Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả có bút danh Hòa Bình (Quảng Ngãi).
Ba đi chiến đấu rồi hy sinh trong chiến tranh lúc tôi mới 2 tuổi. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng đầy ắp tình thương của mẹ.
Mẹ đã bao lần gánh tôi chạy tản cư khắp các huyện xã để tránh bom đạn. Bao đêm mẹ thức khuya gánh nước tưới từng hàng rau lang, hàng mãng cầu để tạo ra rau xanh, trái ngọt nuôi tôi khôn lớn.
Hồi nhỏ, nhà tôi cũng như bao gia đình bao cấp khác sống trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn. Bữa cơm đơn sơ độn củ ăn mới no, mà củ nhiều hơn cơm. Thương con, mẹ luôn nhịn phần cơm và cá cho tôi còn bà ăn củ với rau. Dù nghèo khó là vậy nhưng được cái ngôi nhà lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Sớm sớm chiều chiều hai mẹ con quấn quýt bên nhau.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Rồi những lời ru đưa nôi giấc trưa hè hay chăn ấm đêm đông đã theo tôi qua năm tháng tuổi thơ. Rồi đến một ngày, tuổi thơ lặng lẽ qua đi và đó cũng là lúc tôi biết mình trưởng thành thực sự rồi.
Tôi đã khôn lớn nên phải tự mình rời xa vòng tay mẹ, vỗ cánh tung bay khắp phương trời. Phương trời mang tên Sài Gòn. Có lẽ đó là nơi bao người dân quê như tôi nuôi giấc mơ đổi đời. Sài Gòn giàu và đẹp. Sài Gòn dễ kiếm việc làm và thu nhập sẽ khá hơn. Tôi nghe người ta bảo thế nên cũng bắt đầu cuộc đời sương gió ở mảnh đất này.
Ngày tôi đi, mẹ ôm tôi khóc như mưa. Tôi cũng đỏ hoe đôi mắt rồi khóc theo. Mẹ nói trong nước mắt:
- Đi mạnh giỏi nghen con. Sài Gòn nhiều cạm bẫy nhớ mà giữ thân mình kẻo không thì...
Tôi ngăn lời mẹ bằng một lời hứa:
- Con sẽ không làm mẹ buồn đâu. Mẹ đừng lo. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe nghen.
Rồi tôi ngồi lên xe ôm, rời khỏi xóm nghèo, dần xa bóng mẹ. Đi một quãng dài tôi chỉ còn nghe văng vẳng đâu đó bên tai giọng mẹ ấm áp:
- Thỉnh thoảng nhớ gửi thư về cho mẹ nghen con!
...
Ngày đầu tiên vô Sài Gòn mọi thứ quá đỗi xa lạ với một đứa con trai ở quê mới vô như tôi. Tôi ngơ ngác nhìn hàng quán và những tòa nhà. Tất cả đều rất đẹp và hoa lệ. Đúng là đô thị bậc nhất của cả nước.
Hoa lệ với người giàu còn nghèo như tôi chỉ là mắt lệ. Lệ nhớ nhà rồi nhớ mẹ, lệ cô độc nơi đất khách quê người. Hết khóc tôi quay sang lo lắng. Không biết mình sẽ làm công việc gì để mưu sinh đây. Không biết có sống được với nơi này không nữa.
Những luồng suy nghĩ vẩn vơ cứ lẩn quẩn trong đầu. Nhưng rồi tôi nhanh chóng gạt bỏ đi mọi sự yếu đuối và vươn vai mạnh mẽ xứng đáng là đàn ông đích thực.
Tôi bắt tay vào làm việc chăm chỉ như con ong thợ. Ngày bán báo, tối chạy xe ôm. Cứ thế mà không còn biết vất vả là gì nữa. Làm gì có tiền tôi vui và ham lắm. Niềm vui này tôi chỉ biết chia sẻ với mẹ thôi.
Một lá thư được gửi về quê.
'Sài Gòn, ngày... tháng... năm...
Mẹ ơi, con là con của mẹ đây này. Hôm nay tự nhiên con nhớ mẹ quá nên viết mấy dòng tâm sự gửi đến mẹ.
