Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Võ Thái An (Bình Dương)
Thương tặng má Năm của con!
Tự nhiên mẹ tôi muốn lấy chồng. Bà ngoại la mẹ: “Mày ở vậy đến giờ này, tự nhiên cái đòi lấy chồng, con ơi là con”. Tôi thì không nói gì nhưng tôi giận mẹ. Tôi quay ngoắt, không nói một lời, bỏ sang nằm “biểu tình” bên võng nhà ngoại, cơm cũng chẳng buồn ăn. Mẹ từng nói tôi là tất cả của mẹ, vậy mà ... mẹ không cần tôi nữa rồi!
2 tháng, 3 tháng sau cái lần ấy, mẹ tôi dường như lặng lẽ hơn. Vẫn dịu dàng chuẩn bị món tôi thích khi tôi về, vẫn dặn dò tôi cái nọ cái kia trước lúc đi làm, vẫn chăm sóc tôi từng miếng ăn giấc ngủ... nhưng tôi biết mẹ buồn. Nhìn dáng mẹ gầy gầy ngồi bên hiên nhà, từng giọt nắng chiều đổ trên tóc, mẹ tôi sao đơn độc lạ. Tôi tự hỏi lòng, phải chăng mình đã sai?!
Khi tôi 5 tháng tuổi, ba dắt bồ nhí về nhà, ngủ ngay trên chiếc giường của mẹ. Mẹ ôm tôi về nhà ngoại, lặng thinh, không một giọt nước mắt rơi.
Khi tôi vào lớp 1, mẹ tôi xin được chân hộ lí nơi bệnh viện huyện. Thu nhập còm cõi nhưng cũng đủ để hai mẹ con đắp đổi qua ngày.
Năm tôi 10 tuổi, bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện gần 2 tuần. Một tay mẹ ngày đêm bên cạnh chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Tôi hết bệnh, lại líu lo cười nói còn mẹ tôi đến dáng đi cũng chao vao, chênh vênh. Sau lần đó, có hôm đi làm về, tôi thấy trên tay mẹ có vết đỏ, tôi hỏi tại sao, mẹ chỉ cười rồi nói do muỗi cắn. Mãi đến khi tôi lén nghe bà ngoại với mẹ nói chuyện mới biết mẹ phải đi bán máu để trả tiền viện phí của tôi. Tối đó, tôi lặng lẽ rúc vào lòng mẹ; nhẹ xoa vết “muỗi đốt” trên tay mẹ; tự hứa với lòng sau này sẽ ráng học thiệt giỏi, sẽ đi làm để kiếm tiền lo cho mẹ.
Khi tôi vào cấp 3, đồng lương hộ lý của mẹ không đủ trang trải cho 2 mẹ con. Mẹ lại thêm nghề bán bánh. Cái tủ nhỏ, cái ghế nhỏ với bánh chuối nướng, bánh khoai mì… mẹ lại làm bạn cùng cây đèn đường nơi góc phố. Hôm nào rảnh, tôi ra phụ mẹ, 2 mẹ con rủ rỉ với nhau giữa dòng xe qua qua lại lại. Hôm nào không có tôi, mẹ ngồi lặng lẽ mong chờ ai đó ghé ngang mua bánh. Có hôm bán ế, trời mưa, mẹ về đến khu nhà tập thể của cơ quan đã ướt như chuột lột. Đôi môi mẹ tái đi vì lạnh, hai bàn tay run run rinh thùng bánh và cái bàn nhỏ cột sau đuôi xe đạp. Vậy mà mẹ vẫn cười dịu dàng: “Con đói không, đợi mẹ lau mình xong 2 mẹ con mình ăn bánh nghen!”.
