước canh súp, nước canh rau,… Có thể cho trẻ uống nước khoáng nhưng không được uống nước có ga.
Có thể cho trẻ sử dụng thuốc tiêu chảy để theo dõi thêm tình trạng trong 24 giờ. Khi trẻ có các dấu hiệu của mất nước nghiêm trọng như lòng bàn tay, chân lạnh, mắt trũng sâu, lờ đờ, thở gấp, da xuất hiện đốm đỏ li ti, không phản xạ khi bố mẹ gọi,… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền dịch hồi phục cũng như thực hiện các xét nghiệm điều trị tiêu chảy Rota kịp thời.
Ảnh minh họa.
Nguồn: Medlatec, VNVC, Sohu, WHO