Mẹ ơi, dạo này mẹ có khỏe nhiều không? Mẹ có nhớ con như con nhớ mẹ không? Vườn cây nhà mình có ra trái nhiều không mẹ? Không biết ngoài quê bây giờ trời nắng mưa chứ ở đây mấy hôm nay trời hay mưa đêm. Mỗi lần mưa mỗi lần con nhớ thương mẹ nhiều hơn.
À, mà hôm nay viết thư này con muốn thông báo cho mẹ một tin vui. Đó là công việc trong này cũng khá ổn định và thu nhập không đến nỗi tệ. Con tính sẽ kiếm tiền rồi dành dụm về quê sửa lại nhà vì nhà mình đã lâu quá rồi. Rồi con cũng sẽ mua cho mẹ cái tivi với đầu đĩa để mỗi tối mẹ mở nhạc nghe cho đỡ buồn chứ thấy mỗi lần mẹ coi ké nhà hàng xóm tội quá. Mà tivi nhà người ta trắng đen coi cũng không sướng ích gì.
Thôi con tâm sự với mẹ bấy nhiêu thôi nhé. Gửi đến mẹ ngàn cái ôm và nụ hôn yêu thương. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. Đừng nhớ con nhiều rồi khóc là không được đâu đó. Ông bà phù hộ mạnh giỏi con làm vài tháng nữa rồi Tết con về thăm mẹ.
Con của mẹ.
Hòa Bình'.
Tôi là đứa không giỏi văn chương hay khéo léo ăn nói nên viết thư cũng chỉ được mấy dòng chứ có nói được gì nhiều đâu. Lời không bao nhiêu nhưng tôi biết mẹ hiểu tình cảm tôi dành cho mẹ nhiều như thế nào. Một tình cảm thiêng liêng vô giá trên đời. Và tôi biết tình thương yêu của mẹ dành cho tôi cũng không thay đổi theo thời gian.
Một tuần sau tôi nhận lá thư từ quê gửi vô.
'Quảng ngãi, ngày... tháng... năm...
Hòa Bình, con trai của mẹ!
Từ ngày con đi không ngày nào là mẹ không nhớ thương con, nhớ nụ cười bé con lúc mẹ đùa giỡn thuở bé, nhớ giọng nói dễ thương mỗi khi con gọi mẹ lúc đi chơi về. Bàn tay bé nhỏ đâu rồi? Bàn chân sơ sinh đâu rồi? Đôi khi đêm khuya trong vô thức mẹ cứ gọi tên con rồi lẩm bẩm như thế.
Và rồi mặt trời bừng sáng cho ngày mới bắt đầu. Mẹ minh mẫn hiểu ra rằng con của mẹ đã trưởng thành và không còn ở bên cạnh mẹ như ngày xưa nữa. Ngày thơ bé không bao giờ trở lại.
Mẹ biết con người rồi ai cũng sẽ lớn mà, đúng không con trai ? Mẹ mừng khi thấy con trưởng thành mà cũng buồn cho sự trưởng thành ấy. Biết làm sao được. Con phải ra đời để kiếm sống rồi một ngày kia còn có gia đình nữa, làm sao có thể ở bên cạnh mẹ mãi được.
Bây giờ hai mẹ con mình dù mỗi người một nơi nhưng mẹ thấy khoảng cách ấy không xa con à. Nhất là vừa rồi nhận thư con gửi mẹ vui mừng vô cùng.
Nghe con có công việc ổn định là mẹ an tâm rồi. Còn chuyện sửa nhà hay mua sắm gì đó để từ từ. Tiền kiếm được con cứ để dành đó còn lo chuyện cưới vợ sau này nữa.
Ngoài này trời nắng cháy. Mẹ phải tưới ngày hai lần vườn cây mới sống nổi. Công việc tuy cực mà cũng vui. Nhờ nó mà mẹ cũng bớt nhớ con hơn. Sức khỏe mẹ cũng bình thường. Con cũng nhớ giữ gìn sức khỏe đó. Thôi mẹ dừng bút tại đây nhé! Thương nhớ con nhiều!
Mẹ của con'.
Tôi đọc xong tự nhiên khóe mắt cay cay. Tôi biết nỗi nhớ của mẹ lớn gấp trăm lần tôi. Có lẽ trên đời này người mẹ nào cũng vậy. Tình thương dành cho những đứa con luôn bao la như biển sông mà không bút mực văn chương nào có thể diễn tả hết. Chỉ có trái tim mới cảm nhận hết mà thôi.