Ngày tôi đậu đại học, mẹ lo tôi lạc lõng giữa nơi xa chốn lạ nên nghỉ làm theo tôi lên Sài Gòn. Tôi vào Bách Khoa, mẹ đi làm giúp việc. Mẹ nói mẹ làm cho người ta, có ăn, có ở, được bao nhiêu mẹ lo học phí cho tôi, sẽ không cực khổ như hồi xưa làm hộ lí. Nói thì nói vậy nhưng mỗi lần đến thăm mẹ, nhìn mẹ phải khép nép với chủ nhà, bận rộn chạy đông chạy tây khi người ta gọi. Nhiều lúc hai mẹ con chưa kịp nói câu nào mẹ đã phải lọ mọ làm này làm nọ. Nhìn mẹ, tôi thấy mắt cay cay...
Ngày tôi tốt nghiệp, mẹ vào trường dự lễ. Tôi nhìn trong mắt mẹ tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Mẹ nói: Con là tất cả của mẹ, con ơi!
Tìm được việc ổn định, thu nhập khá khá tôi lại nằn nì mẹ nghỉ việc. Mẹ cũng cần nghỉ ngơi rồi. Mấy nay, lưng mẹ cứ hay đau. Đôi bàn tay thì trở gió lại nhức không chịu nổi. Vậy là mẹ về ở với tôi. Tôi thấy hãnh diện vì đã không phụ những nhọc nhằn của mẹ. Tôi cũng thấy vui vì lại được như ngày bé. Hai mẹ con ở trong gian nhà trọ, ấm áp đến lạ thường. Tôi hạnh phúc mỗi ngày vì có mẹ bên cạnh.
Vậy mà mẹ đòi lấy chồng. Mẹ gần 50, chú cũng hơn 60. Mẹ đã qua một lần đò chú cũng mất vợ từ năm 40 tuổi. Mẹ cả đời tần tảo vì tôi cũng như chú thân gà trống gồng gánh 20 năm nuôi con thành tài. Chắc vì vậy mà đồng cảm. Chắc vì vậy mà hiểu nhau. Từ ngày quen chú, mẹ tôi cười nhiều hơn, rạng rỡ hơn. Nhưng dù tôi yêu mẹ, dù tôi quý chú, tôi không thể chịu nổi việc mẹ xa tôi, mẹ thành vợ của người khác.
Từ ngày đó, có lẽ biết tôi phản đối, chú thôi đến thăm mẹ và mẹ cũng thôi cười rạng rỡ. Mẹ vẫn dịu dàng như mẹ của bao ngày nhưng đáy mắt mẹ là ánh buồn xanh biếc; nụ cười mẹ trở nên nhàn nhạt, gượng gạo. Có đêm nằm ngủ, tôi nghe mẹ trở mình, khe khẽ thở dài. Đôi bàn tay mẹ gầy guộc, lành lạnh nhè nhẹ vuốt tóc tôi ...
Rồi một ngày, đi làm về, tôi lại thấy mẹ đơn độc ngồi nơi công viên cạnh khu phòng trọ. Mẹ nhìn 2 cô chú sánh vai đi bộ cùng nhau nói cười rôm rả. Hình như mẹ khóc...
Thôi thì mẹ ơi, mẹ lấy chồng đi. Con ích kỷ muốn giữ mẹ là của riêng con nhưng con biết mẹ cũng cần hạnh phúc. Cái hạnh phúc thổn thức trong từng nhịp đập, cái hạnh phúc đến từ người tri kỉ, đầy nương tựa, đầy sẻ chia thấu hiểu; cái hạnh phúc mà mẹ từng khát khao cả một thời thiếu nữ rồi lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong khi lỡ một chuyến đò... Hạnh phúc ấy chỉ có chú mới mang đến cho mẹ.
Cả một đời mẹ đã vì con, sao con lại chẳng thể vì mẹ một lần phải không mẹ?
Mẹ sẽ là vợ của chú nhưng mẹ mãi mãi là mẹ của con.
Chỉ cần có mẹ, con có nhà để về.
Chỉ cần mẹ hạnh phúc, tim con nhất định sẽ ấm áp.
Chỉ cần có mẹ, con sẽ mãi có nơi trú ngụ an toàn mỗi khi giông bão.
Vậy nên, mẹ ơi, mẹ lấy chồng đi! Mẹ ơi, mẹ cứ hạnh phúc đi. Con yêu mẹ!