...
Một năm có 730 bữa cơm gia đình. Mà không biết trong đó chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu bữa rồi.
Ngày xưa tôi với mẹ dù cá hay rau gì bữa nào cũng vui vẻ bên nhau ăn cơm. Đến khi vô Sài Gòn tôi càng thấy giá trị của bữa cơm nó lớn đến mức nào.
Mỗi bữa cơm là một khoảnh khắc kết nối các thành viên trong gia đình để tình cảm ngày một thân thiết hơn. Tôi cứ ước giá như mình mãi bé thơ để cùng mẹ ăn thật nhiều bữa cơm cùng nhau thì tốt biết mấy. Vậy mà đâu có được.
Xa nhà ở nơi đất khách quê người, tôi đi làm về lủi thủi ăn vội bữa cơm trong nỗi cô đơn đầy nhạt nhẽo. Tay bưng chén cơm mà nước mắt rưng rưng rồi lòng thèm ước có mẹ xuất hiện để ngồi ăn cùng. Bạn có biết nỗi thèm ước ấy kéo dài mãi tới 7 năm sau mới trở thành sự thật trọn vẹn không. Đó là khi tôi trở về quê lập gia đình rồi sống cùng mẹ tới giờ.
Về để vun xới hàng rau
Xanh xanh sân trước vườn sau nói cười
Bình yên vui sống cuộc đời
Hạnh phúc tổ ấm những lời yêu thương.
Yêu thương càng yêu thương hơn khi một năm sau ngôi nhà đón thành viên mới chào đời. Đứa con trai thiên thần đến với gia đình mang bao niềm hạnh phúc vỡ òa. Tiếng con khóc oe oe. Giọng bà nội cưng nựng cháu. Nụ cười rạng rỡ nở trên môi hai vợ chồng trẻ.
Mái nhà không còn hiu quạnh nữa. Những bữa cơm tràn ngập tiếng cười. Một gia đình nhỏ một hạnh phúc to.
Rồi một ngày kia thiên thần bé nhỏ cũng giống tôi ngày xưa. Nó vỗ cánh tung bay để lại nỗi nhớ cho cả gia đình. Và chỉ khi trải qua cảm giác nhớ con tôi mới hiểu lòng mẹ ngày xưa như thế nào. Ngày xưa mẹ tựa cửa nhớ con còn bây giờ tôi nhìn trời bâng khuâng. Chim non bay về đâu hỡi chim non?
Nỗi nhớ bây giờ đỡ hơn ngày trước, không viết thư mà thay bằng những cuộc gọi video thấy mặt nghe giọng của con. Nhưng làm sao bằng gặp trực tiếp để mà ôm con vào lòng yêu thương.
Rồi lúc đại dịch kéo đến con không về thăm nhà nỗi lo và nỗi nhớ kéo dài thêm ra. Bữa cơm đông đủ thành viên cũng chỉ là...
Chỉ là người mẹ lưng còng tóc trắng mây cùng đôi vợ chồng lấm tấm hoa râm tuổi trung niên. Trung niên đôi lúc cũng còn hồn nhiên và khờ dại, nhất là khi nhớ con.
Người ta nói nào có sai: Dù con có có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa với mẹ con mãi là bé con như ngày nào. Đó chính là lý do vì sao thỉnh thoảng tôi vẫn hay xòa vào lòng mẹ để tìm chút hơi ấm yêu thương cho vơi bớt nỗi thương nhớ con của mình. Mẹ vẫn âu yếm, hôn hít và kể chuyện cho tôi nghe như thuở nào.
Tôi bỗng thấy lòng mình thật hạnh phúc và từ sâu trong lòng tôi biết ơn mẹ vô cùng. Một người mẹ nghèo và ăn mặc giản dị luôn dành cho tôi một tình thương không đổi đủ để tôi ngưỡng mộ và tôi gọi bà là người vĩ đại nhất trên đời.
>> Xem thêm: Cuộc thi Về nhà thôi thêm quà khủng: Hỗ trợ 20 triệu tiền vé máy bay cho gia đình vi vu nghỉ dưỡng
XEM CHI TIẾT THỂ LỆ CUỘC THI TẠI ĐÂY.